Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Lào

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Lào.

- Tên nước: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (the Lao People's Democratic Republic)
 
 - Ngày quốc khánh: 2/12/1975
 
 - Thủ đô: Vientiane
 
 - Vị trí địa lý: Lào nằm trên bán đảo Đông Dương, ở khu vực Đông Nam Á; Phía Bắc giáp Trung Quốc; phía Đông giáp Việt Nam; phía Nam giáp Campuchia; phía Tây giáp Thái Lan; phía Tây Bắc giáp Myanmar.
 
 - Diện tích đất liền: 236.800km2
 
 - Khí hậu: Nhiệt đới gió mùa, chia làm hai mùa rõ rệt: mùa khô (từ tháng 10 đến tháng 5), mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 9). Nhiệt độ không khí trung bình ở miền Bắc tháng Giêng: 15o C, tháng 7: 28oC; ở miền Nam và miền Trung tháng Giêng: 25oC, tháng 7: 30oC. Lượng mưa trung bình hàng năm ở vùng núi 3.500mm, ở đồng bằng 1.000-2.000mm.
 
 - Dân số: Khoảng hơn 6 triệu người (năm 2009).
 
 - Dân tộc: Lào Lùm (Lao-Loum: 57%), Lào Thâng (Lao-Theung: 34%), Lào Xủng (Lao-Soung: 9%)
 
 - Hành chính: Lào áp dụng một hệ thống hành chính bốn cấp gồm cấp trung ương và ba cấp địa phương. Cấp địa phương cao nhất là tỉnh có 17 đơn vị và thành phố Vientinane. Cấp địa phương cấp hai là các quận, huyện, thị xã. Cấp địa phương thấp nhất là các xã.
 
 - Đơn vị tiền tệ: Kip
 
 - Tôn giáo: Phật giáo 67%, Thiên chúa giáo 1,5%, các tín ngưỡng khác 31,5%. (CIA)
 
 - Ngôn ngữ: Tiếng Lào

Địa lý

Lào là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á không giáp với biển.

Địa thể đất Lào có nhiều núi non bao phủ bởi rừng xanh, đỉnh cao nhất là Phou Bia cao 2.817 m. Diện tích còn lại là bình nguyên và cao nguyên.

Sông Mekong chảy dọc gần hết biên giới phía Tây, giáp giới với Thái Lan, trong khi đó dãy Trường Sơn chạy dọc theo biên giới phía đông giáp với Việt Nam.

Thủ đô và thành phố lớn nhất của Lào là Vientiane, các thành phố lớn khác là Louang Phrabang, Savannakhet và Pakse.

Lào cũng là quốc gia có nhiều loài động vật quý hiếm trên thế giới sinh sống, nổi bật nhất là hổ, voi và bò tót khổng lồ. Rất nhiều loài đang đứng trước hiểm họa tuyệt chủng do nạn săn trộm và phá rừng.

 

Lịch sử

Năm 1893, thực dân Pháp xâm chiếm Lào.
 
Ngày 12-10-1945, nước Lào độc lập.
 
Đầu năm 1946, thực dân Pháp quay lại xâm lược Lào.
 
Tháng 7-1954, Pháp ký Hiệp định Geneva công nhận nền độc lập của Lào.
 
Từ năm 1955, Mỹ gây chiến tranh chống lại nhân dân Lào.
 
Ngày 21-2-1973, Hiệp định Vientiane lập lại hòa bình và thực hiện hòa hợp dân tộc ở Lào được ký kết giữa Mặt trận yêu nước Lào và phái hữu Vientiane.
 
Ngày 2-12-1975, Đại hội Đại biểu Nhân dân Lào họp ở Vientiane tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
 
Chính sách đối ngoại: Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước; thắt chặt quan hệ hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới; tăng cường tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Việt Nam.
 

Chính trị

Thể chế chính trị: Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân.
 
Hiến pháp: Thông qua ngày 14-8-1991.
 
Cơ quan Hành pháp: Đứng đầu Nhà nước là Chủ tịch nước; Chủ tịch nước do Quốc hội bầu, nhiệm kỳ 5 năm.
 
Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng; Thủ tướng do Chủ tịch nước đề cử, Quốc hội biểu quyết, nhiệm kỳ 5 năm.
 
Cơ quan Lập pháp: Quốc hội một viện, gồm 99 ghế, được bầu theo phổ thông đầu phiếu.
 
Cơ quan Tư pháp: Tòa án nhân dân Tối cao. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao do Quốc hội bầu.
 
Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 

Kinh tế

HTML clipboard

Lào là một nước nông nghiệp, 85% dân số sống bằng nghề nông.

Từ năm 1990, Lào tiến hành cải cách mở cửa, nền kinh tế Lào liên tục tăng trưởng với tỷ lệ bình quân 6%/năm. Từ năm 2005 đến 2008, tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 7,5%/năm. Năm 2009 là 6,4%; tỷ lệ thất nghiệp là 2,5%.

Công nghiệp năng lượng và công nghiệp khai khoáng là những ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy kinh tế nước này tăng trưởng.

Về công nghiệp

Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 33,1% GDP.

- Sản phẩm công nghiệp chính là đồng, thiếc, thạch cao, gỗ, năng lượng điện, chế biến sản phẩm nông nghiệp, xây dựng, may mặc, du lịch, ximăng.

Về nông nghiệp

 Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 29,9% GDP.

- Sản phẩm nông nghiệp chính là khoai tây, rau, ngô, càphê, củ cải đường, thuốc lá, sợi, chè, đậu, gạo, thịt trâu, thịt lợn, gia súc, gia cầm.

Về dịch vụ-du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 37% GDP.

Xuất khẩu: 1,273 tỷ USD (năm 2009).

- Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: May mặc, sản phẩm gỗ, cà phê, thiếc.

- Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Thái Lan (35,4%), Việt Nam (15,5%), Trung Quốc (8,5%).

Nhập khẩu
: 2,034 tỷ USD (năm 2009).

- Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Máy móc và thiết bị, xe cộ, nhiên liệu, hàng tiêu dùng.

- Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Thái Lan (68,3%), Trung Quốc (10,4%), Việt Nam (5,8%).

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)

- GDP tính theo sức mua (PPP): 15,09 tỷ USD (năm 2009).

- GDP bình quân đầu người/năm (PPP): 2.100 USD (năm 2009).

Văn hóa

Nền văn hóa Lào chịu ảnh hưởng nặng của Phật giáo Thượng tọa bộ. Sự ảnh hưởng này được phản ánh trong ngôn ngữ và nghệ thuật, văn học và nghệ thuật biểu diễn của Lào.
 
Về âm nhạc, người Lào sử dụng nhạc cụ khaen. Các ban nhạc thường sử dụng (mor lam) và khaen (mor khaen) cùng với đàn kéo cùnv các nhạc công khác. Lam saravane là loại nhạc Lào phổ biến nhất. Người Lào ở Thái Lan đã phát triển một dạng gọi là mor lam sing.
 
Các địa điểm có tính văn hóa lịch sử cao của Lào có thể kể tới Cánh đồng chum ở tỉnh Xieng Khouang.

Ẩm thực

HTML clipboard

Ẩm thực Lào mang phong cách tương tự các quốc gia láng giềng là Campuchia và Thái Lan: cay, chua và ngọt. Tuy nhiên, ẩm thực lại mang những phong cách đặc trưng rất riêng.

Ngoài cá nước ngọt thì thịt heo, gà, trâu và vịt là những thành phần quan trọng để nấu nướng nhiều thứ món ăn thông thường. Người Lào cũng ăn những thứ thịt thú săn như nai, gà rừng, chim cút nếu có dịp kiếm được.

Người Lào ăn gạo là chính; các món ăn có đặc điểm là dùng những gia vị như gừng, me, lá chanh, và nhiều loại ớt khô rất cay. Vị chính trong các món ăn hầu hết các món ăn đều có rất nhiều ớt. Chỉ riêng ớt có hàng chục món: từ ớt chiên giòn, ớt muối chua, ớt sa tế, ớt hầm, ớt luộc.

