Cộng hòa Ấn Độ

Cộng hòa Ấn Độ

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Cộng hòa Ấn Độ Đền Taj Mahal - điểm du lịch nổi tiếng nhất Ấn Độ.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Cộng hòa Ấn Độ

- Tên nước: Cộng hòa ấn Độ (Republic of India).
 
- Ngày quốc khánh: 15/8/1947
 
- Thủ đô: New Delhi
 
- Vị trí địa lý: Nằm ở khu vực Nam Á; Phía Bắc giáp Trung Quốc, Nepan và Bhutan; phía Đông giáp Myanmar và Bangladesh; phía Tây Bắc giáp Pakistan và Afghanistan; phía Nam trông sang Sri Lanka qua một eo biển.
 
- Diện tích: 3.287.240 km2.
 
- Khí hậu: Miền Bắc có khí hậu cận nhiệt đới gió mùa, miền Nam có khí hậu cận xích đạo. Nhiệt độ trung bình tháng 1: 15-27 độC, tháng 7: 28-30độC (trong vài năm trở lại đây nhiệt độ có những lúc lên đến trên 40độC). Lượng mưa trung bình hàng năm: 60-100mm (ở miền Tây); 300-400mm (ở khu vực Dekan); 1.200mm (ở cao nguyên Xilông).
 
- Dân số: 1.188.226.000 (con số ước lượng đến 2010)
 
- Dân tộc: Người Indo-Aryan (72%), người Dravida (25%), người Mogun và các dân tộc khác (3%).
 
- Hành chính: Ấn Độ có 28 bang và 7 lãnh thổ liên bang.
 
- Đơn vị tiền tệ:  Đồng Rupi ấn Độ (INR)
 
- Tôn giáo:  Ấn Độ giáo (còn gọi là Đạo Hindu (80%), Đạo Hồi (13%), Đạo Thiên Chúa (2%), đạo Sikh (1,9%), đạo Phật (0,75%), các tôn giáo khác (2,55%).

- Ngôn ngữ: Tiếng Hindi là ngôn ngữ chính thức làm việc của Nhà nước Trung ương và được khoảng 40% dân số sử dụng. Tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp được sử dụng rộng rãi.

Địa lý

+ Vị trí địa lý: Ấn Độ nằm ở phía Nam châu Á. Phía Bắc giáp Trung Quốc, Nepan và Bhutan; Phía Đông Bắc giáp Myanmar, Bangladesh; Phía Tây Bắc giáp Pakistan và Afghanistan; Phía Tây, Đông và Nam là Ấn Độ Dương bao bọc.
 
+ Diện tích: 3.287.240 km2.
 
+ Địa hình: Lãnh thổ Ấn Độ chiếm một phần lớn tiểu lục địa Ấn Độ, nằm trên Mảng kiến tạo Ấn Độ (India Plate), phần phía bắc Mảng kiến tạo Ấn-Úc, phía nam Nam Á. Các bang phía bắc và đông bắc Ấn Độ nằm một phần trên dãy Himalaya. Phần còn lại ở phía bắc, trung và đông Ấn gồm đồng bằng Ấn-Hằng phì nhiêu. Ở phía tây, biên giới phía đông nam Pakistan, là Sa mạc Thar. Miền nam Bán đảo Ấn Độ gồm toàn bộ đồng bằng Deccan, được bao bọc bởi hai dãy núi ven biển, Tây Ghats và Đông Ghats.
 
Ấn Độ là nơi khởi nguồn của nhiều con sông lớn, gồm sông Hằng, Brahmaputra, Yamuna, Godavari, Kaveri, Narmada và Krishna. Ấn Độ có ba quần đảo – Lakshadweep ngoài khơi bờ biển tây nam, Quần đảo Andaman và Nicobar dãy đảo núi lửa phía đông nam và Sunderbans ở vùng châu thổ sông Hằng ở Tây Bengal.
 
