Đại Hàn Dân Quốc

Đại Hàn Dân Quốc

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Đại Hàn Dân Quốc Namdaemun - cổng thành kiến trúc gỗ có lịch sử 600 năm tại thủ đô Seoul.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Hàn Quốc.

- Tên nước: Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc (Republic of Korea)
   
 - Ngày quốc khánh: 15/8/1945
   
 - Thủ đô: Seoul
   
 - Vị trí địa lý: Nằm ở phía Nam bán đảo Triều Tiên thuộc vùng Đông Bắc Á; phía Đông, phía Tây và phía Nam trông ra biển; phía Bắc giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên .
   
 - Diện tích: 100.210km2
   
 - Khí hậu: Hàn Quốc có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân và mùa thu khá ngắn, mùa hè nóng và ẩm ướt, mùa đông thì lạnh, khô và tuyết rơi nhiều, đặc biệt là ở các khu vực miền núi, không phải dọc theo bờ biển phía nam.
 
 Khí hậu cũng khác nhau tại các vùng trên đất nước, với nhiệt độ trung bình từ 60 độ C đến 16 độ C. Nhiệt độ trung bình vào tháng Tám, tháng nóng nhất trong năm là từ 19 độC đến 27 độC, trong khi đó nhiệt độ vào tháng Giêng, tháng lạnh nhất trong năm từ -8 độC  đến 7 độ C.
   
 - Dân số: 48.875.000 (con số ước lượng đến 2010)
   
 - Dân tộc:  Chỉ có một dân tộc là dân tộc Hàn (Triều Tiên).
   
 - Hành chính: Hàn Quốc bao gồm thủ đô Seoul, 6 thành phố lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và 9 tỉnh
   
 - Đơn vị tiền tệ:  Won (W)
   
 - Tôn giáo: Đạo Cơ Đốc 49%, đạo Phật 47%, đạo Khổng 3%, các tôn giáo khác: 1%
   
 - Ngôn ngữ:  Tiếng Triều Tiên. Tiếng Anh được giảng dạy trong các trường học.

Địa lý

+ Vị trí địa lý: Hàn Quốc nằm trên phần phía Nam bán đảo Triều Tiên, ở phần đông bắc của lục địa châu Á. Phía Đông giáp với biển Đông (biển Nhật Bản), phía Bắc giáp với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, phía Tây giáp Hoàng Hải và phía Nam giáp biển Hoa Đông.
    
+ Diện tích: 100.210km2
    
+ Địa hình: địa hình chủ yếu của Hàn Quốc là đồi núi, chỉ có 1/5 là đất đai trồng trọt. Chỉ có khoảng gần 10% diện tích ở các khu đô thị được phép sử dụng cho các mục đích đô thị. Năm 1973,chính phủ Hàn Quốc phát động và lập hệ thống vành đai nhằm ngăn chặn sự bành trướng không gian của các thành phố lớn song trên thực tế, tình hình khan hiếm đất đai ngày càng thêm trầm trọng, 86% dân Hàn sinh sống trên một diện tích chỉ chiếm 2,3% diện tích đất đai cả nước.
 
Vùng đồng bằng duyên hải ở phía tây và nam. Bãi bồi ven biển Saemangeum là bãi nổi ven biển lớn thứ hai thế giới.
  
+ Khí hậu: Hàn Quốc có bốn mùa rõ rệt. Vào đầu xuân, Hàn Quốc thường có "cát/ bụi vàng" do gió cuốn về từ các sa mạc phía bắc Trung Quốc. Nhưng vào giữa tháng Tư, đất nước được hưởng một thời tiết êm dịu với núi và cánh đồng ngập trong màu sắc rực rỡ của các loài hoa dại. Đây là lúc người nông dân chuẩn bị gieo mạ cho vụ lúa hàng năm. Với không khí khô và bầu trời trong xanh như pha lê, mùa thu là mùa mà tất cả người Hàn đều yêu thích. Phong cảnh nông thôn đẹp khác thường với những màu sắc đa dạng. Mùa thu là mùa gặt hái, cũng là mùa của những lễ hội dân gian bắt nguồn từ phong tục tập quán của nhà nông từ thời xa xưa.
 
Vào mùa đông nhiệt độ thường xuyên dưới 0°C và có thể xuống rất thấp. Gió mùa mang không khí lạnh từ Siberia thổi tới.
    
+ Tài nguyên: Than đá, tungsten, graphít, môlípđen, chì, thủy điện.

Lịch sử

Lịch sử Hàn Quốc trước năm 1945 là lịch sử bán đảo Triều Tiên.
 
