Nhật Bản

Nhật Bản

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Nhật Bản Núi Phú Sĩ - biểu tượng của đất nước Nhật Bản.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Nhật Bản

- Tên nước: Nhật Bản (Japan)
  
- Ngày quốc khánh: 23/12/1933 (ngày sinh của Nhật Hoàng Akihito)
  
- Thủ đô: Tokyo
  
- Vị trí địa lý: Là một quần đảo nằm ở Đông-Bắc Á; phía bắc trông sang Nga qua biển Nhật Bản và biển Okhot; phía tây trông sang Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Hàn Quốc và Trung Quốc qua các biển Nhật Bản và Hoàng Hải; phía đông trông ra Thái Bình Dương.
  
- Diện tích: 377.944 km2
  
- Khí hậu: Nhật Bản có khí hậu cận nhiệt đới, gió mùa. Bốn mùa phân định rõ ràng. Nhiệt độ trung bình từ 200C đến 25 0C. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.000 đến 3.000 mm.
  
- Dân số: 127.360.000 (con số ước lượng đến 2010)
  
- Dân tộc:  người Nhật Bản (98,5%); người Triều Tiên (0,5%), người Hoa (0,4%), các dân tộc khác (0,6%).
  
- Hành chính: Tỉnh là cấp hành chính địa phương thứ nhất trong hai cấp hành chính địa phương chính thức hiện nay ở Nhật Bản. Cấp hành chính này có tổng cộng 47 đơn vị, trong đó Tokyo được gọi là đô (Tokyo-to), Hokkaido được gọi là đạo (Hokkai-dō) và Kyoto, Osaka được gọi là phủ (Kyoto-fu, Osaka-fu) và 43 đơn vị cấp tỉnh còn lại được gọi là huyện (ken). Tuy nhiên, giữa đô, đạo, phủ và huyện hiện nay không có phân biệt gì về mặt quyền hạn hành chính. Người đứng đầu mỗi đô đạo phủ huyện là tri sự, do dân bầu trực tiếp từng nhiệm kỳ 4 năm. Các tỉnh được chia thành các hạt, bao gồm các thành phố (shi), thị trấn ( cho) và làng (son); riêng ở Tokyo còn có 23 khu đặc biệt (ku).
  
- Đơn vị tiền tệ:  đồng Yen (JPY)
  
- Tôn giáo: đạo Phật và đạo Thần (Shinto) (84%), các tôn giáo khác (16%)
  
- Ngôn ngữ:  tiếng Nhật.

Địa lý

+ Vị trí địa lý:  Nhật Bản là một đảo quốc ở Đông Bắc Á.  phía Tây của Thái Bình Dương, do bốn quần đảo độc lập hợp thành. Bốn quần đảo đó là: quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là quần đảo Chishima), quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, và quần đảo Izu-Ogasawara. Những quốc gia và lãnh thổ lân cận ở vùng biển Nhật Bản là Nga, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc; ở vùng biển Đông Hải là Trung Quốc, Đài Loan; đi xa hơn về phía Nam là Philippines và quần đảo Bắc Mariana.
 
 Vì là một đảo quốc, nên xung quanh Nhật Bản toàn là biển. Nhật Bản không tiếp giáp quốc gia hãy lãnh thổ nào trên đất liền. Tuy nhiên, bán đảo Triều Tiên và bán đảo Sakhalin (Nhật Bản gọi là Karafuto) chỉ cách các đảo chính của Nhật Bản vài chục kilômét.
   
 + Diện tích: 377.944km2
   
 + Địa hình: Nhật Bản phức tạp, bờ biển dài, nhiều núi đá với nhiều hải cảng nhỏ, tạo ra cảnh quan đẹp: những núi đá tạo ra nhiều thung lũng, các con sông chảy xiết và các hồ nước trong. Trong số 532 ngọn núi cao trên 2.000m, dỉnh Phú Sĩ (núi rượu trường sinh) là đỉnh cao nhất, tới 3.776m. Những núi lửa cũ là những nơi nghỉ dưỡng rất tốt vì có nhiều suối nước nóng.
 
 Thực vật tự nhiên ở Nhật Bản tương đối phong phú, đa dạng, rừng che phủ khoảng 60% diện tích lãnh thổ.
 
 Nhật Bản có gần 60 bình nguyên nằm ở ven biển (đồng bằng ven biển), nơi có sông đổ ra. Tổng diện tích các bình nguyên bằng khoảng 20% diện tích cả nước. Các bình nguyên nhìn chung đều hẹp. Bình nguyên lớn nhất là bình nguyên Kanto.
 
 Nhật Bản có trên 60 bồn địa- những vùng đất trũng giữa các núi, và khoảng gần 40 cao nguyên và cụm cao nguyên (những cao nguyên liền kề nhau).
 
 Xung quanh Nhật Bản là một loạt các biển thông nhau. Phía Đông và phía Nam là Thái Bình Dương. Phía Tây Bắc là biển Nhật Bản. Phía Tây là biển Đông Hải. Phía Đông Bắc là biển Okhotsk. Vùng biển xung quanh các quần đảo Izu, Ogasawara, Nansei của Nhật Bản chính là biển Philippines theo cách gọi của thế giới, song các văn kiện của chính phủ Nhật Bản vẫn chỉ gọi đó là Thái Bình Dương. Vùng biển nằm giữa Honshu và Shikoku gọi là biển Seito Naikai.
 
 Từ phía Nam, Nhật Bản có hải lưu Kuroshio chảy qua. Từ phía Bắc xuống có hải lưu Oyashio.
 
 Nhật Bản có bờ biển dài với nhiều loại địa hình. Bờ biển Sanriku, Shima, Wakasa, Seto Naikai, Tây Kyushu nhiều chỗ ăn sâu vào đất liền và có nhiều cửa sông. Trong khi đó bờ biển Hokkaido, Shimokitahonto, Kashimanada, Enshunada, và bờ biển Nhật Bản lại ít thay đổi, có nhiều bãi cát và cồn cát.
 
 + Khí hậu: Nhật Bản nhìn chung có khí hậu khá ôn hòa, mặc dù có sự khác nhau giữa các miền. Một năm có 4 mùa rõ rệt: Mùa hè ấm và ẩm, bắt đầu vào khoảng giữa tháng 7. Trước đó là mùa mưa kéo dài khoảng một tháng (trừ đào Hokkaido ở cực bắc hầu như không có mưa); mùa đông, phía Thái Bình Dương thường ôn hòa với nhiều nắng, còn phía biển Nhật Bản thường u ám. Vùng núi phía bắc là nơi có nhiều tuyết nhất thế giới.
   