+ Khí hậu: Khí hậu Ấn Độ biến đổi từ nhiệt đới ở phía nam đến ôn hoà ở phía bắc, các vùng phía bắc có độ cao lớn thường có tuyết rơi trong thời gian dài. Khí hậu Ấn Độ bị ảnh hưởng lớn từ dãy Himalaya và Sa mạc Thar. Núi Himalaya, cùng với dãy núi Hindu Kush ở Pakistan, là một tấm chặn tự nhiên ngăn gió lạnh từ Trung Á thổi đến. Chúng khiến cho đa phần lục địa Ấn Độ ấm hơn hầu hết các nơi khác có cùng vĩ độ. Sa mạc Thar khiến gió mùa tây nam mang theo nhiều hơi ẩm vào trong lục địa Ấn Độ gây ra mưa từ tháng 6 tới tháng 9.
 
+Tài nguyên: Tài nguyên thiên nhiên: than đá (trữ lượng lớn thứ 4 thế giới), quặng sắt, mangan, khoáng chất mica, bauxite, quặng titan, crom, khí gas tự nhiên, kim cương, dầu mỏ, đá vôi, đất trồng trọt.

Lịch sử

Lịch sử Ấn Độ bắt đầu với thời kỳ Văn minh lưu vực sông Ấn Độ, một nền văn minh phát triển hưng thịnh tại phần Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ từ năm 3300 đến 1700 trước công nguyên.
 
Nền văn minh thời đại đồ đá này được nối tiếp bởi thời đại đồ sắt thuộc thời kỳ Vệ Đà, thời kỳ đã chứng kiến sự nở rộ của những vương quốc lớn được biết đến với cái tên Mahajanapadas. Giữa hai giai đoạn này, vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, Mahavira và Thíchca Mâuni ra đời.
 
Phần lớn tiểu lục địa được đế quốc Maurya chinh phạt trong suốt thế kỷ thứ 4 và thứ 3 trước công nguyên. Sau đó nó lại tan vỡ và rất nhiều phần bị thống trị bởi vô số những vương quốc thời Trung Cổ trong hơn 10 thế kỷ tiếp theo. Những phần phía Bắc được tái hợp một lần nữa vào thế kỷ thứ 4 sau công nguyên và duy trì được sự thống nhất này trong hai thế kỷ tiếp theo, dưới thời của đế quốc Gupta. Đây được coi là thời kỳ hoàng kim của Ấn Độ.
 
Trong suốt giai đoạn cùng thời, và vài thế kỷ sau đó, Ấn Độ bị thống trị bởi nhà Chalukya, nhà Chola, nhà Pallava và nhà Pandya, và trải qua giai đoạn vàng son của mỗi thời kỳ. Cũng trong thời điểm này, Ấn Độ giáo và Phật giáo lan tỏa tới rất nhiều vùng tại Đông Nam Á.
 
Hồi giáo du nhập vào đầu thế kỷ thứ 8 sau công nguyên cùng với sự xâm lược Baluchistan và Sindh của Muhammad bin Qasim. Những sự xâm lấn của đạo Hồi từ Trung Á giữa thế kỷ thứ 10 và 15 sau công nguyên dẫn đến việc phần lớn Bắc Ấn Độ chịu sự thống trị của Vương quốc Hồi giáo Delhi giai đoạn đầu và sau đó là đế quốc Mogul.
 
Sự thống trị của đế quốc Mogul, đế chế đã mở ra giai đoạn của thời kỳ thăng hoa và phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật và kiến trúc, đã bao phủ phần lớn phía Bắc tiểu lục địa. Tuy nhiên, một vài quốc gia độc lập, như đế quốc Maratha và đế quốc Vijayanagara, cũng phát triển hưng thịnh trong cùng giai đoạn tại phía Tây và Bắc Ấn Độ. Mở đầu giai đoạn giữa thế kỷ 18 và hơn một thế kỷ sau đó, Ấn Độ dần dần bị công ty Đông Ấn Anh Quốc thôn tính. Nỗi bất mãn với sự cai trị của công ty này đã dấn đến cuộc nổi loạn Ấn Độ 1857, sau đó thì Ấn Độ được điều hành trực tiếp bởi Hoàng Gia Anh Quốc cũng như chứng kiến thời kỳ phát triển mạnh mẽ về cơ sở vật chất cũng như sự suy thoái về kinh tế.
 
Trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, cuộc đấu tranh độc lập toàn quốc được khởi xướng bởi đảng Quốc Đại Ấn Độ, sau đó được kết hợp bởi đảng liên đoàn Hồi giáo. Tiểu lục địa giành được độc lập từ vương quốc Anh năm 1947 sau khi bị chia cắt thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan. Cánh phía Đông của Pakistan sau đó trở thành quốc gia Bangladesh năm 1971.

(Theo Wikipedia)

Chính trị

- Thể chế chính trị: Cộng hòa Liên bang.
 
- Hiến pháp: Thông qua ngày 26/1/1950 và nhiều lần được sửa đổi, bổ sung.
 
- Cơ quan lập pháp: Quốc hội gồm 2 viện: Thượng viện không quá 245 thành viên, trong đó 12 thành viên do Tổng thống bổ nhiệm, số còn lại do các nghị sỹ của các bang và các thành viên của Hội đồng Lập pháp liên vùng bầu chọn, nhiệm kỳ 6 năm.
 
Hạ viện gồm 545 thành viên, được bầu trực tiếp theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm.
 
- Cơ quan hành pháp:
 
 + Đứng đầu Nhà nước: Tổng thống. Tổng thống do ban bầu cử, gồm các nghị sỹ của cả hai viện và nghị sỹ của các bang, bầu ra.
 
 + Đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng. Thủ tướng do các nghị sỹ của Đảng chiếm đa số theo các cuộc bầu cử lập pháp bầu ra.
 
- Cơ quan tư pháp: Tòa án Tối cao, các Thẩm phán do Tổng thống bổ nhiệm và làm việc cho đến tuổi 65.
 
- Chế độ bầu cử: Phổ thông đầu phiếu, cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 
- Các đảng phái lớn: Đảng Quốc đại (CP), Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP), Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI), Đảng Cộng sản Ấn Độ (Mácxít)-CPI (M)…

Kinh tế

Ấn Độ có nền kinh tế đa dạng, bao gồm: nông nghiệp truyền thống, nông nghiệp hiện đại, thủ công, một số các ngành công nghiệp hiện đại và một loạt các ngành dịch vụ đa dạng. Ngành dịch vụ là nguồn tăng trưởng kinh tế chính, đóng góp tới một nửa giá trị kinh tế của Ấn Độ nhưng chỉ sử dụng chưa đầy 1/4 lực lượng lao động trong cả nước.
 
 Từ năm 1991, Ấn Độ áp dụng mô hình kinh tế mới mở cửa hơn và dựa nhiều hơn vào dịch vụ và tri thức, sử dụng thế mạnh về nhân lực để phát triển công nghệ thông tin, coi đây là đầu tầu cho toàn bộ nền kinh tế.
 
 Tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ luôn đạt ở mức cao, trung bình trên 6%/năm.
 
 Năm 2009, tỷ lệ tăng trưởng GDP của ấn Độ đạt 6,1%; tỷ lệ thất nghiệp 9,5%; tỷ lệ lạm phát 9,8%. Ấn Độ đang mạnh mẽ vươn lên trở thành một cường quốc kinh tế ở khu vực.
 
 Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn gặp nhiều khó khăn: Cơ sở hạ tầng yếu kém; năng lượng phụ thuộc lớn vào bên ngoài (khoảng 70%); các vấn đề xã hội như chênh lệch giàu nghèo, tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp vẫn ở mức cao.
 
 * Về Công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 20% GDP và thu hút 14% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Dệt may, hóa chất, thực phẩm chế biến, thép, thiết bị giao thông, ximăng, sản phẩm dầu mỏ, máy móc, phần mềm máy tính.
 
 Trong đó, riêng lĩnh vực công nghệ phần mềm của Ấn Độ đóng góp 4% GDP.
 