Lịch sử Triều Tiên kéo dài từ thời kỳ đồ đá cũ đến ngày nay. Đồ gốm Triều Tiên được biết đến sớm nhất có niên đại khoảng 8000 năm trước công nguyên và thời kỳ đồ đá mới bắt đầu trước năm 6000 trước công nguyên, tiếp theo là thời kỳ bạc khoảng 2500 năm TCN. Theo Tam quốc di sự (Samguk Yusa) và một số tư liệu thời trung cổ Triều Tiên, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Triều Tiên, trãi dài từ bán đảo Triều Tiên đến phần lớn miền Nam Mãn Châu, bắt đầu từ năm 2333 trước công nguyên dưới thời Cổ Triều Tiên (2333-108 trước công nguyên).
 
Sau sự tan rã của Cổ Triều Tiên, Triều Tiên bước vào thời kỳ phân tranh quyền lực mà đỉnh điểm là thời Tam quốc phân tranh gồm 3 nước Cao Câu Ly, Bách Tế và Tân La kéo dài từ năm 57 trước công nguyên đến năm 668 sau công nguyên. Đến năm 676, Tân La thống nhất hầu hết bán đảo Triều tiên. Trong khi đó, bộ hạ của nhà Cao Câu Ly thành lập vương quốc Bột Hải ở bắc bán đảo Triều Tiên vào năm 698. Năm 926, Bột Hải bị người Khiết Đan thôn tính; Triều Tiên lại rơi vào thời kỳ phân tranh Hậu Tam Quốc (892–935) với 3 nhà nước Hậu Cao Câu Ly, Tân La, Hậu Bách Tế
 
Nhà Cao Ly (918-1392) chấm dứt sự phân chia bán đảo Triều Tiên kéo dài gần 1000 năm sau công cuộc giành vương quyền Hậu Cao Câu Ly và thôn tính Tân La, Hậu Bách Tế. Năm 1392, Cao Ly sụp đổ và được thay thế bởi nhà Triều Tiên (1392–1897) và sau đó là Đế quốc Đại Hàn (1897–1910) trước khi bị người Nhật thôn tính vào năm 1910.
 
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, phátxít Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh vào năm 1945, Triều Tiên bị chia cắt làm hai với ranh giới là vĩ tuyến 38: Miền Bắc - Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên theo chính thể cộng sản và Miền Nam - Đại Hàn Dân Quốc theo chính thể tư bản. Hai bên đã đối đầu trực tiếp với nhau trong cuộc chiến Triều Tiên năm 1950 và tạm thời đình chiến đến ngày nay theo một hiệp định đình chiến giữa hai miền ngày 27/7/1953, trong đó lấy vĩ tuyến 38 là giới tuyến quân sự giữa hai miền, chịu sự giám sát của lực lượng liên hợp quốc tế Liên hợp quốc. Đến thập niên 1970 quan hệ hai miền Triều Tiên dần được cải thiện. Hai miền công nhận chính phủ của nhau. Năm 1991 cả hai nước được cả hai phe công nhận để chính thức gia nhập Liên hiệp quốc cùng một lúc. Hàn Quốc đã đầu tư kinh tế và là nước chủ yếu viện trợ lương thực giúp người dân Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vượt qua nạn đói thập niên 1990 làm chết 2 triệu người thông qua chương trình lương thực Thế giới WEP của Liên hiệp quốc. Hiện nay dân tộc Triều Tiên là dân tộc còn lại duy nhất trên thế giới có đất nước bị chia cắt do ý thức hệ sau Chiến tranh Lạnh và là dân tộc đang cố gắng giải quyết trạng thái đối lập ý thức hệ bằng con đường hòa bình, hòa giải dân tộc. Năm 2000, hai chính phủ đã chính thức gặp gỡ với nhau lần đầu tiên. Cuộc gặp gỡ này được xem như thắng lợi của chính sách ánh dương (Sunshine policy) trong việc bình thường hóa quan hệ hai miền Triều Tiên.
 
Về lịch sử nhà nước Đại Hàn Dân Quốc, năm 1948, Syngman Rhee giành thắng lợi trong cuộc bầu cử ở khu vực nam bán đảo Triều Tiên và trở thành vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Ông giữ cương vị này cho tới năm 1960. Chính phủ kế nhiệm Syngman Rhee là Tổng thống Chang-Myon bị tướng Park Chung-hee lật đổ vào năm 1961. Năm 1963, Park Chung-hee trở thành tổng thống. Năm 1979, Tổng thống Park Chung-hee bị ám sát, một chính phủ tạm thời được thành lập, đất nước bị thiết quân luật.
 