Chính vị cay này cũng là một nét văn hóa vì phần đông người Lào sử dụng nguồn lao động chân tay, vị cay gây kích kích, tạo món ăn ngon, giúp người lao động ăn được nhiều, tăng sức lao động.

Ở mỗi vùng cũng có các món ăn đặc trưng, có các tên gọi khác nhau và được chế biến theo đặc trưng của từng vùng, nhưng không thể không có vị cay của ớt.

Một món ăn tiêu biểu của người Lào là sự pha trộn giữa cay và ngọt, được trung hòa thêm thảo mộc. Cá đánh bắt được từ sông, hồ, suối được người Lào chế biến có sự pha trộn của các lọai gia vị thảo mộc.

Mắm cá (pa dek) và mắm Cheo gồm da trâu, ớt nướng, tỏi nướng, riềng nướng, đường cùng nhiều gia vị thảo mộc trộn lẫn hoặc mắm Muok gồm lòng cá trộn ớt, sả, củ hành hầu như nhà nào cũng có và nước mắm (nám pla) được người Lào sử dụng hết sức phổ biến.

Người Lào thường xây dựng bên cạnh nhà mình một vườn rau, trên đó người ta trồng các lọai rau như hành,khoai từ, dưa chuột, đậu ván , củ cải,cần tây,xà lách,..v..v.. Nó là những thứ bổ sung cho bữa ăn hàng ngày của người Lào.

Các món ăn

Lào có khá nhiều món ăn ngon, có thể kể ra như gà nướng, lạp, lạp xưởng, thịt heo hấp măng (hoặc cá hấp lá chuối), gà (cá) nấu me, rau luộc, cơm (xôi).

Ngoài ra còn có các món khác như như: ếch, mực chiên tỏi, sườn nướng, nem chua cá thịt. Ẩm thực Lào, ngoài các món này, còn có những món được xem là đặc sản như món Tam Maak Hung còn gọi là nộm đu đủ gồm dưa muối, đu đủ, đậu đũa, cà dĩa giã rồi trộn chung với cùng hàng chục gia vị ăn rất lạ.

Ngoài Tam Maak Hung còn có các món như Thoót mú đẹt điêu, tôm dâm cung, cá nướng. Mỗi món đều có các nguyên liệu khác như Lạp được làm bằng thịt heo, băm nhỏ, trộn gia vị Lào, ăn với xôi hoặc cơm, trộn chung với ớt cay, cá nướng được ướp muối ngoài da, khi nuớng chín, da cá không cháy nhưng phủ trắng lớp muối, thịt cá không dính vào da, mùi thơm, chấm với nước “chẻo” (đặc chế từ ớt, tỏi, hành, mắm, muối, bột ngọt và chanh).

Điểm du lịch

Quần thể di tích đền thờ Wat Phou - Di sản văn hoá nổi tiếng thế giới
 
Wat Phou là di tích một quần thể đền thờ ở phía Nam nước Lào, tọa lạc dưới chân núi Phu Cao, tỉnh Champasak (CHDCND Lào) được xây dựng và hoàn thiện vào thế kỷ thứ X.
 
Năm 2001, Wat Phou đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới.
 
Wat Phou - quần thể kiến trúc kỳ vĩ, độc đáo
 
Ngay tại cổng vào đền thờ có nhà bảo tàng trưng bày hơn 100 bức tượng đá, linga, phù điêu, hoạ tiết trang trí chạm khắc trên đá.
 
Những cổ vật này có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XI. Cổng chính và mặt trước của ngôi đền đã đổ nát nhưng vẫn còn mang nhiều dấu ấn những bức phù điêu chạm khắc hình ảnh các vị thần của ấn Độ.

Qua cổng là đến con đường rộng, được lát bằng những tảng đá phẳng chạy thẳng tắp đến tận chân núi. Hai bên đường là những hàng trụ đá hình linga, biểu tượng của thần Siva, của sự sinh sản và nguồn sống. Cuối con đường lộ ra hai ngôi đền chính, hướng về phía đông đối xứng nhau, trên một gò đồi bằng phẳng.
 