 * Về Nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 17,5% GDP và thu hút 52% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Gạo, lúa mỳ, hạt có dầu, bông vải, đay, chè, mía, khoai tây; gia súc, trâu nước, cừu, dê, gia cầm và cá.
 
 * Về Dịch vụ-Du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 62,6% GDP và thu hút 34% lực lượng lao động.
 
 * Xuất khẩu: 155 tỷ USD (năm 2009).
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chính: Dệt may, đồ kim hoàn và dát ngọc, công nghệ, hóa chất, đồ da.
 
 - Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Mỹ (12,3%); Các Tiểu Vương quốc ả rập thống nhất (9,4%); Trung Quốc (9,3%) (năm 2009).
 
 * Nhập khẩu: 232,3 tỷ USD (năm 2009).
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chính: Dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ, máy móc, đồ trang trí dát ngọc, phân bón, hóa chất.
 
 - Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Trung Quốc (11,1%); Arập Xêút (7,5%); Mỹ (6,6%); Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (5,1%); Iran (4,2%); Singapore (4,2%); Đức (4,2%) (năm 2009).
 
 * Giao thông-Vận tải:
 
 - Đường sắt: 63.327km (năm 2009).
 
 - Đường bộ: 3.316.452km (năm 2009).
 
 - Đường thủy: 14.500km (năm 2009).

Văn hóa

n Độ có một di sản văn hóa phong phú và đặc trưng duy nhất, và họ luôn tìm cách giữ gìn những truyền thống của mình trong suốt thời kỳ lịch sử trong khi vẫn hấp thu các phong tục, truyền thống và tư tưởng từ phía cả những kẻ xâm lược và những người dân nhập cư. Nhiều hoạt động văn hóa, ngôn ngữ, phong tục và các công trình là những ví dụ cho sự đan xen văn hóa qua hàng thế kỷ đó. Những công trình nổi tiếng như Taj Mahal và các công trình kiến trúc có ảnh hưởng Hồi giáo là di sản từ triều đại Mughal. Chúng là kết quả của một truyền thống hợp nhất mọi yếu tố từ mọi phần của quốc gia.
 
 + Giáo dục: Tỷ lệ biết đọc, biết viết: 61%.
 
 Giáo dục là mối quan tâm hàng đầu ở ấn Độ và nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ. Mặc dù giáo dục được miễn phí và bắt buộc trong 8 năm (từ 6-14 tuổi), nhưng vẫn có tình trạng thiếu trường học và nhiều trẻ em không được đến trường. Chính phủ đang rất nỗ lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về giáo dục.
 
 + Âm nhạc Ấn Độ được thể hiện ở rất nhiều hình thức. Hai hình thức chính của âm nhạc cổ điển là Carnatic từ Nam Ấn, và Hindustani từ Bắc Ấn. Các hình thức phổ thông của âm nhạc cũng rất phổ biến, nổi tiếng nhất là âm nhạc Filmi. Ngoài ra còn có nhiều truyền thống khác nhau về âm nhạc dân gian từ mỗi nơi trên đất nước.
 
 + Có nhiều hình thức nhảy múa cổ điển hiện diện, gồm Bharatanatyam, Kathakali, Kathak và Manipuri. Chúng thường ở hình thức tường thuật và lẫn với những yếu tố sùng đạo và tinh thần.
 
 + Truyền thống văn học sớm nhất Ấn Độ là hình thức truyền miệng, và sau này mới ở hình thức ghi chép. Đa số chúng là các tác phẩm linh thiêng như (kinh) Vedas và các sử thi Mahabharata và Ramayana. Văn học Sangam từ Tamil Nadu thể hiện một trong những truyền thống lâu đời nhất Ấn Độ. Đã có nhiều nhà văn Ấn Độ hiện đại nổi tiếng, cả với các tác phẩm bằng tiếng Ấn Độ và tiếng Anh. Nhà văn Ấn Độ duy nhất đoạt giải Nobel văn học là nhà văn dùng tiếng Bengal Rabindranath Tagore.
 