Năm 1980,  ông Chun Doo-hwan được một hội đồng bầu cử bầu lên làm tổng thống. Tới năm 1987, hiến pháp được sửa đổi, theo đó nhân dân Hàn Quốc lại được quyền trực tiếp bầu ra tổng thống. Các tổng thống tiếp theo là tướng Roh Tae-woo (1987) và Kim Young-sam (1992). Năm 1997, Tổng thống Kim Dae-jung được trao giải Nobel hoà bình vì những nỗ lực của ông trong việc bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Năm 2003 học trò của ông, Roh Moo-hyun kế nhiệm chức Tổng thống Hàn Quốc. Đương kim Tổng thống Hàn Quốc là ông Lee Myung-bak bắt đầu nhậm chức từ ngày 25/2/2008.

Chính trị

Thể chế chính trị: cộng hòa (tam quyền phân lập)
 
 * Hiến pháp: Hiến pháp Hàn Quốc được thông qua lần đầu tiên vào ngày 17/7/1948. Trải qua những biến động lớn về chính trị trong quá trình xây dựng dân chủ, Hiến pháp đã được sửa lại chín lần, lần sửa đổi cuối cùng vào ngày 29/10/1987.
 
 * Cơ quan lập pháp: Quyền lập pháp được trao cho Quốc hội, cơ quan lập pháp chỉ có một viện. Quốc hội gồm 299 thành viên phục vụ trong nhiệm kỳ 4 năm. Trong 299 ghế trong quốc hội, 243 là do cử tri của các địa phương bầu, 56 ghế còn lại là kết quả của hệ thống đại diện theo tỷ lệ trong đó số ghế được phân bổ cho mỗi đảng chính trị mà đã đạt được từ 3% trở lên trong tổng số phiếu bầu hợp lệ hoặc từ năm ghế trở lên trong cuộc bầu cử của nhân dân địa phương.
 
 * Cơ quan hành pháp: Tổng thống là người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ. Thủ tướng do Tổng thống chỉ định và được Quốc hội thông qua. Là người trợ lý hành pháp chính cho Tổng thống, Thủ tướng giám sát các Bộ hành chính và quản lý Văn phòng Phối hợp Chính sách của chính phủ dưới sự chỉ đạo của Tổng thống. Thủ tướng cũng có quyền thảo luận những chính sách lớn của quốc gia và tham dự các cuộc họp của Quốc hội.
 
 * Cơ quan tư pháp gồm: Tòa án tối cao, Tòa án dân sự tối cao, Tòa án quận, Tòa án Bằng phát minh sáng chế, Tòa án Gia đình, các Tòa án hành chính và địa phương.
 
 * Chế độ bầu cử: phổ thông đầu phiếu; cử tri từ đủ 19 tuổi, không phạm tội đến mức bị bắt giam.
  
 * Các đảng phái lớn: Đảng Dân chủ Mới Thống nhất (UNDP); Đảng Đại Dân tộc (GNP); Đảng Lao động Dân chủ (DLP); Đảng Dân chủ (DP), Đảng Tự do Tiến bộ (LDP).

Kinh tế

Vốn là một nước nghèo tài nguyên, thị trường trong nước hẹp, tích lũy trong nước ít, nhưng Hàn Quốc đã thực hiện thành công công nghiệp hóa, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICS). Trong giai đoạn 1962-1992, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 9%.
 
Năm 2008, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Hàn Quốc chỉ đạt 2,5% và năm 2009 tiếp tục sụp giảm là 0,2% .
 
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống tài chính tiền tệ, tạo việc làm mới, hỗ trợ các gia đình có thu nhập thấp... Nhờ vậy, trong sáu tháng đầu năm 2010, kinh tế Hàn Quốc đã đạt mức tăng trưởng 7,1%, kim ngạch xuất khẩu tăng cao (đạt 222,4 tỷ USD, tăng 35% so với năm 2009 và là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay). Cùng với sự phục hồi kinh tế, thị trường việc làm ở Hàn Quốc cũng cải thiện đáng kể. Số người có việc làm cũng đã đạt mức cao nhất trong vòng 56 tháng qua, đẩy tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 3% (đây là mức thấp nhất trong số 30 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển - OECD).
 
 * Về Công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 39,4% GDP và thu hút 25,1% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Hàng điện tử, ôtô, tàu thủy chở hàng, ximăng, sắt-thép, phân bón, hóa chất, hàng dệt, hàng may mặc, giày dép, thực phẩm...
 
 * Về Nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 3% GDP và thu hút 7,2% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Khoai tây, khoai lang, đại mạch, lúa, bắp cải, hành, tỏi...
 
 * Về dịch vụ: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 57,6% GDP và thu hút 67,7% lực lượng lao động.
 