 +Tài nguyên: Nhật Bản là quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Trên các đảo Hokkaido và Kyushu có các mỏ than và kỹ nghệ khai mỏ lên tới cực điểm vào năm 1941, ngày nay hầu như các hầm mỏ này không hoạt động. Tất cả khoáng sản khác, kể cả dầu thô, đều phải nhập cảng từ nước ngoài.
 
 Tại Nhật Bản, cây rừng cũng là một nguồn tài nguyên. Gỗ được dùng cho kỹ nghệ xây nhà và làm giấy nhưng việc sản xuất nội địa đã giảm hẳn vì Nhật Bản ưa nhập cảng loại gỗ rẻ tiền hơn từ các quốc gia nhiệt đới thuộc vùng Đông Nam Á. Một tài nguyên khác của Nhật Bản là hải sản.
 

Lịch sử

Nhật Bản đã có người sinh sống ngay từ cuối thời kỳ đồ đá cũ. Ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng, khoảng 12.000 trước công nguyên, hệ sinh thái phong phú trên quần đảo Nhật Bản đã giúp đẩy nhanh sự phát triển loài người, sản sinh ra nền văn hóa đất nung nổi tiếng của thời kỳ Jomon. Lịch sử Nhật Bản với nhiều thời kỳ cô lập thay thế nhau bị gián đoạn bởi các ảnh hưởng cấp tiến, thường là cách mạng từ thế giới bên ngoài.
 
 - Từ khoảng 15.000 năm đến 5.000 năm trước Công nguyên, ở Nhật Bản đã có những bộ tộc người nguyên thủy sống du mục, săn bắt và hái lượm
 
 - Thời kỳ Jōmon đặt theo tên hiện vật khảo cổ là thứ đồ gốm có trang trí hình xoắn thừng. Thời kỳ này kéo dài từ 13.000 đến 300 năm trước công nguyên.
 
 Người Nhật chuyển sang trồng lúa và hình thành việc định cư. Người Nhật bắt đầu biết làm đồ gốm có trang trí hình xoắn thừng bằng cách ràng những dây buộc xung quanh trước khi nung gốm. Vào cuối thời kỳ này đã manh nha những nhu cầu đầu tiên trong việc thống nhất đất nước.
 
 - Thời kỳ Yayoi  kéo dài từ năm 300 trước công nguyên đến năm 300 công nguyên.
 
 Yayoi được coi là thời kỳ mà xã hội nông nghiệp thể hiện đầy đủ những đặc điểm trọn vẹn của nó lần đầu tiên ở quần đảo Nhật Bản. Lúa được trồng ở những vùng đầm lầy đất phù sa, kê, lúa mạch và lúa mì được trồng ở những vùng đất cao hơn. Nông cụ, vũ khí bằng đồng, thiếc và sắt đã được mang tới từ lục địa châu Á và được sử dụng phổ biến.
 
 - Thời kỳ Kofun kéo dài từ năm 300 đến năm 538, chứng kiến sự ra đời Vương quốc Đại Hòa (Yamato) (thời đầu người Nhật dùng chữ Hán (Nụy, đọc âm Nhật là Wa/Oa) do người Trung Quốc đặt cho để ghi tên gọi Đại Hòa, về sau dùng hai chữ Hán (Đại Hòa)) thiết lập sự thống trị trên quá nửa phía tây quần đảo Nhật Bản, kể cả phía nam của bán đảo Triều Tiên. Sau này, việc kiểm soát phía nam Triều Tiên bị suy yếu, và sự tranh ngôi trong gia đình Thiên hoàng đã đe dọa quyền lực của Đại Hòa. Đạo Phật và đạo Khổng bắt đầu được du nhập.
 
 - Thời kỳ Asuka kéo dài từ cuối thế kỷ 6 đến đầu thế kỷ 8. Thánh Đức Thái tử phục hồi quyền lực của vương quốc Đại Hòa. Các cố gắng đầu tiên để tạo nên hiến pháp và một hệ thống giai cấp chính thức. Thánh Đức THái Tử quảng bá cho đạo Phật. Một số chùa Phật giáo được xây dựng.
 
 Cải cách Đại Hóa (còn gọi là cải cách Taika) theo những ý tưởng trước đây của Thánh Đức Thái Tử. Chấm dứt sự cai trị của người Nhật Bản ở Triều Tiên. Tinh thần của cải cách Taika được thể hiện trong bộ luật gọi là Ritsuryo (Luật lệnh) dưới thời Thiên hoàng Thiên Vũ (Temmu), sau này được cải tiến dưới thời Thiên hoàng Văn Vũ (Mommu), cháu nội của ông.
 
 - Thời kỳ Nara kéo dài từ năm 710 đến năm 794. Nara trở thành kinh đô, bộ luật Ritsuryo được hoàn thành. Thiên hoàng có uy quyền lớn. Văn hóa thời nhà Đường của Trung Quốc được du nhập ồ ạt trở thành động lực phát triển mạnh mẽ của văn hóa bản địa. Đạo Phật trỏ nên hưng thịnh. Hai cuốn lịch sử dân tộc Cổ sự ký và Nhật Bản thư kỷ; cuốn Phong thổ ký ghi chép về đất đai phong tục và Vạn diệp tập (tuyển tập các bài thơ Nhật Bản) được biên soạn. Nền văn hóa đạt tới mức cao nhờ việc kết hợp các yếu tố Trung Hoa và Nhật Bản. Tiền bằng bạc và đồng đỏ được đúc. Một số chùa gỗ trong đó có chùa Todai (Đông Đại tự) và kho báu Hoàng gia Shoso (Chính Thương viện) được xây dựng.
 
 - Thời kỳ Heian kéo dài từ năm 794 đến năm 1192. Thời kỳ này gồm ba giai đoạn: Sơ kỳ Heian (Cuối thế kỷ 8 đến cuối thế kỷ 9), Trung kỳ Heian (Cuối thế kỷ 9 đến cuối thế kỷ 11), Hậu kỳ Heian (Cuối thế kỷ 11 đến 1192).
 
