Cộng hòa Pháp

Cộng hòa Pháp

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Cộng hòa Pháp Biểu tượng của nước Pháp, Tháp Eiffel. (Nguồn: Internet)

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Cộng hòa Pháp.

- Tên nước: Cộng hoà Pháp (Republic of France)

- Ngày quốc khánh: 14/7/1790

- Thủ đô: Paris

- Vị trí địa lý: Nằm ở Tây châu Âu; phía Tây giáp Đại Tây Dương; phía Bắc giáp biển Manche; phía Đông giáp Bỉ, Đức, Thụy Sĩ, Italy; phía Nam giáp Tây Ban Nha và Địa Trung Hải.

- Diện tích: 674.843km2

- Khí hậu: Ôn đới, mùa đông lạnh và mùa hè ôn hòa, nhưng ở khu vực dọc theo Địa Trung Hải mùa đông ôn hòa và mùa hè nóng.

- Dân số: 65.447.374 (con số ước lượng đến 2010)

- Dân tộc:  Người Pháp (87%), người Arập (3%), người Đức (2%), các dân tộc khác (8%).

- Hành chính: Pháp được chia thành 26 vùng hành chính: 22 trong lãnh thổ lục địa Pháp và 4 vùng hải ngoại. Các vùng được chia tiếp thành 100 khu vực. Các khu vực được đánh số (chủ yếu theo bảng chữ cái) và số này được dùng làm mã bưu chính cũng như mã trên bảng số xe.

Các khu vực lại được chia tiếp thành 342 quận, nhưng các quận không có hội đồng lập pháp theo bầu cử và chỉ là đơn vị hành chính của đất nước. Các quận được chia thành 4.035 tổng, các tổng này cũng chỉ có ý nghĩa hành chính. Cuối cùng, các tổng được chia thành 36.682 làng, đây là các chính quyền tự quản với hội đồng được bầu cử riêng biệt (hội đồng tự quản).

Vùng, Khu vực, và Làng được gọi là "các lãnh thổ tập thể" (collectivités territoriales), có nghĩa họ có một cơ quan hành pháp và lập pháp riêng biệt, trong khi các quận và tổng chỉ đơn giản là các đơn vị hành chính.

- Đơn vị tiền tệ:  đồng Euro

- Tôn giáo: Đạo Thiên chúa giáo (90%), Đạo Tin lành (2%), Đạo Do Thái (1%), Đạo Hồi (1%) ...

- Ngôn ngữ: Tiếng Pháp; các thổ ngữ Breton, Basque, Provencal cũng được sử dụng.
 

Địa lý

+ Vị trí địa lý: Pháp là một quốc gia nằm ở Tây Âu, giáp với Đại Tây Dương (Vịnh Biscay), và biển Manche giữa Bỉ và Tây Ban Nha, nằm về phía đông nam của Anh Quốc và giáp Địa Trung Hải giữa Italy và Tây Ban Nha.
   
 + Diện tích:  674.843km2. Pháp là quốc gia lớn nhất Tây Âu về diện tích.
   
 + Địa hình: Phần lớn là đồng bằng và đồi thấp ở phía Bắc và Tây
 
 * Độ cao so với mặt nước biển
 * Điểm thấp nhất: đồng bằng Sông Rhone -2 m
 * Điểm cao nhất: Mont Blanc 4,808 m
 
 + Khí hậu: nằm giữa vùng ôn đới vì vậy Pháp được thừa hưởng một nền khí hậu rất ôn hòa với bốn mùa rõ rệt. Mùa đông nhiệt độ trung bình từ 0-8 độ C, mùa hè nhiệt độ trung bình từ 16-24 độ C.
 
 Do địa lý mỗi vùng có sự khác nhau vì thế mà khí hậu cũng được phân biệt rất rõ rệt ở mỗi vùng : Khí hậu miền địa trung hải, khí hậu miền đại dương và khí hậu lục địa.
 