 * Xuất khẩu: 373,6 tỷ USD (năm 2009)
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chính: Máy móc, ôtô, thép, hàng điện tử cao cấp, tàu thủy, hàng dệt, hàng may mặc, thực phẩm và hải sản.
 
 - Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Trung Quốc (22,1%), Mỹ (12,4%), Nhật Bản (7,1%), Hongkong (Trung Quốc) (5,0%).
 
 * Nhập khẩu: 317,5 tỷ USD (2009).
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chính: Các sản phẩm công nghiệp nặng, dầu mỏ, hóa chất hữu cơ, ngũ cốc, plastic.
 
 - Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Nhật Bản (15,8%), Trung Quốc (17,7%), Mỹ (10,5%), Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (5,9%).

Văn hóa

Hàn Quốc có chung nền văn hóa truyền thống, lâu đời  với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Tuy vậy, văn hóa hiện đại của Hàn Quốc lại khác biệt với Bắc Triều Tiên.

+ Giáo dục: Tỷ lệ biết đọc biết viết là 97,9%.

Hiện nay, Hàn Quốc có 198 trường đại học và khoảng 159 trường cao đẳng, trong đó có 17 trường cao đẳng công lập và 142 trường cao đẳng tư thục.

+ Trang phục Hanbok - trang phục mang đậm văn hóa Hàn Quốc

Hanbok có phong cách, hình thức khá đặc trưng, trang trí màu sắc sặc sỡ và không có túi. Đây là một bộ trang phục khá cầu kỳ dành cho cả nam và nữ nhưng không bị lẫn lộn giữa hai phái. Đàn ông mặc Jeogori (áo khoác ngoài), Baji (quần dài), và Durumagi (áo choàng) cùng với mũ, dây lưng và giày. Phụ nữ mặc Jeogori (áo khoác ngắn), với hai dải vải dài được buộc chặt vào nhau để tạo thành nơ Otgoreum, dài kín chân, mặc với Chima (váy thắt eo cao), Durumagi với Beoseon (tất trắng) và đi giày hình thuyền.

Trang phục Hanbok của tầng lớp thượng lưu được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ, cao cấp. Người dân thường thì chỉ được phép mặc áo làm bằng chất liệu cotton đơn thuần. Giới thượng lưu được mặc quần áo nhiều màu sắc sặc sỡ, những màu sáng được dành cho trẻ em và các bé gái, còn màu dịu hơn thì dành cho những người trung niên.

Luật của Hàn Quốc còn quy định dân thường chỉ được phép mặc quần áo màu trắng, nhưng trong những dịp đặc biệt, họ được cho phép mặc các trang phục màu hồng nhạt, xanh lá cây nhạt, xám và màu than.

Ngày nay, Hanbok thường được mặc vào những ngày lễ đặc biệt như Tết âm lịch và Chuseok - ngày Lễ mùa (Hội mùa rằm trung thu), và các ngày lễ của gia đình.

+ Di sản in

Nghệ thuật in trên phiến gỗ ở Hàn Quốc được bắt đầu từ thế kỷ thứ VIII. Người dân triều đại Goryeo (918-1392) đã làm ra Bộ kinh Phật Koreana từ thế kỷ XIII và được công nhận là bản khắc gỗ kinh Phật còn tồn tại lâu đời nhất. Bộ kinh Phật Koreana đã được xếp vào Di sản văn hóa của UNESCO năm 1995.

Người Hàn Quốc cũng sử dụng bộ chữ in kim loại đầu tiên trên thế giới, phát triển trước phát minh của Gutenberg (Đức) hơn 200 năm.

+ Các nghi lễ truyền thống

Với tất cả người dân Hàn Quốc, những giai đoạn cuộc đời mà họ phải trải qua được "đánh dấu" bằng những nghi lễ. Những nghi lễ này gọi chung là "Gwanhongsangje" (Quan-Hôn-Tang-Tế), đó là: Lễ trưởng thành, lễ thành hôn, tang lễ và tế lễ tổ tiên.

Lễ trưởng thành thường rất đơn giản. Các chàng trai trưởng thành cuộn mái tóc dài thành búi trên đỉnh đầu và được tặng một chiếc mũ truyền thống của dân tộc Hàn Quốc làm từ đuôi ngựa. Các cô gái trưởng thành tết tóc thành hai bím và cài vào tóc đồ trang sức được gọi là binyeo.

Lễ thành hôn được tổ chức tại gia đình cô dâu và vợ chồng mới cưới thường nghỉ vài ngày tại đây trước khi trở về nhà chú rể.