 - Thời kỳ Kamakura kéo dài từ năm 1185 đến năm 1333. Minamoto-no-Yoritomo được bổ nhiệm làm Chinh di Đại Tướng quân (Seiji-Taishogun). Mạc phủ ở Kamakura được thiết lập. Phát triển nông nghiệp nhờ sử dụng súc vật kéo. Thu hoạch vụ mùa nửa năm một lần. Bổ nhiệm chức vụ "thủ hộ" (shugo) và "địa đầu" (jito). Giáo phái Phật giáo Jodo phát triển. Giáo phái Thiền tông du nhập từ Trung Quốc. Sau cái chết của Yoritomo, gia đình Hojo trở thành các quan nhiếp chính trong chế độ Mạc phủ. Dòng dõi Minamoto chẳng bao lâu kết thúc, nhưng gia đình Hojo vẫn tiếp tục làm các quan nhiếp chính, kiểm soát cả các Thiên hoàng lẫn các Chinh di Đại Tướng quân. Giáo phái Phật giáo Nichiren (hoặc Hokke) phát triển. Truyện kể Heike với âm hưởng về lẽ sinh tử vô thường của cuộc đời được viết. Các võ sĩ Samurai ngày càng trở nên có nhiều quyền lực ở các vùng trang ấp. Vào giai đoạn cuối của thời kỳ này, Thiên hoàng Hậu Đề Hồ nhanh chóng khôi phục lại luật lệ Hoàng gia nhưng thất bại trong việc đạt được quyền kiểm soát thích đáng và bị lật đổ bởi người trước đó đã từng giúp ông là Ashikaga Takauji - người đã đưa Thiên hoàng Quang Minh lên ngôi, thay thế Thiên hoàng Hậu Đề Hồ. Thiên hoàng Hậu Đề Hồ bỏ trốn và lập ra một triều đình ở Yoshino kình địch với triều đình Quang Minh ở kinh đô Kyoto. Hai triều đình, Bắc và Nam, sau đó tiếp tục tồn tại trong 57 năm.
 
 Năm 1272 và 1281, quân Mông Cổ hai lần tấn công Nhật Bản. Yêu cầu thống nhất lòng dân để bảo vệ lãnh thổ trở nên cấp thiết. Lần thứ nhất, với sự dũng cảm của tầng lớp võ sĩ, sự vững chãi của các thành trì duyên hải và sự giúp đỡ của thời tiết, quân Mông Cổ đổ bộ lên bờ đều bị đánh bại. Lần thứ hai, khi các thành trì đã có thể bị chọc thủng, hạm đội hùng mạnh của quân Mông Cổ trên biển lại bị trận bão cực lớn đánh chìm, kết thúc mộng chinh đông của hoàng đế Nguyên Mông. Người Nhật sau tôn kính gọi trận bão này bằng một cái tên sẽ khắc ghi mãi mãi vào lịch sử là Thần Phong (kamikaze).
 
 - Thời kỳ Nam-Bắc triều kéo dài từ năm 1336 đến năm 1392. Dù thành công trong nỗ lực chống quân Nguyên Mông giai đoạn trước, nhưng cuộc chiến với đối phương không cân sức đến từ lục địa đã đẩy đất nước tới những khó khăn và phân rã sau này, khi phải giải quyết những vấn đề của giai đoạn hậu chiến. Lòng dân ly tán, triều đình phân liệt. Bắc triều do Ashikaga Takauji thành lập ở Kyoto. Nam triều do Thiên hoàng Hậu Đề Hồ cai trị đầu tiên ở Yoshino (Nara). Giữa hai triều đình liên tục nổ ra những cuộc chiến nhằm duy trì và củng cố quyền lực, về sau Nam triều thất bại.
 
 - Thời kỳ Muromachi kéo dài từ năm 1392 đến năm 1573. Chế độ Mạc phủ Ashikaga (hoặc Muromachi) bắt đầu bằng việc triều đình phía Bắc phong cho Ashikaga Takauji tước hiệu Chinh di Đại Tướng quân. Tổng hành dinh được thành lập tại Muromachi ở kinh đô Kyoto. Với việc hai triều đình Bắc - Nam hợp nhất lại vào năm 1392, chế độ Mạc phủ này cuối cùng hoàn toàn được thừa nhận. Võ sĩ Samurai vẫn tiếp tục làm xói mòn quyền lực của giai cấp quý tộc tại các thái ấp (shoen).
 
 Các môn nghệ thuật như cắm hoa, trà đạo,... phát triển. Các bộ môn Kịch Nô, Kyogen ở giai đoạn cực thịnh. Nghệ thuật thư họa bằng cây cọ và mực Tàu, nghệ thuật tranh nhiều màu sắc rực rỡ theo trường phái Kano phát triển. Kết thúc thời kỳ này là cuộc chiến tranh Onin. Sau đó chế độ Mạc phủ hầu như mất toàn bộ quyền kiểm soát, dẫn đến thời kỳ của các cuộc nội chiến. Mặc dù vậy, thời kỳ này đã chứng kiến sự phát triển của nghề cá, khai thác mỏ, buôn bán,... Các thị trấn phát triển xung quanh các thành trì, đền chùa và hải cảng.
 
 - Thời kỳ Chiến Quốc kéo dài từ năm 1493 đến năm 1573. Đây là thời kỳ đầy rẫy những bất ổn định chính trị, xã hội và chiến sự. Khắp Nhật Bản, các lãnh chúa đều chiêu mộ võ sĩ, xây dựng lực lượng riêng và đánh chiếm lẫn nhau. Các tổ chức tôn giáo có những tín đồ sẵn sàng tử vì đạo cũng nổi dậy chiêu mộ nông dân, và chiến đấu giành quyền lực với các lãnh chúa đại danh.
 
 - Thời kỳ Azuchi-Momoyama kéo dài từ năm 1573 đến năm 1603. Đây là thời kỳ thống nhất đất nước. Oda Nobunaga và Toyotomi Hideyoshi là hai nhà quân sự lỗi lạc có công đầu.
 
 Trong thời kỳ này, những người châu Âu đầu tiên đã đến Nhật Bản, mang theo súng ống và Kitô giáo. Việc buôn bán với nước ngoài bắt đầu. Đạo Kitô và việc buôn bán với nước ngoài phát triển mạnh mẽ dưới thời Oda và vào đầu thời Toyotomi, nhưng cuối cùng Toyotomi nghi ngờ những tham vọng về đất đai của người châu Âu và đã ra lệnh trục xuất những người truyền giáo. Mặc dù vậy, việc buôn bán vẫn tiếp tục.
 