 Khu vực Bretagne và khu Normandie chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương ẩm ướt,mưa nhiều, phần lớn là chịu ảnh hưởng của gió tây, mùa đông không lạnh lắm, nhiệt độ trung bình 7 độ C, mùa hè mát nhiệt độ trung bình là 16 độ C
 
 Vùng Aquitaine chịu ảnh hưởng của vùng địa trung hải và một phần của đại dương vì vậy mùa xuân thường có mưa nhiều, quanh năm gió mát. Nhiệt độ trung bình thường là 5 độ C mùa đông và 22 độ C mùa hè
 
 Khu vực phía Đông và Đông Bắc lại được biết đến khí hậu bán lục địa. Mùa đông ở vùng này rất khắc nghiệt thường có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình vào mùa đông là -1 độ C. Mùa hè nắng nóng thường có giông. Nhiệt độ trung bình là 19 độ C
 
 + Tài nguyên: Pháp có nguồn tài nguyên đa dạng song lại tương đối hạn chế về số lượng.
 
 Pháp có một số lượng than đá, quặng sắt, bauxite, và uranium, nhưng các mỏ khoáng sản trên lại nằm sâu dưới lòng đất gây khó khăn trong khai thác, đồng thời các mỏ khoáng sản trên cũng không thích hợp cho ngành sản xuất thép.
 
 Dầu mở gần như không có, trong khi đó khí đốt phát hiện (1951) tại Lacq thuộc Pyrénées hiện nay gần như cạn kiệt. Thủy điện mặc dù rất phát triển song vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu trong nước.
 
 Gần một nửa nước Pháp là diện tích đất nông nghiệp lớn, tạo điều kiện để phát triển nghề trồng trọt, tạo giá trị thặng dư trong nông nghiệp. Hiện, Pháp là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới.
 

Lịch sử

Lịch sử nước Pháp bắt đầu từ nước Gaule cổ, từng là nơi sinh sống của người Gaule Celt. Gaule bị La Mã của Julius Caesar chinh phục vào thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, và người Gaule sau này đã chấp nhận ngôn ngữ Roma (Latinh, đã du nhập vào ngôn ngữ Pháp) và văn hóa Roma.
 
 Thiên chúa giáo bắt đầu bén rễ tại đây từ thế kỷ thứ 2 và thứ 3 sau Công Nguyên. Ở Thời trung cổ, người Pháp đã chứng minh điều này khi tự gọi mình là “Vương quốc Pháp Thiên chúa giáo nhất.”
 
 Ở thế kỷ thứ 4 sau Công Nguyên, biên giới phía đông của Gaule dọc theo sông Rhine bị các bộ lạc Germanic, chủ yếu là người Franks, xâm chiếm, và đó chính là nguồn gốc cho chữ "Francie." Cái tên "France" xuất phát từ tên một vương quốc phong kiến của các vị vua Capetian nước Pháp xung quanh Paris. Vương quốc này tồn tại như một thực thể riêng biệt từ Hiệp ước Verdun (843), sau khi Charlemagne phân chia đế chế Carolingian thành Đông Francia, Trung Francia và Tây Francia. Tây Francia chiếm vùng gần tương đương lãnh thổ nước Pháp hiện đại ngày nay.
 
 Người Carolingian cai trị Pháp cho tới năm 987, khi Hugues Capet, Công tước Pháp và Bá tước Paris, lên ngôi Vua Pháp. Những thế hệ sau của ông, các triều đại Capetian, Valois và Bourbon dần thống nhất đất nước thông qua hàng loạt các cuộc chiến tranh và những vụ thừa kế đất đai. Chế độ phong kiến phát triển đỉnh điểm ở thế kỷ 17 thời vua Louis XIV. Ở giai đoạn này Pháp có dân số đông nhất Châu Âu (xem Nhân khẩu Pháp) và có ảnh hưởng to lớn tới chính trị, kinh tế và văn hóa Châu Âu. Tới cuối thời kỳ này, Pháp đóng vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Mỹ khi cung cấp tiền và một số vũ khí cho những người khởi nghĩa chống Anh.
 
 Chế độ quân chủ tồn tại cho tới cuộc Cách mạng Pháp, năm 1789. Vua Louis XVI và vợ ông, Marie Antoinette, bị giết cùng hàng nghìn công dân Pháp khác. Sau thời gian của một loạt những chính phủ tồn tại ngắn ngủi, Napoléon Bonaparte nắm quyền kiểm soát nền Cộng hòa năm 1799, tự phong mình làm Tổng tài, và sau này là Hoàng đế của cái hiện được gọi là Đế chế Pháp thứ nhất (1804–1814). Trong thời của các cuộc chiến tranh, quân đội của ông đã chinh phục hầu hết lục địa Châu Âu và các thành viên gia đình Bonaparte được chỉ định làm vua tại các vương quốc mới được thành lập.
 