Tang lễ được cử hành theo nghi thức truyền thống Hàn Quốc rất cầu kỳ. Thời gian để tang kéo dài trong 2 năm sau hàng loạt các nghi lễ cầu khấn. Bên cạnh những nghi thức tang lễ cầu kỳ, người Hàn Quốc còn thực hiện nhiều nghi lễ thờ cúng khác liên quan giữa sự sống và cái chết.

+ Nghệ thuật biểu diễn: Người Hàn Quốc thể hiện tài năng của mình trong lĩnh vực âm nhạc và nghệ thuật.

Trong âm nhạc:  nghệ sỹ  violin Sarah Chang đã ra album đầu tiên khi mới chín tuổi. Một nghệ sỹ violin nổi danh khác người Hàn Quốc là Chung Kyung-wha đang giữ danh hiệu một trong những nhạc sỹ đang được chào đón nhất trên sàn diễn quốc tế trong suốt 25 năm nay. Nghệ sỹ Soprano Jo Su-mi được chỉ huy dàn nhạc tài ba Herbert von Karajan phát hiện và theo nhận định của chỉ huy dàn nhạc Herbert thì chị có giọng hát "trời cho." Hàn Quốc đã tự tao cho mình dòng nhạc K-pop nổi tiếng thế giới.

Trong tiếng Triều Tiên không có từ nghĩa tương đương với karaoke. Thay vào đó, họ gọi loại hình giải trí này là norae (tiếng hát). Các quán karaoke (noraebang) được tìm thấy ở khắp các ngóc ngách. Cả thanh niên lẫn người lớn tuổi đều mê loại hình giải trí này.

+ Điện ảnh: Năm 1999 được xem là cột mốc lịch sử của điện ảnh Hàn Quốc với sự ra đời của phim "Shiri" (Gián điệp nhị trùng), đạo diễn Kang Je Gyu.

Ở thời điểm đó, "Shiri" trở thành bộ phim "đắt" nhất trong lịch sử điện ảnh Hàn Quốc với kinh phí đầu tư lên đến 8,5 triệu USD (phần lớn do Samsung tài trợ)! Chỉ tính riêng thủ đô Seoul đã có hơn 2 triệu khán giả xem phim này. Tổng cộng doanh thu ở Hàn Quốc của phim lên tới 60 triệu USD. Điều thần kỳ ở đây là "Shiri" (với 6,5 triệu người xem) đã qua mặt siêu phẩm "Titanic" (4,3 triệu người xem) vào năm 1997.

Khán giả Hàn Quốc ồ ạt đi xem "Shiri" với một cảm giác ngỡ ngàng và tự hào, bởi phim không thua kém bất cứ một siêu phẩm hành động nào của Hollywood: Câu chuyện hấp dẫn, gay cấn. Tài tử đẹp, diễn xuất giỏi. Những cảnh hành động dàn dựng công phu. Đạo diễn, quay phim, âm thanh... đều tuyệt đỉnh. Khán giả xem phim hoàn toàn có lý do để tự hào.

Kể từ thành công của phim "Shiri" ngành công nghiệp điện ảnh ở xứ Hàn có sự thăng tiến không ngừng. Hiện nay Hàn Quốc là một trong số ít những nước mà các sản phẩm của Hollywood không có mấy ảnh hưởng. Điều này thể hiện qua việc tỉ lệ khán giả đến rạp xem phim trong nước cao hơn hẳn so với các tác phẩm điện ảnh nước ngoài.

Không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm điện ảnh chiếu rạp, điện ảnh Hàn Quốc còn nổi tiếng với dòng phim truyền hình thu hút một lượng lớn khán giả trong và ngoài nước. Những bộ phim như "Mối tình đầu" (1996), "Trái tim mùa thu" (2000), "Bản tình ca mùa đông" (2002) hay "Dae Jang Geum" (2003), cùng với những gương mặt ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của Hàn Quốc như  Bae Yong Jun, Song Hye Gyo, Song Seung Hun, Jang Dong Gun, Jang Na-ra, Won Bin, Lee Young Ae, Kwon Sang Woo, Choi Ji Woo, Chae Rim... đã , đang là thần tượng trong giới trẻ Hàn Quốc và nhiều nước khác.

+ Văn học Hàn Quốc có một số lượng lớn độc giả. Những buổi đọc sách thậm chí được tổ chức tại các sân vận động.

Hwang Sok-Yong là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất xứ Hàn. Ông đã trải qua cuộc chiến tranh Triều Tiên và từng tham chiến tại chiến tranh Việt Nam. Đề tài chính trong các tác phẩm của ông là mâu thuẫn giữa truyền thống và hiện đại.