 Toyotomi Hideyoshi đưa quân xâm chiếm Triều Tiên. Cuộc viễn chinh sau những thành công lớn bước đầu đập tan các đạo quân kháng cự yếu ớt và kiểm soát nhiều phần rộng lớn thuộc lãnh thổ Triều Tiên, cuối cùng lại thất bại nặng nề. Sự thất bại này, bên cạnh nguyên nhân do vương quốc Triều Tiên, đương thời là phiên thuộc nhà Minh (Trung Quốc), đã nhờ quân đội nhà Minh giúp sức, thì nguyên nhân lớn là do lực lượng hải quân Nhật Bản giai đoạn này còn yếu. Những chiến thuyền còn nhỏ và kinh nghiệm hải hành còn thiếu, kế hoạch đổ bộ của các đạo quân lên bán đảo Triều Tiên không khớp nhau đã dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa các cánh quân. Sau này người Nhật đã rút kinh nghiệm và lưu ý đến việc xây dựng hải quân hùng mạnh hơn.
 
 Trường phái hội họa Kano và trà đạo đạt tới giai đoạn hoàng kim.
 
 - Thời kỳ Edo còn gọi là thời kỳ Tokugawa, kéo dài từ năm 1603 đến năm 1868. Thời kỳ Edo chia làm 3 thời kỳ nhỏ: Sơ kỳ Edo (1603 đến đầu thế kỷ 18), Trung kỳ Edo (Đầu thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19),  Hậu kỳ Edo (Đầu thế kỷ 19 đến 1868)
 
 - Thời kỳ Minh Trị (hay thời kỳ Meiji) kéo dài từ năm ngày 25/1/1868 đến ngày 30/7/1912, là thời kỳ tại vị của Thiên hoàng Minh Trị (1852-1912).
 
 * Minh Trị Duy Tân
 
 Việc nối lại quan hệ với phương Tây đã dẫn đến sự đổi thay lớn đối với xã hội Nhật Bản. Chinh di Đại Tướng quân phải từ bỏ quyền lực, và sau Chiến tranh Mậu Thìn năm 1868, quyền lực của Thiên hoàng được khôi phục. Cuộc Minh Trị Duy Tân tiếp theo đó đã mở đầu cho nhiều đổi mới. Hệ thống phong kiến bị hủy bỏ và thay vào đó là nhiều thể chế phương Tây, trong đó có hệ thống luật pháp phương Tây và một chính quyền gần theo kiểu lập hiến nghị viện. Các thái ấp phong kiến bị bãi bỏ và thay thế bằng hệ thống quản lý hành chính theo cấp tỉnh. Quyền lực tập trung trong tay Thiên hoàng. Các đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị huỷ bỏ. Quân đội quốc gia và việc tuyển quân, chế độ thuế mới, hệ thống tiền tệ theo hệ thập phân, mạng lưới đường sắt, cùng các hệ thống thư tín, điện thoại, điện báo được thiết lập.
 
 Công nghiệp hiện đại được khởi đầu với các nhà máy do nhà nước xây dựng và điều hành, sau này được chuyển sang sở hữu tư nhân. Việc cải cách gặp phải sự chống đối đáng kể nhưng đều bị dẹp yên. Quan hệ buôn bán với Triều Tiên và Trung Quốc được thiết lập. Nhà nước đã nỗ lực hết sức để sửa đổi những hiệp ước bất bình đẳng đã được ký kết với các nước phương Tây. Năm 1898, hiệp định cuối cùng trong các "hiệp định bất bình đẳng" với các đế quốc phương Tây đã được hủy bỏ, đánh dấu vị thế mới của Nhật Bản trên thế giới. Trong vài thập kỉ tiếp theo, bằng cách cải tổ và hiện đại hóa các hệ thống xã hội, giáo dục, kinh tế, quân sự, chính trị và công nghiệp, "cuộc cách mạng có kiểm soát" của triều đình Minh Trị đã biến Nhật Bản từ một nước phong kiến và bị cô lập thành một cường quốc trên thế giới
 
 * Phong trào tự do dân quyền
 
 Đạo Phật và Thần đạo, sau thời gian dài hợp nhất, đã chính thức tách ra. Thần đạo được lấy làm nền tảng tư tưởng của hoàng gia. Việc cấm Ki-tô giáo được huỷ bỏ. Các trường học mới theo phong cách phương Tây được lập nên ở khắp nơi, không phân biệt đẳng cấp, tài sản hay giới tính. Các lý tưởng về tự do, chủ nghĩa xã hội, bình đẳng cũng du nhập vào từ phương Tây và khá hưng thịnh trong một thời gian ngắn. Nhu cầu ăn mặc và nhiều vấn đề khác trong đời sống hàng ngày chịu ảnh hưởng của phương Tây.
 
 Bên cạnh đó, vào năm 1880, triều đình được sự ủng hộ của Thiên hoàng đã thông qua "Điều lệ hội họp" và "Điều lệ báo chí" hạn chế gắt gao quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, cấm phát hành các văn kiện bàn bạc về chính trị,... Tháng 3 năm 1881, một nhóm cựu du học sinh người Nhật ở Pháp bao gồm Tây Viên Tự Công Vọng, Tùng Điền Chính Nghĩa,… sau khi về nước đã đứng ra thành lập tờ báo Đông Dương Tự do Tân văn, chủ trương thành lập nền dân chủ triệt để, truyền bá tư tưởng tự do. Cuối cùng, Thiên Hoàng buộc phải dùng đến biện pháp cứng rắn, ra sắc lệnh buộc Tây Viên Tự Công Vọng rút lui khỏi tờ báo và sau đó ra sắc lệnh đóng cửa luôn tờ báo - trước sau ra được 34 số. Để xoa dịu phong trào đấu tranh của quần chúng, tháng 10 năm 1881 Thiên hoàng Minh Trị đã ra một chiếu thư tuyên bố sẽ triệu tập quốc hội vào năm 1890, nhưng quyền hạn của quốc hội sẽ do Thiên hoàng quyết định.[9]
 
 Năm 1885, Nội các được thành lập. Tổng lý đại thần (tương đương với Thủ tướng) đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản là Ito Hirobumi. Việc kêu gọi thành lập một chính quyền lập hiến dẫn tới sự ra đời của Nghị viện quốc gia và việc ban hành hiến pháp. Nghị viện tuy nhiên chỉ có ít quyền lực thực tế.
 