Các công trình kiến trúc ở đây đều bằng đá. Những cột đá, tường đá, những dốc đứng có bậc tam cấp lát đá đã tạo nên một quần thể kiến trúc khu đền Wat Phou kỳ vĩ.
 
Khu đền Thượng nằm ở chưng lừng núi. Đường lên đền Thượng cũng là những bậc cấp lát đá, hai bên có những cột đá tròn dựng đứng. Ngôi đền là một khối kiến trúc được xếp từ những tảng đá lớn, chạm trổ hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Phía sau ngôi đền là vách núi đá, trên những vách núi đá này là những bức tượng lớn nhỏ được chạm trổ rất sống động bởi những người thợ tài hoa xưa.
 
Trung tâm Phật giáo của vùng Nam Lào
 
Vốn ban đầu là ngôi đền núi, về sau khi Phật giáo đã trở thành Quốc giáo của đất nước Triệu Voi, thì Wat Phou được trùng tu trở thành một ngôi chùa thờ Phật.
 
Ngày nay, lễ hội Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng phía Nam nước Lào.
 
Lễ Wat Phou là một tyrong những lễ hội lớn ở Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 Âm lịch. Người dân khắp đất nước Lào và các tỉnh láng giềng thuộc Thái Lan nô nức hành hương về dự lễ Wat Phou.
 
Hồ Noòng Viêng (hồ nước của kinh thành) ở trước ngôi đền cổ là trung tâm của lễ hội. Tại đây, có các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa. Các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng vật linh đồng thời được tổ chức.
 
Mặc dù không tránh khỏi sự tàn phá của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, nhưng di tích khu đền Wat Phou với hơn nghìn năm lịch sử vẫn là điểm du lịch hấp dẫn bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo với tâm linh thần bí của vùng đất thiêng gắn liền với khát vọng cuộc sống bình yên của con người.

Lễ hội

Lễ hội Bun Pi Mày - Lễ hội đoàn kết của nhân dân các bộ tộc Lào

Đất nước Lào có nhiều lễ hội tổ chức vào thời điểm chuyển mùa vụ hoặc chuyển mùa trong năm.
 
Trong số những lễ hội này thì Bun Pi Mày, ngày Tết mừng năm mới lớn nhất trong 12 ngày hội trong năm của nhân dân các bộ tộc Lào, diễn ra từ ngày 13-15/4 dương lịch hàng năm.
 
Để chuẩn bị cho lễ hội, các cộng đồng cư dân tại các chòm phố, bản mường cùng nhau quét dọn sạch đẹp đường phố, bàn thờ, nhà cửa, chùa chiền, treo băng, cờ, khẩu hiệu đón mừng năm mới.
 
Các phong tục trong lễ hội Bun Pi Mày
 
Té nước
 
Tục té nước là nghi lễ nổi bật nhất, đặc sắc nhất, độc đáo nhất trong các nghi lễ. Nó thể hiện mong muốn của người Lào cho mùa mưa đến để đem lại hạnh phúc, sự sống cho đất nước, mùa màng tốt tươi, cây cối đâm trồi nảy lộc. Sức sống mãnh liệt của Bun Pi Mày trải qua năm tháng cũng là dựa trên những ước mong giản dị của người dân từ nghìn đời nay.
 
Ngày nay, hình thức té nước trong ngày hội Bun Pi Mày cũng đã được đổi mới ở các thành phố, người ta thường chỉ rảy nước có pha nước thơm hay nước có hoa để làm phép tượng trưng, nhưng tại các vùng nông thôn, các bản mường thì vẫn giữ những tục lệ như cũ. Nước được dùng để té nước có thể là nước thường, nước mưa.
 
Vừa múa lăm vông và té nước, ai được té nhiều nước sẽ là người may mắn, hạnh phúc nhiều. Có người mặt mũi thoa đầy phấn mầu biểu tượng cho hạnh phúc, vừa đi vừa hò hát, đánh chiêng, trống âm vang từ khu phố này đến khu phố khác. Khi gặp bất cứ ai trên đường, họ đều tranh thủ “tặng” cho một gáo nước, thậm chí cả xô nước mát lên người với lời chúc vạn sự tốt lành.
 