 + Ấn Độ cũng là nước sản xuất ra số lượng phim hàng năm cao nhất thế giới. Vùng sản xuất chính nằm tại Mumbai, cho ra lò hầu như tất cả phim thương mại Ấn Độ, thường được gọi là "Bollywood". Cũng có một số lượng lớn tác phẩm điện ảnh sử dụng tiếng Kannada, tiếng Malayalam, tiếng Tamil, tiếng Telugu và tiếng Bengal.
 Khuôn mặt của một nghệ sĩ Kathakali, một kiểu nhảy múa cổ Ấn Độ, từ Kerala.

(Theo Wikipedia)
 

Ẩm thực

Văn hóa ẩm thực Ấn Độ rất đa dạng, về thành phần, hương vị và cách chế biến khác biệt theo từng vùng.
 
Người Á Đông thường dùng đũa để gắp thức ăn, người Tây Âu dùng dao và thìa thì người Ấn Độ lại dùng tay. Có lẽ xuất phát từ cách ăn này mà đưa đến sự khác biệt rõ nét trong cách chế biến các món ăn. Gạo và bột mì là hai thực phẩm chính của quốc gia này nên trong bữa ăn cơm vẫn là món ăn chính. Tuy nhiên, cách nấu cơm thì lại hoàn toàn khác. Gạo được xào với dầu hoặc bơ trước khi cho nước vào để nấu và khi cơm sắp chín còn cho thêm: tiêu, hạt cumin hay quế…

Bên cạnh đó, cách chế biến món ăn của người Ấn cũng chịu ảnh hưởng từ các quốc gia lân cận và tôn giáo. Người Hồi giáo kiêng thịt heo trong khi người Ấn giáo lại không dùng thịt bò. Do đó thông dụng nhất vẫn là thịt gà, dê, cừu và các loại thủy hải sản.

Các món thịt cũng được chế biến hết sức độc đáo. Theo phong tục của người Ấn Độ, trong các bữa tiệc cưới hỏi hay các ngày lễ lớn thì món ăn không thể thiếu là cừu nấu với hạnh nhân, món thịt cừu nướng cũng được xem là món ngon nhưng có cách chế biến khá lạ. Thịt cừu được đặt trong nồi đất nấu trên bếp than hay bếp củi, trên nắp đặt than hồng. Như vậy, thịt cừu vừa thơm vừa giữ được vị ngọt nguyên thủy.

Khi nói đến ẩm thực Ấn Độ không thể không nhắc đến gà Tandoori, người Ấn Độ ăn gà Tandoori ở “mọi lúc, mọi nơi, mọi thời điểm.”

Có thể nói nó là món ăn vừa bình dân nhưng cũng vừa sang trọng bởi nó xuất hiện trong những bữa ăn hàng ngày đến những bữa tiệc quan trọng, thịnh soạn. Gà Tandoori không chỉ được ưa thích bởi vị ngon mà còn bởi màu sắc rất bắt mắt của nó, một đĩa gà Tandoori có thể biến một bữa ăn bình thường thành bữa ăn khá hấp dẫn và được ăn kèm với hành tây sống. Gà Tandoori chỉ dùng ngon khi mới vừa nướng xong, trước khi ăn nên vắt chanh lên miếng gà đó. Chính vị chua của chanh sẽ làm bớt đi phần nào độ cay. Để làm được món gà Tandoori, người ta phải lột toàn bộ da gà, để nguyên con. Để có mùi vị ngon thì phải kết hợp nhiều loại gia vị, trộn sữa chua, nước chanh nguyên chất, tỏi, gừng, rau mùi, hạt tiêu… Sau đó, cho gà vào hỗn hợp gia vị trên rồi để trong tủ lạnh khoảng 8 giờ cho gia vị ngấm vào thân gà. Lấy gà ra khỏi tủ lạnh 30 phút trước khi nướng. Lúc này, gà được nướng lên có sắc màu vàng trông rất hấp dẫn.