 Năm 1889, Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản (Hiến pháp Đại Nhật Bản) được quốc hội thông qua và có hiệu lực vào năm sau. Theo bản Hiến pháp này, Nhật Bản là quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến. Thiên hoàng và thế lực quân phiệt Nhật nằm giữ mọi quyền hành. Theo Điều 3 (Chương I), "Thiên hoàng có quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm".
 
 * Hoạt động quân sự
 
 Năm 1874, thấy người Trung Quốc giết hại nhiều thương gia đến từ Okinawa (Nhật), triều đình Minh Trị xuất binh đánh chiếm Đài Loan. Năm 1875, đánh Triều Tiên, buộc nước này phải mở cửa cho hàng hóa của Nhật Bản. Do Trung Quốc tranh chấp ảnh hưởng của Nhật đối với Triều Tiên, tháng 7 năm 1894, chiến tranh Thanh-Nhật nổ ra tại bán đảo Triều Tiên; đến tháng 4 năm sau thì kết thúc với thắng lợi thuộc về Nhật.
 
 Năm 1894, hiệp ước bất bình đẳng với Anh Quốc trong buôn bán được sửa đổi và các hiệp ước với những quốc gia khác cũng sửa đổi theo cho phù hợp.
 Chiến hạm Nhật đánh chìm Hạm đội Nga ở Port Athur 1904
 Đế quốc Nhật Bản. Cho tới trước khi Thế chiến thứ hai kết thúc, thuộc địa của Nhật tại vùng Đông Á đã tăng gấp gần 5 lần diện tích quốc gia.
 
 Sau thắng lợi của Nhật trước Trung Quốc, Nga, Đức và Pháp ép Nhật phải từ bỏ một số quyền lợi do lo ngại Nhật bành trướng lấn Nga, tạo ra mâu thuẫn lâu dài và sâu sắc giữa Nhật và các nước trên. Liên minh Anh - Nhật hình thành. Năm 1904, Chiến tranh Nga-Nhật bùng nổ tại Mãn Châu. Nhờ đường lối sách lược đúng đắn của triều đình Minh Trị,[11] kết thúc năm 1905 sau Hải chiến Đối Mã với thắng lợi thuộc về người Nhật.
 
 Năm 1909, Nhật Bản quyết định chiếm Triều Tiên và thực hiện điều đó ngay trong năm 1910.
 
 Cuộc chiến với Trung Quốc đã làm cho Nhật Bản thành một đế quốc hiện đại và hùng mạnh đầu tiên của phương Đông. Còn cuộc chiến với Nga chứng tỏ rằng một cường quốc phương Tây có thể bị một quốc gia phương Đông đánh bại. Kết cục của hai cuộc chiến là Nhật Bản trở thành một cường quốc chiếm ưu thế ở Viễn Đông, với tầm ảnh hưởng trải tới Nam Mãn Châu và Triều Tiên, những vùng mà đến năm 1910 chính thức trở thành thuộc địa của Đế quốc Nhật Bản.
 
 - Thời kỳ Đại Chính (1912 – 1926) là thời kỳ Đại Chính Thiên hoàng trị vì. Trong chính sử thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ dân chủ Đại Chính, theo tên kỷ nguyên và chính sách của chính quyền ban hành nhằm nỗ lực cởi mở hơn với phương Tây.
 
 Thời kỳ này chứng kiến Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cuộc chiến tranh này đã thúc đẩy kinh tế và buôn bán của Nhật Bản phát triển. Nhật Bản đồng thời cũng chiếm được đất đai ở Trung Hoa và Nam Thái Bình Dương, nhưng lại làm cho các quốc gia phương Tây ngờ vực. Nhật Bản đầu tư vốn vào Trung Hoa. Trong chiến tranh, các cuộc thương lượng ngoại giao quốc tế được tiến hành để cố gắng duy trì sự cân bằng quyền lực. Ở Nhật Bản, các đảng phái chính trị trở nên mạnh hơn, ngoại trừ Đảng Cộng sản Nhật Bản bị khủng bố buộc phải rút vào hoạt động bí mật, các lý tưởng dân chủ chiếm ưu thế. Sau cùng, dù sao, sự khủng hoảng của nền kinh tế hậu chiến trên thế giới đã ảnh hưởng bất lợi tới các nhà kinh doanh Nhật Bản, đồng thời trận Đại động đất Kanto dữ dội vào năm 1923 đã làm cho nên kinh tế thêm khó khăn. Tình trạng thất nghiệp, đồng lương sụt giảm và tranh chấp việc làm luôn xảy ra. Phong trào xã hội chủ nghĩa chiếm ưu thế.
 
 - Sơ kỳ Chiêu Hòa (hay thời đại Shōwa) tính từ lúc Thiên hoàng Chiêu Hòa lên trị vì năm 1926 đến khi Thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945.
 
  Tháng 9/1931, Nhật Bản tiến hành đánh vùng Đông Bắc Trung Quốc
 
 Trong năm 1939, đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh chống lại phátxít. Không những có tầng lớp nhân dân đấu tranh mà còn có cả binh lính và sĩ quan.
 
 Từ năm 1940, Đế quốc Nhật Bản đã xâm chiếm thêm các nước Đông Nam Á, bao gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar (Miến Điện) và Brunei. Mở đầu cuộc xâm lược với quy mô ngày càng lớn. Cuộc xâm lược này là nguyên khởi của chiến tranh Thái Bình Dương.
 
 - Hậu kỳ Chiêu Hòa (1945-1989)
 
 Sự thất bại trong chiến tranh và sự sụp đổ của chủ nghĩa quân phiệt. Hứng chịu thảm họa bom nguyên tử lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Bắt đầu thời kỳ Nhật Bản bị chiếm đóng lần đầu tiên trong lịch sử. Vị trí tối cao của Thiên hoàng không còn khi chế độ quân chủ nghị viện được thiết lập và Hiến pháp hòa bình ra đời. Tiến hành các cải cách dân chủ, xây dựng lại nền công nghiệp bị tàn phá. Hiệp ước San Francisco có hiệu lực.
 
