Vương quốc Campuchia

Vương quốc Campuchia

Quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia

Thứ sáu 19/11/2010 | 09:00:32

Sự gần gũi về mặt địa lý, lịch sử, văn hóa cùng với sự tương đồng về việc lựa chọn con đường đấu tranh giành độc lập trước đây và mục tiêu phát triển đất nước ngày nay đã trở thành một nhân tố hết sức quan trọng để thúc đẩy quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam-Campuchia.

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng, có hơn 1.000km biên giới chung trên đất liền, có vùng biển liền kề, có sông Mekong nối liền hai nước chảy ra biển.

Trong lịch sử, hai nước đã cùng chung chiến hào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lật đổ chế độ diệt chủng và ngày nay đang hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước vì sự phồn vinh của mỗi quốc gia, vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân mỗi nước.

Việt Nam và Campuchia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1967. Quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước đang ngày càng phát triển sâu rộng, đi vào thực chất và có hiệu quả. Đặc biệt, trong chuyến thăm Campuchia của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 3/2005, hai bên ra Tuyên bố chung, khẳng định phương châm phát triển quan hệ hai nước trong thời kỳ mới theo hướng “Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài.”

Bên cạnh quan hệ hợp tác song phương, hai bên còn đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, trong các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế khác như Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC), Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Chương trình phát triển các vùng nghèo liên quốc gia dọc hành lang Đông-Tây (WEC), Chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Praya-Mekong (ACMECS), Tam giác phát triển ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV).

Quan hệ hợp tác về kinh tế-thương mại

Về thương mại: Từ năm 2000 đến nay, quan hệ thương mại giữa hai nước có những bước phát triển mạnh mẽ. Kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng tăng nhanh, năm sau cao hơn năm trước, trung bình từ 30% đến 40%.

Năm 2007 đạt trên 1,3 tỷ USD, so với 180 triệu USD năm 2000; năm 2008 đạt 1,64 tỷ USD; năm 2009 đạt 1,33 tỷ USD, giảm 18,7% so với năm 2008 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trong 6 tháng đầu năm 2010, kim ngạch thương mại hai nước đạt 862 triệu USD. Hai nước phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 lên 2 tỷ USD và lên 7 tỷ USD vào năm 2015.

Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia các mặt hàng: Hải sản, sắt thép xây dựng, hàng nông sản chế biến, máy móc phục vụ nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng công nghệ tiêu dùng, sản phẩm sữa, xăng dầu tái xuất…

Việt Nam nhập của Campuchia các mặt hàng: Caosu, hàng nông sản, gỗ caosu thanh lý, sản phẩm gỗ chế biến...

Trên tuyến biên giới với Campuchia, Việt Nam có bảy khu kinh tế cửa khẩu; 43 cửa khẩu và 23 chợ biên giới, rất thuận lợi cho thương mại chính ngạch và buôn bán tiểu ngạch.

Về đầu tư:  Tính đến tháng 8/2010, Việt Nam đã có 63 dự án đầu tư vào Campuchia, với tổng vốn lên đến 900 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 30.000 người dân địa phương.

Hiện Việt Nam đứng thứ ba trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Campuchia. Các dự án đầu tư của Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực tài chính, năng lượng, hàng không, viễn thông, nông nghiệp, khai thác khoáng sản…

Hợp tác giáo dục, y tế, xã hội

Về giáo dục: Từ năm 1995 đến nay, Việt Nam đã giúp đào tạo cho Campuchia hàng ngàn học sinh, cán bộ bậc đại học, cao đẳng, nghiên cứu sinh trong các ngành kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật (hiện nay có 1.418 người).

Năm 2010, Việt Nam cam kết tiếp nhận 130 lưu học sinh Campuchia sang học trình độ đại học, sau đại học, thực tập, nghiên cứu, và bồi dưỡng ngắn hạn ở các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, dự bị tiếng Việt vào đại học, và một số lĩnh vực khác.

Phía Campuchia tiếp nhận 15 lưu học sinh Việt Nam sang học hệ chính quy tập trung trong năm 2010 tại các trường đại học của Campuchia.

Ngoài ra, tháng 10-2010, Campuchia còn tiếp nhận 20 cán bộ Việt Nam sang học tiếng Khmer trong thời gian hai năm tại Campuchia.

Về y tế: Việt Nam tiếp tục giúp Campuchia khám chữa bệnh cho nhân dân. Việt Nam đã có nhiều hoạt động giúp Campuchia thực hiện các ca phẫu thuật mắt nhân đạo.

Về xã hội:  Từ ngày 4/1/-2008, Hiệp định giữa Chính phủ hai nước về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, công dân hai nước mang hộ chiếu phổ thông còn giá trị sử dụng ít nhất sáu tháng được miễn thị thực nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh lãnh thổ nước kia với thời gian tạm trú không quá 14 ngày, kể từ ngày nhập cảnh.

Về cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia: Hiện nay, có hơn 100.000 người Việt Nam sinh sống hợp pháp ở Campuchia. Hội người Việt Nam tại Campuchia được thành lập năm 2003, đến nay đã có 19 chi hội ở các tỉnh, thành phố. Hội đã có những hoạt động thiết thực động viên, vận động bà con giúp nhau làm ăn, tương trợ nhau những lúc khó khăn.

Một số văn bản quan trọng hai nước đã ký kết

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia đã ký hơn 60 văn bản pháp lý về hợp tác song phương trong hầu hết các lĩnh vực, trong đó nổi bật:

- Hiệp định về thành lập Ủy ban hỗn hợp hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa họ-kỹ thuật giữa Chính phủ hai nước (năm 1994);

- Hiệp định về hợp tác kinh tế-thương mại (năm 1994);

- Hiệp định quá cảnh hàng hóa (năm 1994);

- Bản ghi nhớ giữa Tổng cục Bưu điện Việt Nam và Bộ Bưu điện Campuchia (năm 1995);

- Hiệp định về hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Nội vụ Campuchia và Bộ Nội vụ Việt Nam (năm 1997);

- Hiệp định thương mại (năm 1998);

- Hiệp định vận tải đường bộ, Hiệp định vận tải đường thủy (năm 1998);

- Nghị định thư về hợp tác giáo dục và đào tạo (năm 1999);

- Hiệp định về tìm kiếm hài cốt các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất Campuchia (năm 2000);

- Hiệp định về hợp tác nông-lâm-ngư nghiệp (năm 2000);

- Hiệp định quá cảnh hàng hóa (năm 2000);

- Hiệp định buôn bán tại biên giới (năm 2001);

- Bản thỏa thuận về việc Việt Nam cho Campuchia hưởng ưu đãi miễn thuế 40 mặt hàng nông sản (8/2006);

- Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu công vụ (11/2008);

- Hiệp định quá cảnh hàng hóa (11/2008);

- Thỏa thuận về điểm nối ray đường sắt Việt Nam-Campuchia (11/2008);

- Kế hoạch hợp tác giữa Bộ Thông tin-Truyền thông Việt Nam với Bộ Thông tin Campuchia giai đoạn 2009-2010 (11/2008);

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Quốc gia Campuchia (11/2008)./.