Chuyến trở về của 1 người Việt làm báo trên đất Mỹ

Chủ nhật 17/02/2013 | 08:27:00

Chuyến trở về của 1 người Việt làm báo trên đất Mỹ Etcetera Nguyễn (bên trái) với người lính ở đảo Trường Sa (Ảnh nhân vật cung cấp)

Etcetera Nguyễn, người đàn ông có mái tóc dài cột sau lưng, hàng ria tỉa tót gọn ghẽ, gương mặt mang nét mềm mại chứ không thô ráp.

Cuộc gặp với Etcetera Nguyễn, Tổng thư ký tờ báo Viet Weekly dành cho cộng đồng người Việt ở Mỹ gieo vào lòng tôi nhiều suy tư trong một chiều nắng hiếm hoi của mùa đông Hà Nội những ngày giáp Tết....

“Người Việt trầm lặng” ở Mỹ

Người đàn ông có mái tóc dài cột sau lưng, hàng ria tỉa tót gọn ghẽ, gương mặt mang nét phong trần nhưng lại mềm mại chứ không thô ráp. Trong suốt cuộc trò chuyện, thi thoảng tôi bắt gặp vài thoáng đỏ mặt của anh, khi vô tình “chạm” phải những điều sâu kín nào đó.

Bên tháp Rùa lộng gió, câu chuyện giữa tôi và Etcetera Nguyễn (tên tiếng Việt là Nguyễn Quang Trường) cứ thế tràn từ chuyện nghề báo ở một đất nước tự do như Mỹ, chuyện hội họa, đến chuyện nghệ sỹ ở Tây ở ta, sự tự do, chuyện thói quen, sở thích… rồi thậm chí Etcetera thổ lộ với tôi cả những ước mơ.

Bản thân Etcetera cũng ngạc nhiên vì không hiểu sao có thể nói nhiều đến thế, có đôi lúc thậm chí còn hơi rưng rưng khi được bày tỏ những điều mà thường ngày không nói. Vì không thích nói, không có cơ hội nói hay vì không có người nào để chia sẻ… là những lý do mà người đàn ông ấy bao biện cho sự “trầm lặng” của mình.

Trước đó, khi mới ngồi xuống bàn, thấy anh “dàn trận” nào là quyển sổ vẽ, sổ tay, rồi hí hoáy gọt chì rất ghê (ngoài làm báo Etcetera còn là họa sỹ). Mãi sau Etcetera mới thổ lộ, nếu cuộc gặp “nhạt” quá anh sẽ có cớ ngồi ký họa khung cảnh hồ Hoàn Kiếm.

Etcetera bảo, anh sang Mỹ từ năm 1988, vài năm đầu anh vẽ hí họa cho mấy tờ báo bên đó và cái tên Etcetera cũng có từ hồi này. “Etcetera theo tiếng Latinh có nghĩa là còn nữa, còn mãi, gắn với một phần định mệnh của tôi là còn tiếp tục những chuyến đi dài, đi gặp gỡ bao con người, cuộc đời để thu về những giá trị cho mình chiêm nghiệm…”

Etcetera thích sách và thích chơi cùng những người bạn già-những người bạn mà sau khi mất đi đều để lại cho anh cả gia tài sách của họ. Giờ anh sống giữa ngồn ngộn “tri thức.” Gần 30.000 quyển sách ngập trong garage, đầy cả gầm giường và mọi ngóc ngách nào có thể.

Người đàn ông ấy vẽ bằng tay trái, viết bằng tay trái và hay nghĩ ngược (theo ý Etcetera tức là hay phản biện). Người đàn ông sở hữu sự tự do tuyệt đối trong tâm hồn và cuộc sống, và tìm vui trong chính những mảng màu mà anh quan sát, những thanh âm mà anh thâu tóm và những cuộc gặp gỡ vô tình hãy hữu ý của anh trong đời…

Ẩn sau lớp quần áo bụi phủi là một trái tim đàn ông dễ xúc động, khao khát sự đồng cảm nhưng lại luôn giữ chặt mọi cảm xúc cho riêng mình để tự ngắm nghía, trau truốt và chiêm nghiệm về cuộc sống. Người đàn ông cô độc vẫy vùng trong khoảng trời tự do của chính mình!

Bức chân dung Etcetera sẽ đầy đặn hơn nếu thêm nét “vẽ” về người chẳng bao giờ thích bị ràng buộc, không vồ vập, không đi theo những khuôn mẫu hay những chuẩn mực thông thường, tự vỗ về mình hãy để cho mọi thứ thuận tự nhiên nhất có thể. “Tôi tin rằng tất cả những gì tôi gieo ra đều có giá trị của sự trở về, sự hoàn lại,” Etcetera bộc bạch.