Nhắc đến Ấn Độ không thể không nhắc đến cà ri – một món mà người nước ngoài coi là quốc hồn của ẩm thực Ấn Độ. Cũng giống như cơm của Việt Nam hay sushi của Nhật, cà ri là món ăn không thể thiếu trong các bữa ăn của người Ấn Độ. Có rất nhiều loại cà ri khác nhau, mỗi món mang một hương vị đặc trưng riêng bởi những nguyên liệu làm nên nó như: các loại rau tạo nên món Mixed Vegetable Curry và các gia vị làm nên món cà tím Masala (Baingan Masala) hấp dẫn, các món gà như Chicken Curry, Korma cay vừa, có thể không cay hoăc rất cay như Vindaloo, Kadhai thật ngon miệng… Và cà ri được nấu với rất nhiều khẩu vị khác nhau như: Cà ri trứng, cà ri hải sản, cà ri gà, cà ri bắp cải khô, cà ri rau củ… và thường nấu ở dạng khô. Ngoài ra người Ấn Độ cũng dùng rất nhiều gia vị được làm từ trái cây như: dừa, me, xoài… để tạo độ chua, cay, béo cho món ăn và các gia vị này thường được rang khô trước khi nêm vào thức ăn để tạo nên hương vị đậm đà, lâu tan. Cùng ăn với cà ri là những loại cơm Như Biryani, Pulau.

Một món ăn cũng rất nổi tiếng ở Ấn Độ là món chay, và thường các món chay chỉ dành cho những người thuộc tầng lớp “đại gia”. Tuy nhiên, do người Ấn Độ không dùng đường và bột ngọt trong cách chế biến món chay, nên thức ăn thường có vị mặn chát, đặc thù nhất là hương vị masala.

Ẩm thực Ấn Độ có nét đặc biệt riêng bởi sự phối hợp hài hòa giữa các gia vị. Mỗi vùng miền của đất nước này lại có cách sử dụng gia vị cũng như chế biến các món ăn khác nhau. Sự đặc sắc trong các món ăn của miền Bắc Ấn Độ được thể hiện qua việc sử dụng một cách cân bằng các nguyên liệu thực phẩm như: sữa, bỡ sữa, sữa chua. Các món ăn thường không thể thiếu nước xốt. Bên cạnh đó còn có một số các thành phần nguyên liệu khác được sử dụng thường xuyên như: ớt, nghệ và quả hạch… thì miền Đông lại có điểm đặc biệt của những món ăn vùng Orissa, Bengal và Assam thể hiện qua cách pha chế gia vị vào món ăn một cách tinh tế. Các món ăn tại các vùng này thường sử dụng mù tạc, cây thìa là Ai Cập, ớt xanh, sốt thì là. Trong khi đó Các món ăn của miền Nam Ấn Độ có thành phần chủ yếu là cơm, thịt nai, đồ chua, dừa và đặc biệt là nước cốt dừa, cà ri. Các món ăn của miền Nam Ấn Độ thường chứa nhiều hương vị do sử dụng các gia vị như me, quả dừa, đậu lăng, cơm và một số loại rau. Các món ăn của miền Tây chịu ảnh hưởng bởi các món ăn Bồ Đào Nha và các món ăn của Đông Bắc Ấn Độ thì lại chịu ảnh hưởng của các nước lân cận như: Burma, Trung Quốc.

(Theo dulichvn.org.vn)

Điểm du lịch

Ấn Độ là một quốc gia có nhiều điểm du lịch rất hấp dẫn. Không chỉ rất đa dạng về mặt địa hình, tài nguyên thiên nhiên và khí hậu, Ấn Độ còn là một cộng đồng đa sắc tộc, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo với các phong tục tập quan muôn màu. Vì vậy, Ấn Độ là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trong tất cả các mùa.

Ấn Độ cũng rất giàu di tích lịch sử hấp dẫn và được bảo tồn tốt, các đền đài cổ xưa với kiến trúc đồ sộ, thánh đường Hồi giáo không quá cổ, nhà thờ và những nơi thờ tự của các tín ngưỡng khác nhau.