 Sau khoảng 10 năm hậu chiến, Nhật Bản đã đạt được các kỳ tích về kinh tế và đời sống của nhân dân được nâng cao. Bước phát triển kinh tế ngoạn mục đem đến cho Nhật Bản vai trò quốc tế như một quốc gia thương mại và dần dần trở thành nước có tiềm lực kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ.
 
 -Thời kỳ Heisei (hay thời đại Bình Thành) bắt đầu từ năm 1989. Một số học giả Tây phương cho rằng Heisei đánh dấu mốc Nhật Bản bước vào kỷ nguyên hậu hiện đại.
 
Chiến tranh vùng Vịnh, hoạt động chính trị bị hỗn loạn, vụ bê bối Sagawa Kyubin đã xảy ra. Hoạt động giữ gìn hoà bình của Liên hiệp quốc được triển khai. Lực lượng phòng vệ được cử đến Campuchia và Mozambique. Xảy ra trận động đất Hanshin-Awaji. Đây là thời kỳ ghi dấu bởi những giai đoạn trì trệ kinh tế và những bước hồi phục chậm chạp. Nhật Bản bước vào thế kỷ XXI với những thay đổi vị thế trên trường quốc tế, nhấn mạnh hơn đến vị trí chính trị và quân sự, đặc biệt là việc đưa quân ra nước ngoài và thành lập Bộ quốc phòng thay cho Cục phòng vệ quốc gia vào ngày 9/1/2007.

Chính trị

Thể chế chính trị: quân chủ nghị viện.
 
 * Hiến pháp: Hiến pháp của nước Nhật Bản, được công bố vào ngày 3/11/1946 và có hiệu lực kể từ ngày 3/5/1947, quy định rằng nhân dân Nhật Bản thề nguyện trung thành với các lý tưởng hòa bình và trật tự dân chủ.
 
 Dù vậy vào ngày 3/5/2007, Nghị viện đã thông qua một văn bản dưới luật theo đó cho phép chính phủ tổ chức trưng cầu dân ý cho một bản sửa đổi mới vào năm 2010 và sẽ cần hai phần ba số phiếu thuận của Nghị viện để có hiệu lực.
 
 * Cơ quan hành pháp: Nhật Hoàng đứng đầu Nhà nước, theo chế độ cha truyền con nối. Thủ tướng đứng đầu chính phủ.
 
 * Cơ quan lập pháp: Quốc hội gồm hai viện: Thượng viện, nhiệm kỳ 6 năm. Hạ viện, nhiệm kỳ 4 năm. Nghị viện bổ nhiệm Thủ tướng từ thủ lĩnh của đảng hoặc liên minh chiếm đa số tại Hạ viện. Thủ tướng thành lập nội các. Nội các chịu trách nhiệm trước Nghị viện.
 
 * Cơ quan tư pháp: Tòa án tối cao. Chánh án do Nhật Hoàng bổ nhiệm sau khi được Chính phủ lựa chọn. Các thẩm phán khác do Chính phủ bổ nhiệm.
 
 * Chế độ bầu cử: phổ thông đầu phiếu; cử tri từ 20 tuổi trở lên.
 
 * Các đảng phái lớn: Đảng Dân chủ Tự do (LDP); Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ); Đảng Komei (Công minh); Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP)...

Kinh tế

Nhật Bản là nước rất nghèo nàn về tài nguyên trong khi dân số lại quá đông, phần lớn nguyên nhiên liệu phải nhập khẩu, kinh tế bị tàn phá kiệt quệ trong chiến tranh. Với các chính sách phù hợp, kinh tế Nhật Bản đã nhanh chóng phục hồi trong giai đoạn 1945-1954 và phát triển cao độ trong những năm 1955-1973.
 
 Từ năm 1974 đến nay tốc độ phát triển tuy chậm lại, song Nhật Bản tiếp tục là một nước có nền kinh tế-công nghiệp-tài chính thương mại-dịch vụ-khoa học kỹ thuật lớn đứng thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.
 Năm 2008 và năm 2009, do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP của Nhật Bản đạt âm 0,4% và âm 5,3%. Đây được xem là thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
 
 Ngày 10-9-2010, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế mới trị giá 915 tỷ yên (tương đương 10,9 tỷ USD) nhằm đối phó với hiện tượng đồng yên tăng giá bất thường so với đồng USD và nguy cơ suy thoái kinh tế.
 
 Tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đạt 1,5% trong quý II/2010, tăng 0,4% so với quý I.
 
 * Về công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 21,9% GDP và thu hút 28% lực lượng lao động.
 
 - Các sản phẩm công nghiệp chính: sắt, thép, xi măng, giấy, các loại hoá chất, phân bón, máy tính điện tử, các loại máy thu hình, thu thanh, video, ô tô, xe gắn máy...
 
 * Về nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 1,6% GDP và thu hút 4% lực lượng lao động.
 
 - Các sản phẩm nông nghiệp chính: lúa, khoai tây, củ cải đường, mía, cam, quýt, củ cải đỏ, bắp cải, khoai lang...
 
 * Về dịch vụ - du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 76,5% GDP và thu hút 68% lực lượng lao động.
 
 * Xuất khẩu: 542,3 tỷ USD (năm 2009).
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu: phương tiện giao thông, đồ bán dẫn, máy văn phòng, hoá chất.
 
 - Các bạn hàng xuất khẩu: Mỹ (16,42%), Trung Quốc (18,88%), Hàn Quốc (8,13%), Hồng Công (5,49%), Đài Loan (6,27%) (năm 2009).
 
 * Nhập khẩu: 499,7 tỷ USD (năm 2009).
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: nhiên liệu, thực phẩm, hoá chất, hàng dệt, máy văn phòng.
 
 - Các bạn hàng nhập khẩu: Mỹ (10,96%), Trung Quốc (22,2%), Australia (6,99%), Arập Xêút (5,29%), Indonesia (5,95%), Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) (4,12%), Hàn Quốc (3,98%) (năm 2009).

Văn hóa

Văn hóa Nhật Bản là một trong những nền văn hóa đặc sắc nhất thế giới, văn hóa Nhật đã phát triển mạnh mẽ qua thời gian từ thời kỳ Jōmon cho tới thời kỳ đương thời, mà trong đó chịu ảnh hưởng cả từ văn hóa châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

+ Giáo dục:  Tỷ lệ biết đọc biết viết: 99% trên tổng số dân. Giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với trẻ em từ 6 dến 15 tuổi. Hai trường đại học được cho là danh giá nhất ở Nhật hiện nay là Đại học Tokyo và Đại học Kyoto.