 Sau khi Napoleon bị đánh bại năm 1815 tại Trận Waterloo, quân chủ Pháp được tái lập. Năm 1830, một cuộc khởi nghĩa dân sự đã thành lập ra Quân chủ tháng 7 lập hiến, tồn tại tới năm 1848. Nền Cộng hòa thứ hai ngắn ngủi chấm dứt năm 1852 khi Louis-Napoléon Bonaparte tuyên bố thành lập Đế chế Pháp thứ hai. Louis-Napoléon bị hất cẳng sau khi thua trận trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 và bị thay thế bởi nền Cộng hòa thứ ba.
 
 Pháp sở hữu các thuộc địa dưới nhiều hình thức từ đầu thế kỷ 17 cho tới tận thập kỷ 1960. Trong thế kỷ 19 và 20, đế chế thuộc địa toàn cầu của họ lớn thứ hai thế giới chỉ sau Đế chế Anh. Thời đỉnh điểm, giữa năm 1919 và 1939, đế chế thuộc địa Pháp thứ hai vượt quá 12.347.000km2 đất liền. Gồm cả lãnh thổ lục địa Pháp, tổng diện tích đất liền thuộc chủ quyền Pháp đạt tới 12.898.000km2  trong thập kỷ 1920 và 1930, chiếm 8.6% diện tích đất liền thế giới.
 
 Dù là nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp phải chịu những tổn thất to lớn cả về con người và vật chất khiến họ trở nên suy yếu trong những thập kỷ tiếp sau. Những năm 1930 được đánh dấu bởi nhiều cuộc cải cách xã hội do Chính phủ Mặt trận Bình dân đưa ra.
 
 Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, sau một một trận đánh ngắn, dữ dội và mang tính sai lầm chiến lược, giới lãnh đạo Pháp đã quyết định đầu hàng Đức năm 1940. Chính sách hợp tác với kẻ thù, một hành động khiến một số người phản đối, dẫn tới việc thành lập Các lực lượng Pháp Tự do bên ngoài nước Pháp và Kháng chiến Pháp ở bên trong. Pháp được Đồng Minh giải phóng năm 1944.
 
 Nền Đệ tứ Cộng hòa Pháp được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, và đấu tranh nhằm lấy lại vị thế kinh tế, chính trị của một cường quốc. Từ năm 1954, thất bại của Pháp trong trận chiến ở Điện Biên Phủ, Việt Nam mở đường cho làn sóng giành độc lập ở một loạt các nước thuộc địa của Pháp ở châu Á, châu Phi.
 
 Năm 1958, nền Đệ tứ Cộng hòa ốm yếu và bất ổn phải nhường chỗ cho nền Đệ Ngũ Cộng hòa, với việc mở rộng quyền lực tổng thống; trong vai trò này, Charles de Gaulle đã tìm cách củng cố đất nước và tiến hành những bước đi nhằm chấm dứt chiến tranh.
 
 Trong những thập kỷ gần đây, sự hòa giải và hợp tác của Pháp với Đức đóng vai trò trung tâm của họ trong việc hội nhập chính trị và kinh tế của Liên minh châu Âu, gồm việc phát hành đồng tiền chung châu Âu, euro, tháng Giêng năm 1999. Pháp luôn là nước đứng đầu trong số các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu tìm cách khai thác lợi thế của một đồng tiền chung nhằm tạo ra một Liên minh châu Âu với quan điểm thống nhất, đồng nhất chính trị, quốc phòng và an ninh ở mức cao hơn.

Chính trị

Thể chế chính trị:  Cộng hòa
 
 * Hiến pháp:  Thông qua ngày 28/9/1958; sửa đổi vào các năm: năm 1962, năm 1992, năm 1993.
 
 * Cơ quan lập pháp:  Quốc hội gồm hai viện. Thượng viện (các thành viên được bầu gián tiếp thông qua cử tri đoàn, nhiệm kỳ 9 năm; 3 năm bầu lại 1/3 số ghế. Hạ viện (các thành viên được bầu theo phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm, có thể bãi miễn Chính phủ bằng việc bỏ phiếu bất tín nhiệm).
 