Làm báo “chân-thiện-mỹ”

Viet Weekly ra đời năm 2002 nhằm tạo diễn đàn cho cộng đồng người Việt ở California, Mỹ có cơ hội được nói lên tiếng nói của mình. Vì thế những người sáng lập tòa báo chọn tiêu chí “sự thật và diễn đàn” làm kim chỉ nam hoạt động. Thời kỳ đầu báo có lượng phát hành lên tới 45.000 bản mỗi số.

Đang làm họa sỹ bỗng dưng bạn “rủ” đi làm báo, Etcetera đến với Viet Weekly để rồi chặng đường gắn bó với nghề của anh cũng đã được chục năm với nhiều những thăng trầm, biến cố và bao kỷ niệm khó quên.

Người đàn ông 6X có khuôn miệng tươi ấy chia sẻ: “Tôi thấy công việc báo chí của tôi có khả năng giúp tạo ra những cây cầu cảm thông để bắc qua những sự khác biệt, vì quyền lợi của dân tộc, của quê hương mình.”

Nhờ công việc làm báo Etcetera có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người, từ các vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Việt Nam tới các chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí cả những người ăn xin…

“Lắng nghe và như thế tôi giàu có về thông tin. Lại có thêm niềm yêu thích với hội họa nên tôi thấy đời sống tinh thần của mình thật phong phú. Khi nào viết mệt mỏi quá thì tôi vẽ, chán vẽ lại quay sang viết,” Etcetera nói.

Quan điểm làm báo của một nghệ sỹ như Etcetera xuất phát từ chân-thiện-mỹ. Anh bảo, anh chân thành với con người, đời sống của anh, tìm ra cái thiện của nó rồi đi tới cuối cùng cao nhất là cái đẹp và thậm chí ngay trong cái xấu cũng ẩn chứa mầm mống của những cái đẹp.

Ấn tượng ngày trở về

Khi được hỏi điều gì làm anh ấn tượng khi trở về quê hương Việt Nam sau gần hai thập kỷ xa cách? Etcetera bảo, là lần gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt năm 2007 trong chuyến đi xuyên Việt và Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Etcetera thấy thật sự ấn tượng với sự thành thật, khiêm tốn của một vị lãnh đạo xuất sắc như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Nhờ công việc của một nhà báo mà Etcetera đã có nhiều cuộc tiếp xúc đều trở thành những kinh nghiệm quý mà không dễ gì những người bình thường có thể có.

Vài năm sau, Etcetera về Việt Nam và có thêm chuyến đi “nhớ đời” nữa khi được thăm Trường Sa hồi tháng 4/2012. Không chỉ vì vấn đề biển đảo đang nóng bỏng mà có vài yếu tố khiến anh xúc động.

“Tôi đi với cương vị nhà báo, có trách nhiệm phải đưa đầy đủ và chính xác mọi thông tin về Trường Sa tới bà con mình bên đó. Trước, bên hải ngoại họ không biết, cứ nghĩ Trường Sa, Hoàng Sa không còn là của Việt Nam, có người nghĩ rằng đó chỉ là một hòn đảo hoang sơ,” Etcetera chia sẻ.

Sau đó về anh có làm một cuộc triển lãm ảnh nhỏ về Trường Sa cùng chân dung những người lính đảo ở tòa soạn Viet Weekly, tạo cơ hội cho những người Việt ở hải ngoại hiểu hơn về tình hình Việt Nam.

Những hình ảnh sinh động về đời sống của các chiến sỹ đảo cùng cơ sở hạ tầng khang trang ở Trường Sa mà Etcetera đem ra chưng bày thực sự đã khiến nhiều bà con kiều bào không khỏi ngỡ ngàng.

Chuyến đi đó của Etcetera cũng làm anh xúc động đến mất ngủ giống như lần đầu trở lại quê nhà. Anh đã có dịp “la cà” cùng những người lính nơi đảo xa nhưng có những khát khao tuổi trẻ và tự nguyện cống hiến cho tổ quốc. Cuộc gặp gỡ những con người đáng quý trọng ấy cùng sự chia sẻ và đồng cảm với tuổi trẻ của họ đã khiến Etcetera cảm thấy có sợi dây nối kết hơn với đất nước.

Và Etcetera thổ lộ, ước mơ của anh khi về hưu là có thể mua một căn nhà ở ngoại ô Hà Nội, rồi hàng ngày đạp xe vào nội thành ngồi vẽ phong cảnh hay ký họa chân dung của những người sống quanh anh./.

ChiLê (Vietnam+)