Gắn liền với một câu chuyện tình lãng mạn, đền Taj Mahal nổi tiếng khắp thế giới bởi kiến trúc độc đáo. Bên cạnh đền Taj Mahal, pháo đài Agra, Sikandra, Rambagh và phế tích vương triều ở thành Mughal tại Fatehpur Sikri là một số trong những ví dụ đẹp nhất của phong cách kiến trúc kết hợp giữa đạo Hindu và đạo Hồi.

Đền Ajanta và hang động Ellora với những bức vẽ trong hang động kỳ thú lưu giữ một vài trong số các tác phẩm điêu khắc tinh tế nhất thế giới. Một số danh thắng văn hóa khác bao gồm Quần thể Hang Elephanta ở Maharashtra, Đền thờ thần Mặt trời Konark và đền thờ Jagannath ở Orissa, Quần thể đền Khajuraho ở Madhya Pradesh, Đền Vàng ở Amritsar, Punjab, Các đền thờ Mamallapuram và Kanchipuram ở Tamil Nadu, Các đền đài ở Karnatka, v.v.

Ấn Độ còn được biết đến với những bãi biển đẹp như Goa, Mamallapuram, Kovalam, Pondicherry, Puri-Konark, v.v. Thêm vào đó, du lịch đảo còn phát triển ở Andaman/Nicobar và Lakshadweep.

Trên khắp đất nước là những khu bảo tồn động vật hoang dã rộng hàng nghìn km2. Tại đây, các loài động vật được sống trong môi trường tự nhiên. Mỗi khu bảo tồn lưu giữ một số loài động vật, trong đó có một loài là đặc trưng. Đôi khi, có cả những loài quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng. Chẳng hạn, Rừng Gir ở Gujarat là nơi cư trú duy nhất còn sót lại của loài sư tử châu Á; Manas và Kaziranga ở Assam là nơi sinh sống của một số lượng đáng kể tê giác một sừng, Periyar ở Kerela là nơi lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng loài voi hoang dã. Loài nai Thamin ở rừng quốc gia Keibul Lamjao – Manipur; hươu Hangul hay Kashmir ở Dachigam, Srinagar; linh dương ở Velavadhar - Gujarat. Đây là những nơi duy nhất còn lưu giữ được các loài vật này.

Địa hình đa dạng của Ấn Độ còn đem lại rất nhiều cơ hội cho du lịch mạo hiểm ngoài trời. Tất cả các sở thích đều được đáp ứng: từ những chuyến đi nhẹ nhàng nhất cho đến các hoạt động sôi nổi hơn; luôn luôn có điều gì đó cho mọi cấp độ năng lực: từ người mới bắt đầu cho đến người có kinh nghiệm. Ấn Độ không chỉ đem đến những thú vui mạo hiểm ngoài trời đa dạng, phong phú, mà mức giá du lịch ở đây cũng cực kỳ thấp so với tiêu chuẩn quốc tế.

Hoạt động du lịch mạo hiểm chính ở Ấn Độ bao gồm: đi thám hiểm và trượt tuyết trên dãy Himalayas, bơi thuyền ở Gangas, trượt nước ở Goa, câu cá hồi ở Himachal Pradesh và Uttar Pradesh, trượt tuyết ở Himachal Pradesh, lướt sóng, lặn và du thuyền ở các đảo Andamans & Lakshadweep, v.v.

(Theo indembassy.com.vn)

Lễ hội

Ấn Độ có ba ngày nghỉ lễ quốc gia. Những ngày lễ khác, từ chín đến mười hai, gắn liền với các lễ hội, ngày lễ tôn giáo và ngày sinh các lãnh đạo được quy định theo từng bang.

* Ngày cộng hòa 26/1: Kỷ niệm ngày Hiến pháp Ấn Độ bắt đầu có hiệu lực từ năm 1950

* Ngày độc lập 15/8: Kỷ niệm ngày Ấn Độ giành lại độc lập từ Đế Quốc Anh năm 1947.

* Gandhi Jayanti 2/10 : Ngày sinh Mahatma Gandhi.