 * Cơ quan hành pháp: + Đứng đầu Nhà nước: Tổng thống. Tổng thống được bầu bằng phổ thông đầu phiếu trực tiếp, nhiệm kỳ 5 năm. Tổng thống có quyền bổ nhiệm Thủ tướng, chủ trì Hội đồng Bộ trưởng, giải tán Quốc hội và quyết định tổ chức trưng cầu dân ý và các vấn đề quan trọng.
 
 + Đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng. Thủ tướng do đa số Quốc hội chọn lựa và được Tổng thống bổ nhiệm.
 
 Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội, giữ quyền xây dựng luật trong phạm vi của mình và đảm bảo thi hành pháp luật.
 
 * Cơ quan tư pháp: Tòa Thượng thẩm tối cao, các Thẩm phán được Tổng thống bổ nhiệm theo đề cử của Hội đồng thẩm phán cấp cao; Hội đồng Hiến pháp.
 
 * Chế độ bầu cử:  Phổ thông đầu phiếu, cử tri từ 18 tuổi trở lên.
 
 * Các đảng phái lớn: Đảng Xã hội (PS), Đảng Cộng sản Pháp (PCF), Đảng Xanh (PG), Phong trào Cộng hoà và Công dân, Đảng cánh tả cấp tiến, Đảng Đấu tranh công nhân, Đảng Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP), Đảng Mặt trận quốc gia, Đảng Liên minh vì nền dân chủ Pháp (UDF)...
 

Kinh tế

Pháp là cường quốc kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. Pháp đã kết hợp lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng mạnh với hệ thống các cơ sở công nghiệp đa dạng và nguồn lực nông nghiệp lớn. Pháp có số lượng lớn các doanh nghiệp có mặt trong số những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong tất cả các lĩnh vực.
 
 Tốc độ tăng trưởng GDP của Pháp năm 2006 tăng 1,9%. Năm 2008, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, GDP của Pháp chỉ tăng 0,7% sau khi đạt mức tăng 2,1% trong năm 2007. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức: 7,4%.
 
 * Về Công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 20,4% GDP và thu hút 24,3% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Sắt, thép, máy móc thiết bị, hóa chất, ô tô, kim loại, máy bay, điện, khoáng chất, hàng dệt, thực phẩm…
 
 Pháp có nền công nghiệp đứng hàng thứ 5 trên thế giới. Các ngành mũi nhọn là chế tạo cơ khí, sản xuất ô tô (đứng thứ 4 thế giới), hàng không (đứng hàng thứ 3 thế giới), thiết bị giao thông vận tải (xe lửa cao tốc, tàu điện ngầm), công nghiệp dược phẩm (đứng thứ 5 thế giới), mỹ phẩm cao cấp… Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các hoạt động công nghiệp của Pháp ( trừ ngành năng lượng và chế biến nông sản), đã giảm 8,6% trong quý IV/2008 so với 3 quý trước đó. Riêng ngành công nghiệp ô tô Pháp đã tuột dốc một cách thê thảm với mức giảm 32,5%.
 
 * Về Nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 2% GDP và thu hút 3,8% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Lúa mì, ngũ cốc, củ cải đường, khoai tây, rượu nho; thịt bò, các sản phẩm bơ sữa, cá.
 Pháp là nước đứng đầu Châu Âu về sản xuất và xuất khẩu nông sản. Hàng năm, Pháp xuất siêu khoảng 6,6 tỷ USD hàng nông sản.
 
 * Về Dịch vụ-Du lịch: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ, du lịch chiếm 77,6% GDP và thu hút 71,8% lực lượng lao động.
 
 Pháp là nước có nguồn lãi về du lịch đứng hàng đầu thế giới (thu hút 60 triệu khách/năm).
 
 * Xuất khẩu: 601,9 tỷ USD (năm 2008).
 
 Xuất khẩu của Pháp đứng thứ 4 thế giới, chiếm 5,3% thị trường thế giới.
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chính: Máy móc và thiết bị giao thông, hóa chất, thực phẩm, các sản phẩm nông nghiệp, rượu, sắt và thép, hàng dệt và quần áo.
 
 - Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Đức (14,3%), Tây Ban Nha (8,3%), Italy (8,7%), Anh (7,8%), Bỉ (7,6%), Mỹ (5,8%), Hà Lan (4,2%).
 
 * Nhập khẩu: 692 tỷ USD (năm 2008).
 
 Nhập khẩu của Pháp cũng đứng thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Đức, Nhật. 63% trao đổi mậu dịch của Pháp là với các đối tác trong EU.
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chính: Dầu thô, máy móc và thiết bị, các sản phẩm nông nghiệp, hóa chất, sắt và thép.
 
 - Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Đức (17,9%), Bỉ (11,7%), Italy (8,3%), Tây Ban Nha (6,9%), Hà Lan (6,8%), Anh (5,1%), Mỹ (4,3%), Trung Quốc (4%).
 
 * Giao thông-Vận tải:
 
 - Đường sắt: 29.213 km (năm 2008).
 
 - Đường bộ: 951.500 km (năm 2008).
 
 - Đường thủy: 8.500 km (năm 2008).

Văn hóa

Trong nhiều thế kỷ, nước Pháp là một trong những trung tâm sáng tạo văn hóa của thế giới. Nhiều nghệ sỹ Pháp đã từng là những người nổi tiếng nhất ở thời đại của họ, và nước Pháp đã được sự công nhận rộng rãi về sự phong phú, giàu bẳn sắc văn hóa truyền thống. Các chế độ chính trị Pháp kế tiếp nhau luôn khuyến khích sự sáng tạo nghệ thuật. Năm 1959, Bộ Văn hóa, cơ quan quản lý nhà nước chuyên về văn hóa lần đầu tiên được thành lập, đã góp phần quan trọng vào việc bảo vệ các di sản văn hóa của nước Pháp và đưa các di sản đó tới đại bộ phận công chúng Pháp.
 
 + Giáo dục: Tỷ lệ người biết đọc, biết viết: 99%.
 
 Học miễn phí và bắt buộc đối với lứa tuổi từ 6 đến 16. Hệ thống giáo dục được tập trung hóa cao độ. Pháp có hơn 60 trường đại học.
 
 + Hội họa
 
 Khởi nguyên của hội họa Pháp chịu ảnh hưởng nhiều từ hội họa cổ điển Italy. Hai họa sỹ Pháp nổi tiếng nhất thời Phục hưng là Nicolas Poussin và Claude Lorrain đã giành phần lớn thời gian ở Italy. Năm 1648, Thủ tướng dưới thời Louis XIV, Jean-Baptiste Colbert đã thành lập Viện Mỹ thuật và Điêu khắc Hoàng gia, để quy tụ, tập hợp các họa sỹ tài danh của nước Pháp, đồng thời năm 1666, ông còn mở Viện hàn lâm Pháp ở Rome để tạo sự giao lưu nghệ thuật với  các nghệ sỹ Italy.Nền hội họa cổ điển Pháp đã có sự phát triển theo sau hội họa cổ điển Italy tới phong cách sáng tác "rococo" (phong cách trang trí tinh xảo trên vật dụng) phổ biến ở thế kỷ 18. Các họa sỹ nổi tiếng thời kỳ này là Antoine Watteau, François Boucher và Jean-Honoré Fragonard.
 
 Cuộc Cách mạng Pháp đã mang tới nhiều sự thay đối, khi Napoleon I trọng dụng những nhà hội họa của trường phái Tân Cổ điển, như họa sỹ  Jacques-Louis David.
 
 Khoảng giữa thế kỷ 18, hội họa Pháp chứng kiến sự lên ngôi của hai trường phái hội họa kế tiếp nhau, đó là trường phái hội họa theo chủ nghĩa lãng mạn với hai đại biểu tiêu biểu là Théodore Géricault và Eugène Delacroix; trường phái hội họa hiện thực với các đại biểu là Camille Corot, Gustave Courbet và Jean-François Millet.
 
 Nửa cuối thế kỷ 18, Pháp trở thành trung tâm sáng tạo nghệ thuật của châu Âu. Nhiều phong cách hội họa được phát triển nở rộ ở thời kỳ này. Cũng trong thời kỳ này, hội họa Pháp có một lượng lớn các danh họa theo trường phái ấn tượng, như các danh họa: Camille Pissarro, Édouard Manet, Edgar Degas, Claude Monet, Auguste Renoir.
 