Ẩm thực

Trong ba yếu tố cơ bản của cuộc sống - nhà ở, quần áo và thực phẩm - thì những thay đổi trong thói quen ăn uống đã tác động đến người Hàn Quốc nhiều nhất. Gạo vẫn là lương thực chính của hầu hết người dân xứ kim chi, nhưng trong thế hệ trẻ ngày nay, nhiều người lại thích các món ăn phương Tây.

Người Hàn Quốc thường ăn cơm với nhiều thức ăn khác, chủ yếu là các loại rau xanh đã nêm gia vị, canh, các món hầm trong nồi đất và thịt.

Bữa cơm truyền thống của người Hàn Quốc không thể thiếu kim chi, món ăn được làm từ nhiều loại rau muối như cải bắp, củ cải, hành xanh và dưa chuột. Một số loại kim chi thường được nêm gia vị bằng cách thêm bột ớt đỏ, còn một số loại khác không trộn với ớt bột mà được ngâm trong những dung dịch tạo vị khác. Tuy nhiên tỏi luôn được cho vào kim chi để tăng mùi vị cho món này.  Kimchi cung cấp ít calo và cholesterol nhưng lại giàu chất xơ. Thậm chí, món ăn này còn cung cấp nhiều vitamin hơn cả táo. Vì vậy, người Hàn Quốc thường nói: "ăn kimchi mỗi ngày, khỏi cần đến bác sỹ".

Vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12, gia đình người Hàn Quốc thường tập trung vào gimjang, nghĩa là chuẩn bị làm kim chi, phục vụ cho cả mùa đông dài. Trước đây, kim chi chuẩn bị cho mùa đông được để trong những vại to chôn dưới đất để giữ nguyên mùi vị. Với sự phát triển của nhà chung cư hiện nay, các nhà sản xuất đồ điện đã sản xuất những chiếc tủ lạnh đặc dụng dùng để bảo quản kim chi. Nhiều nhà máy chế biến kim chi mọc lên, vì ngày càng có nhiều gia đình mua kim chi làm sẵn thay vì tự làm.

Ngoài kim chi, doenjang (món tương đỗ) với tính chất chống ung thư cũng thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà dinh dưỡng hiện đại. Người Hàn Quốc thường làm doenjang ở nhà bằng cách luộc chín hạt đậu vàng rồi phơi chúng trong bóng râm, ngâm trong nước muối và để lên men dưới ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, ngày nay rất ít gia đình thực hiện đầy đủ quy trình này tại nhà, phần lớn các gia đình đều mua doenjang do nhà máy sản xuất chế biến.

Trong số các món thịt, món bulgogi (thường làm bằng thịt bò) và galbi (sườn bò hoặc lợn) tẩm gia vị được người Hàn Quốc và khách nước ngoài ưa thích nhất.  Bulgogi được làm từ nhiều loại thịt, trong đó thịt bò và thịt lợn thường được dùng nhiều nhất. Gia vị là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của món của Bulgogi cũng như kimchi.

Điểm du lịch

Du lịch Hàn Quốc là một ngành mũi nhọn của kinh tế Hàn Quốc. Hàn Quốc có nhiều điểm du lịch thu hút một lượng lớn du khách.

Những điểm du lịch nổi tiếng ở Hàn Quốc:

*Chùa Bulguksa

Bulguksa là một trong những ngôi chùa Phật giáo lớn và đẹp nhất của Hàn Quốc với kiến trúc chuẩn mực cho việc xây dựng chùa ở quốc gia này. Trước kia, tổng thể chùa gồm trên 80 toà nhà bằng gỗ, nhiều gấp 10 lần số lượng còn lại hiện nay. Tại khu đền của ngôi chùa còn có các cầu thang gỗ mang tên Cheongungyo, Baegungyo và Chinbogyo. Các cầu thang này được coi là con đường nối thế giới trần tục với miền đất của Phật giáo Bulguk.

Nổi bật trong khoảng sân chùa là hai tháp đẹp nhất Hàn Quốc được xây dựng từ năm 756, đó là: Tháp Seokgatap (Tháp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni), cao 8,3m, mang phong cách giản dị nhưng trang trọng, tôn nghiêm, có 3 tầng, mang tính dương, thể hiện sự vươn lên về tinh thần qua những giáo lý cơ bản của Phật giáo; Tháp Dabotap cao 10,5m, mang tính âm được trang trí công phu lộng lẫy tượng trưng cho sự đa dạng của thế giới.

Năm 1995, chùa Bulguksa được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”.