+  Nghệ thuật truyền thống Nhật Bản bao gồm các ngành nghề thủ công như ikebana, origami, ukiyo-e, đồ chơi, đồ gỗ sơn mài và gốm sứ; các môn nghệ thuật biểu diễn như bunraku, nhảy, kabuki, nō, rakugo, ngoài ra còn phải kể đến những nét đặc sắc truyền thống khác như trà đạo, Budō, kiến trúc, vườn Nhật và cả gươm Nhật.

Sự kết hợp của nghệ thuật in khắc gỗ truyền thống với văn hóa phương Tây đã dẫn đến sự ra đời của Manga, một thể loại truyện tranh nổi tiếng cả trong và ngoài nước Nhật. Sự ảnh hưởng của Manga đến thể loại hoạt hình đã dẫn đến sự phát triển thể loại hoạt hình đặc trưng của Nhật có tên gọi là Anime, nhờ sự phát triển vũ bão của Manga và Anime mà các trò chơi game video của Nhật cũng phát triển mạnh mẽ từ thập niên 1980.

+ Âm nhạc của Nhật Bản đã mượn nhiều nhạc cụ và phong cách từ các quốc gia láng giềng và phát triển thêm các nét đặc trưng của Nhật, điển hình như đàn Koto được giới thiệu vào Nhật từ thế kỷ thứ 9 và 10, hay như thể loại kịch Nō từ thế kỷ 14 và âm nhạc dân gian đại chúng, với những cây đàn như shamisen, được truyền bá tới Nhật từ thế kỷ 16. Âm nhạc phương Tây, được giới thiệu vào Nhật cuối thế kỷ 19, giờ đã trở thành một phần nội tại quan trọng trong văn hóa Nhật Bản. Nước Nhật thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề bởi âm nhạc Mỹ và âm nhạc hiện đại châu Âu, điều này đã dẫn đến sự phát triển của dòng âm nhạc gọi là J-pop.

Karaoke là hoạt động văn hóa phổ biến nhất ở Nhật. Từ tháng 11 năm 1993, cơ quan các hoạt động văn hóa đã tiến hành một cuộc thăm dò, kết luận rằng có nhiều người Nhật hát Karaoke hơn là tham gia vào các hoạt động văn hóa truyền thống như triết hoa hay trà đạo.

+ Các tác phẩm đầu tiên của văn học Nhật Bản bao gồm hai cuốn sách lịch sử Kojiki và Nihon Shoki cũng như tập thơ từ thế kỷ thứ 8 Man'yōshū, tất cả đều được viết bằng Hán tự. Vào giai đoạn đầu của thời kỳ Heian, hệ thống kí tự kana (Hiragana và Katakana) ra đời. Cuốn tiểu thuyết The Tale of the Bamboo Cutter được coi là tác phẩm kí sự lâu đời nhất của Nhật. Một hồi ký về cuộc đời trong cung cấm được ghi trong cuốn The Pillow Book, viết bởi Sei Shōnagon, trong khi Truyện kể Genji của Murasaki Shikibu thường được coi là tiểu thuyết đầu tiên trên thế giới.

Trong thời kỳ Edo, văn học không thực sự phát triển trong giới Samurai như trong tầng lớp người chōnin. Yomihon, là một ví dụ, đã trở nên nổi tiếng và tiết lộ sự thay đổi sâu kín này trong giới độc giả cũng như tác giả thời kỳ này. Thời kỳ Minh Trị chứng kiến một giai đoạn đi xuống trong các thể loại văn học truyền thống của Nhật, trong thời kỳ này thì văn học Nhật chịu nhiều ảnh hưởng từ văn học phương Tây. Natsume Sōseki và Mori Ōgai được coi là những văn hào tiểu thuyết "hiện đại" đầu tiên của Nhật, tiếp đó có thể kể đến Akutagawa Ryūnosuke, Tanizaki Jun'ichirō, Yasunari Kawabata, Yukio Mishima và gần đây hơn là Haruki Murakami. Nhật Bản có hai nhà văn từng đoạt giải Nobel là Yasunari Kawabata(1968) và Kenzaburo Oe (1994)

Ẩm thực

Ẩm thực Nhật Bản rất phong phú và đặc biệt. Bao gồm sushi, trà đạo và các món khác như các loại bánh làm từ bột gạo.

Tuy nhiên, ẩm thưc Nhật Bản cũng khá nguy hiểm với những món ăn như gỏi cá nóc và fugu, được chế biến từ cá xem sao của Nhật Bản. Phần bắp và bụng được coi là khá an toàn, nhưng phải có một con mắt thật tinh tường để loại đi những chất độc. Đã bao người phải bỏ mạng vì ăn phải chất độc của món fugu này. Thế nhưng đây được coi là đặc sản của Nhật Bản. Ở trung tâm Tokyo có rất nhiều nhà hàng chế biến món này. Thực khách sẽ tấm tắc khen ngon nếu họ còn sống sau khi ăn món này.

Điểm du lịch

Nhật Bản có 14 di sản thế giới, bao gồm thành Himeji, cố đô Kyoto (Kyoto, Uji và thành phố Otsu). Du khách nước ngoài cũng ghé thăm Tokyo và Nara, núi Phú Sĩ, khu trượt tuyết như Niseko ở Hokkaido, Okinawa, đi tàu cao tốc shinkansen và tận dụng lợi thế của khách sạn Nhật Bản và mạng lưới các onsen.
 
Các điểm hấp dẫn: Hokkaidō, Tohoku, Kantō, Chubu, Kinki, Chugoku, Shikoku, Kyushu, Okinawa.
 

Lễ hội

Nhật Bản có nhiều ngày lễ và lễ hội được tổ chức quanh năm. Hầu hết các lễ bây giờ được tính theo Dương lịch, nhưng cũng có những lễ hội được tính theo âm lịch. Hầu hết xuất xứ của các lễ hội ở Nhật Bản đều gắn với sự chuyển mùa, với các hoạt động nông nghiệp, hoặc những mong muốn về sự bình an, khỏe mạnh cho mọi người.
 