Đối với khách lạ, người ta chỉ rảy nhẹ tượng trưng chúc phúc cho khách nhân dịp năm mới với lời chúc có vần điệu như một bài thơ dài, như một câu ca có nhịp điệu lúc trầm lúc bổng.
 
Thông thường, mỗi vị khách còn được trao tặng một vòng hoa khi nhận lời chúc năm mới.
 
Tắm tượng Phật (mộc dục)
 
 Người dân trong làng tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau đó, người ta rước tượng Phật ra một gian riêng trong ba ngày và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước.
 
Xây tháp cát
 
Cát được đưa đến sân chùa và trang trí trước khi dâng cho các nhà sư để tỏ lòng thành kính.
 
Có hai cách để làm tháp bằng cát. Người ta có thể làm ngay tại bãi biển hoặc dâng cát cho chùa. Tháp cát được trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng và vẩy nước thơm. Các tháp cát này tượng trưng cho núi Phoukaokailat nơi bảy con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình và được dâng cúng để cầu sức khỏe, hạnh phúc trong năm mới.
 
Phóng sinh
 
 Các loài động vật như rùa, cá, cua, chim, lươn và các con vật nhỏ khác được phóng sinh. Người ta tin rằng trong dịp Tết ngay cả động vật cũng cần được tự do.
 
Hái hoa tươi
 
Hoa cũng được sử dụng trong những ngày này, và được xem là điềm may mắn.
 
Hoa muồng (bọ cạp vàng, hoa hoàng hậu) được người dân cột vào xe và treo trên nhà để cầu may mắn. Còn hoa Champa được người dân kết thành chùm hay cài trên tóc để cầu mong điều phước lành.
 
Vào các buổi chiều, sư trụ trì hướng dẫn các nhà sư, ni cô và dân làng đi hái hoa tươi đem về chùa cúng Phật. Trong khi đi hái hoa, người ta chơi trống và các nhạc cụ cổ truyền.
 
Ăn món lạp
 
Trong ngày Tết người Lào rất chú trọng tới việc ăn món lạp, đặc biệt là các doanh nhân.
 
Theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa lộc. Lạp ở đây thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Đặc biệt, món này mà không có thính thì sẽ làm giảm hương vị độc đáo.
 
Trong mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm nghề kinh doanh, món lạp thường được các đầu bếp làm rất công phu, vì nếu món này trong ngày Tết mà không ngon thì họ thường ví năm mới làm ăn có nhiều điềm xui. Lạp thường được ăn với xôi nóng.
 
Theo nhiều chuyên gia văn hóa Lào, thì lạp được xem như là linh hồn của người Lào trong năm mới. Người ta có thể đem chúc nhau bằng món lạp. Gia đình nào nhận được nhiều món này thì hy vọng năm mới sẽ có nhiều lộc.
 
Buộc chỉ cổ tay
 
Theo tập quán, ngày thứ ba của Tết Bun Pi Mày, tức ngày 15-4 mới là ngày đầu tiên của năm mới, mọi người đón năm mới bằng lễ Ba Xỉ (lễ buộc chỉ cổ tay).
 
Ngày Tết khách đến xông nhà được chủ nhà buộc vào cổ tay một vòng chỉ xanh hoặc đỏ, biểu tượng hạnh phúc và sức khỏe. Lễ Ba Xỉ được tổ chức lớn hay nhỏ là tuỳ từng gia đình, từng cơ quan.
 
Tết Bun Pi Mày là ngày hội dân tộc gắn bó mật thiết với đời sống thực tế, với niềm mong ước hạnh phúc tốt đẹp, no ấm của con người, cả vật chất và tinh thần, về tình cảm giữa cộng đồng người cùng chung sống.
 
Chính vì vậy mà lễ hội Bun Pi Mày có tác dụng như một sợi dây liên kết mọi thành viên trong gia đình, mọi thành phần trong bản mường Lào, cũng như trong xã hội đoàn kết gắn bó với nhau hơn, phấn khởi tin yêu hơn vào cuộc sống.