*Hang Seokguram

Hang Seokguram được xây dựng cùng thời gian với chùa Bulguksa, có vị trí cách chùa Bulguksa khoảng 4 km. Đây là một hang đá nhân tạo, một lễ đường được làm từ đá granit trắng. Trần hang mang hình bán nguyệt và khắc chạm một đóa sen lớn, bao phủ toàn bộ mái vòm. Trong hang có 38 pho tượng các vị Bồ tát chạm nổi trên tường bao quanh bức tượng Sokkuram Grotto - một trong những pho tượng Phật điêu khắc đẹp vào loại bậc nhất trên thế giới. Pho tượng này được chạm khắc từ một khối đá granit lớn, cao 3,5m trong tư thế đức Phật tọa thiền trên một đài sen trông ra biển Đông.

Năm 1995, hang Seokguram được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”.

*Cung Changdeokgung

Changdeokgung được xây dựng trong suốt thời đại Joseon (1395 - 1910) với tổng diện tích lên đến 580.000 m2 và nằm trong một công viên lớn của thủ đô Xơun. Do được xây dựng tại vị trí phía Đông của cung điện được xây trước đó - Gyeongbokgung, nên cung điện này còn được gọi là "Cung phía Đông". Đây cũng là cung điện duy nhất hoàn toàn mang đậm phong cách của Triều Tiên.

Những gian lớn trong cung điện này gồm có Hamwonjeon, Gyeonghungak, Gajeongdang, Eochago, Naeuiwon và Seongjeonggak, Gwanmulhon, Seonwonjeon cổ, Nakseonje, Chwiwunjeong, Hanjeongdang, Sangnyangjeong, Manwolmun, Sunghwaru, Samsamwa, và Chilbunso.

Năm 1995, Cung Changdeokgung được UNESSCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

*Chùa Haeinsa

Haeinsa (Hải Ấn tự) nằm ở núi Gaya ở tỉnh Nam Gyeongsang và được xây dựng vào năm 802. Ngôi chùa đã được phục hồi lại những năm 900, 1488, 1622, và 1644. Đến năm 1817, Haiensa đã bị hoả hoạn và toà chính điện đã được xây lại năm 1818.

Đây là 1 trong 3 chùa lớn trên bán đảo Triều Tiên đại diện cho “tam bảo Phật giáo”, đó là Phật, Pháp và Tăng. Ngày nay, ngôi chùa còn lưu giữ bộ kinh Phật "Tripitaka Koreana" từ năm 1398, phiên bản khắc gỗ sách kinh Phật bằng chữ Hán đầy đủ và cổ kính vào bậc nhất trên thế giới (81.258 bản khắc gỗ). Di vật này được bảo tồn trong điều kiện hoàn hảo, là minh chứng cho những tinh hoa của người Triều Tiên cổ đại trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực in ấn và xuất bản.

Năm 1995, Chùa Haeinsa đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”.

*Miếu thờ Jongmyo

Jongmyo là miếu thờ các vị vua và hoàng hậu của vương triều Triều Tiên trước đây. Đây là miếu thờ của hoàng gia cổ nhất còn được bảo tồn cho đến tận ngày nay của Hàn Quốc. Các lễ nghi thực hiện tại đây vẫn được tiếp tục theo truyền thống có từ thế kỷ XIV.

Năm 1995, miếu thờ Jongmyo đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”.

*Thành Hwaseong

Hwaseong (Hoa Thành) là một Pháo đài cổ ở Suwon, cách Xơun 30 km, được xây dựng từ năm 1794 đến 1796. Vua Jeongjo (Chính Tổ) của vương triều Joseon Triều Tiên đã cho xây dựng pháo đài để vinh danh và bảo quản những di vật của cha mình là hoàng tử Sado - người đã bị nhà vua Yeongjo buộc phải tự vẫn.

Năm 1997, Thành Hwaseong đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”.

*Khu di tích lịch sử Gyeongju

Khu di tích lịch sử Gyeongju là cố đô của Hàn Quốc, bao gồm di tích các đền, lâu đài, các chùa, tượng ngoài trời và các di vật văn hóa khác của vương quốc Tân La. Khu di tích lịch sử này còn được coi như bảo tàng ngoài trời rộng vào loại bậc nhất trên thế giới.

Năm 2000, Khu di tích lịch sử Gyeongju đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”.

*Khu mộ đá Gochang, Hwasun và Ganghwa

Khu mộ đá Gochang, Hwasun và Ganghwa nằm ở khu vực phía Tây của Hàn Quốc. Những khu mộ này là một phần của văn hóa cự thạch, được tìm thấy tại nhiều khu vực trên thế giới, rất phổ biến tại châu Á, châu Âu, Nam Phi và Hàn Quốc.