 * Các lễ hội trong năm
 
 - Năm mới (shogatsu): Cũng như nhiều nước trên thế giới, Năm mới là lễ hội quan trọng nhất trong năm. Trước kia, Nhật Bản đón năm mới theo âm lịch giống Việt nam và Trung quốc, nhưng từ hàng trăm năm nay, người Nhật đón năm mới theo Dương lịch. Trong đêm giao thừa, người Nhật ăn món mì trường thọ(toshicoshi soba), vào ngày mùng 1 tháng Giêng, các gia đình sum họp, uống sake, thứ rượu được coi là trường thọ, món ăn osechi cổ truyền và không thể thiếu món bánh dầy ăn cùng với món súp đặc biệt của ngày tết là ozoni(súp).Những ngày trước và sau tết ngưởi ta thường gửi thiếp chúc tết đến bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Người ta cũng hay đi hái lộc ở các đền chùa để cầu an. Ngừơi Nhật cũng có phong tục chọn phương hướng tốt để xuất hành đầu năm(hatsu moode), phong tục khai bút(kakizome) và phong tục mừng tuổi tiền (o toshi dama) cho trẻ con. Trong những ngay tết, họ trang trí cổng hoặc cửa ra vào bằn tre và cành thông và cái cổng chào này được gọi là kadomatsu.
 
 -Tiết phân(setsubun): Trước đây, từ Setsubun được dùng để chỉ bất cứ sự thay đổi mùa nào theo lịch cũ, nhưng ngày nay nó được dùng riêng cho ngày lập xuân, tức là ngày mùng 3 hoặc ngày mùng 4 tháng 2. Vào ngày này trong những gia đình, người ta tung những hạt đậu(đã được rang khô) ra trước sân hoặc quanh nhà để đuổi ma quỉ và rước phúc lộc vào nhà, vừa tung vừa hát" mà quỉ đi ra, phúc lộc vào nhà."
 
 - Hội Hina( Lễ hội của bé gái hay còn gọi là ngày hội búp bê): Hội này được tổ chức vào mùng 3 tháng 3. Trong ngày này, các gia đình có con gái bày một bộ búp bê(Hinaningyo) tượng trưng cho cung đình xưa và uống một thứ sake trắng ngọt đăc biệt để mừng ngày hội và cầu chúc. Tại các trường học, các bé gái đượctập làm những con búp bê Hina bằng giấy. Do ngày hội đúng vào mùa hoa đào nở, nên người ta còn gọi là Momo no tseku(lễ hội hoa đào).
 
 * Lễ tảo mộ(Higan)
 
 Cũng như người Việt nam, người Nhật rất coi trọng mồ mả tổ tiên. Lễ tảo mộ ở Nhật kéo dài suốt một tuần lễ quanh ngày Xuân phân(khoảng 21/3) và Thu phân(khoảng 23/9). Vào dịp này người ta đi tảo mộ và coi đây là những ngày thờ phụng tổ tiên.
 
 * Ngày trẻ em(Kodomo no hi)
 
 Xuất xứ của ngày hội này là lễ hội của các bé trai, nhưng ngày nay người ta gọi là ngày trẻ em. Lễ hội này được tổ chức vào ngày mùng 5/5 và từ các năm 1948 trở thành ngày nghỉ của cả nước. Vào ngày này, các gia đình có con trai thường treo trước nhà những dải cờ hình cá chép nhiều màu sắc sặc sỡ, gọi là konobori. Theo người Nhật, cá chép tượng trưng cho sức mạnh. Trong ngày hội này người ta ăn một thứ bánh đặc biệt làm từ gạo.
 
 *Lễ hội Tanabata
 
 Xuất xứ của ngày hội này là dựa vào truyền thuyết về tình yêu giữa hai ngôi sao trong giải ngân hà và có nguồn gốc từ trung quốc. theo truyền thuyết này vào ngày 7/7 hai ngôi sao này sẽ gặp nhau nên người ta tổ chức lễ hội vào ngày này. Trong lễ hội này, người ta nhặt nhũng cành tre, trang trí lên đó những mẩu giấy màu sặc sỡ và viết lên những ước mong của mình lên nhũng băng giấy mầu đó và treo lên cành tre.
 
 * Lễ hội Vu lan(Obon)
 
 Trước đây ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, nhưng hiện nay nó được tổ chức vào ngày 17/7 hoặc tháng 8 dương lịch, tuỳ theo từng địa phương. Ngày lễ này gần giống với ngày xá tội vong nhân ở Việt nam, là ngày mà theo người Nhật là rước linh hồn tổ tiên về cúng giỗ. Nhiều nơi tổ chức vũ hội, múa các điệu múa cổ truyền(Bonodori). Vào thời gian lễ hội người ta treo cao những chiếc đèn lồng với mục đích là để hướng dẫn linh hồn người đã khuất trở về. Tại nhiều vùng, các đèn lồng được thả trôi trên sông. Vào dịp này, nhiều người Nhật làm việc ở xa quê hương về thăm quê hương, đi thăm mộ người thân.
 
 * Lễ hội nông nghiệp
 
 Từ ngày xưa, các lễ hội nông nghiệp ở Nhật thường được tổ chức ở các vùng, với mục đích là cầu khấn cho một vụ mùa bội thu, hoặc để cảm ơn thần linh đã cho một mùa màng thắng lợi và đồng thời cầu khấn một vụ bội thu trong năm tới. Vào mùa thu, lễ hội mùa gặt được tổ chức và người ta dâng lên cúng thần thành quả đầu tiên của đồng ruộng. Khi có lễ hội, cả làng tham gia và ở nhiều nơi người ta tổ chức các xe diễu hành mang hình tượng của các vị thần đi qua các phố xá. Tại cung điện của Thiên Hoàng, đích thân nhà vua đóng vai người dâng những nông sản mới thu hoạch cho thần linh.
 
 * Lễ Hội mùa hạ
 
 Lễ hội mùa hạ được tổ chức với mục đích ngăn ngừa bệnh tật. Loại lễ hội này hiện nay vẫn được tổ chức đều đặn, và trong lễ hội, người ta tổ chức các thuyền diễu hành trang hoàng rực rỡ đi dọc theo các con sông, tiếp sau là những đoàn thuyền hộ tống. Một trong những lễ hội mùa hạ lớn nhất ở Nhật và hấp dẫn khách du lịch hàng năm là lễ hội Nebuta được tổ chức vào tháng 8 ở Aomori.