Khu Mộ đá tại Gochang, Hwasun, và Ganghwa có mật độ dày và nhiều chủng loại nhất trong số các khu mộ đá tại Triều Tiên, cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Những khu mộ đá này cung cấp những chứng cứ quan trọng về việc những tấm đá đã được khai thác, vận chuyển và đưa lên cao như thế nào và các chủng loại mộ đã biến đổi thế nào trong thời gian qua tại khu vực Đông Bắc Á.

Năm 2000, Khu mộ đá Gochang, Hwasun và Ganghwa đã được UNESCO công nhận là “di sản văn hóa thế giới”

Lễ hội

Mỗi triều vua ở xứ sở kim chi đều có những sửa đổi để các lễ hội dân gian mang dấu ấn riêng của triều đại mình. Do nhịp sống tất bật của cuộc sống hiện đại, Hàn Quốc ngày nay đã mất đi rất nhiều những ngày lễ truyền thống.

Trước đây, lễ hội chỉ là thời gian cử hành những lễ nghi tôn giáo. Cho tới thời kỳ các vương quốc liên minh thì lễ tạ ơn Trời đã cho vụ mùa bội thu mới được chính thức tổ chức. Các lễ hội đó là yeonggo (múa trống gọi hồn) của Buyeo, dongmaeng (nghi lễ cúng tổ tiên) của Goguryeo, và mucheon (thiên vũ) của Dongye. Các lễ hội thường được tổ chức vào tháng 10 âm lịch, sau mỗi vụ mùa. Riêng lễ yeonggo được tổ chức vào tháng 12 âm lịch.


Các ngày quốc lễ

1/1: Năm mới - Seol: Đây là ngày đầu tiên trong năm theo âm lịch và là ngày nghỉ đối với cả nước. Một ngày trước và một ngày sau ngày này cũng là ngày nghỉ.

1/3: Ngày độc lập: Ngày này đánh dấu các phong trào giành độc lập trên quy mô rộng lớn đòi tự do từ ách thực dân Nhật năm 1919.

5/4: Tết trồng cây: Ngày cả nước trồng cây xanh.

5/5: Tết thiếu nhi: Ngày có nhiều hình thức vui chơi cho trẻ em.

Lễ Phật Đản: Ngày 8/4 âm lịch. Các nghi lễ trang nghiêm được tổ chức tại các đền chùa Phật giáo. Đỉnh cao của các hoạt động lễ hội trong ngày này là lễ rước đèn lồng ở trung tâm Seoul.

6/6: Lễ tưởng niệm. Cả nước viếng hồn các liệt sĩ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Lễ tưởng niệm được tổ chức ở Nghĩa trang Quốc gia.

17/7: Ngày lập pháp. Ngày kỷ niệm sự công bố chính thức hiến pháp của Đại Hàn Dân Quốc năm 1948.

15/8: Ngày giải phóng. Vào ngày này năm 1945, Hàn Quốc được giải phóng khỏi ách thống trị kéo dài 35 năm của thực dân Nhật. Ngày này cũng đánh dấu sự thiết lập Chính phủ Hàn Quốc năm 1948.

Chuseok: Ngày 15/8 âm lịch. Các gia đình tổ chức các nghi thức kỷ niệm tại nhà hoặc đi thăm mộ gia tiên. Họ cùng ngắm trăng tròn và cầu mong những điều tốt đẹp.

3/10: Ngày Quốc khánh. Ngày thành lập nhà nước do Dangun lập nên, năm 2333 TCN.

25/12: Lễ Giáng Sinh. Cả các tín đồ theo đạo và người không theo đạo Cơ đốc đều kỷ niệm ngày này, giống như ở các nước phưong Tây.

Ngoài ra còn có một số ngày lễ dành cho gia đình cũng có ý nghĩa quan trọng đối với người Hàn Quốc và người ta thường cử hành bằng cách tổ chức tiệc tùng và các trò vui chơi. Đó là ngày baegil (kỷ niệm 100 ngày kể từ ngày em bé ra đời), dol (kỷ niệm sinh nhật đầu tiên của bé), hoegap hay hwangap (sinh nhật lần thứ 60) - được coi là lễ kỷ niệm tròn một vòng quay 60 năm trong đời một con người theo quan niệm Hoàng đạo Phương đông. Những ngày đặc biệt này thường được tổ chức náo nhiệt, đặc biệt khi tỷ lệ tử vong sơ sinh cao và tuổi thọ con người còn thấp.

Những dịp như vậy từng được tổ chức như một ngày hội, trong đó có sự góp mặt của cả những người họ hàng xa. Ngày nay chỉ có thành viên trong gia đình tham gia các dịp này. Đối với lễ hoegap, ngày càng có nhiều người đi du lịch nước ngoài thay cho làm lễ kỷ niệm tại nhà.