 Đầu thế kỷ 19, xu hướng mỹ thuật lập thể phát triển trong hội họa Pháp với các đại biểu là Georges Braque và Pablo Picasso. Trong thời kỳ này, Pháp đã trở thành điểm đến sáng tác của các danh họa nước ngoài như Vincent van Gogh, Marc Chagall và Wassily Kandinsky.
 
 Nhiều bảo tàng ở Pháp đã tập hợp được một phần hoặc toàn bộ nhiều tác phẩm hội họa ở nước này. Viện Bảo tàng Quốc gia  Louvre là nơi lưu giữ bộ sưu tập đồ sộ các kiệt tác hội họa cổ điển Pháp được sưu tập trong nhiều thế kỷ từ thế kỷ 18. Trong số các kiệt tác hội họa được trưng bày ở bảo tàng Louvre phải kể tới bức danh họa Mona Lisa (hay La Joconde) của đại danh họa Leona de Vinci.
 
 Bên cạnh bảo tàng Louvre lưu giữ các tác phẩm hội họa cổ điển, Pháp còn có bảo tàng Orsay, khánh thành năm 1986 lưu giữ các tác phẩm hội họa Cận đại ở nửa cuối thế kỷ 19 (các tác phẩm phần lớn theo chủ nghĩa ấn tượng và trường phái dã thú). Các tác phẩm hội họa hiện đại được lưu giữ, trưng bày tại Trung tâm nghệ thuật và văn hóa quốc gia Georges-Pompidou.
 
 Ba bảo tàng nghệ thuật Quốc gia trên hàng năm đón một lượng khách khổng lồ tới 17 triệu lượt khách.
 
 + Kiến trúc Pháp từ nửa sau thế kỉ XII, một kiẻu kiến trúc mới gọi là kiến trúc Gothic xuất hiện ở miền Bắc nước Pháp và sau đó được áp dụng rộng rãi ở các nước Tây Âu. Đặc điểm của lối kiến trúc này là vòm cửa nhọn, mái nhọn, cửa sổ lớn và nhiều màu để có nhiều ánh sáng bên trong, bên ngoài có tháp cao vút, trước cửa lại được trang trí bằng nhiều bức phù điêu sinh động. Hàng trăm lâu đài, thành trì, những dãy nhà cổ tại Pháp đều mang dáng vẻ đặc biệt và tồn tại song song cùng những công trình đồ sộ, tiêu biểu cho cả nền kiến trúc hiện đại của nhân loại như tháp Eiffel, đại lộ Champs Elyseés, Cung Lễ hội và Đại hội - nơi diễn ra các sự kiện văn hóa thế giới.
 
 + Thừa hưởng nhiều tinh hoa từ nền văn minh Hy Lạp-La Mã cổ đại, nền văn học Pháp thật sự phát triển và mang dấu ấn riêng từ khoảng thế kỉ XIX và phát triển rực rỡ nhất vào đầu thế kỉ XIX. Những tác phẩm văn học Pháp phản ánh tâm tư, hiện thực xã hội Pháp trong từng giai đoạn, từ đó vẽ nên bức tranh toàn cảnh của xã hội châu Âu, như: Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Ba chàng lính ngự lâm, Đỏ và đen, tấn trò đời. Ở Pháp đã có hơn 200 tên tuổi được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có các nhà văn tiêu biểu như Victor Hugo, Balzac…
 
 + Âm nhạc: Âm nhạc của Pháp là sự pha trộn của nhiều phong cách âm nhạc khác nhau, mang một chút của nhạc Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á. Pháp được coi là trung tâm âm nhạc ở châu Âu. Corsica và Vùng núi Auvergne là các khu vực bảo tồn thể loại nhạc dân ca và truyền thống của Pháp với hai loại nhạc cụ chính là piano và ăccoc. Nhạc opera của Pháp cũng rất nổi tiếng.
 
 + Điện ảnh: Pháp có nền điện ảnh thuộc hàng lâu đời nhất thế giới. Vào cuối thế kỉ 19 nước Pháp đã đóng góp rất nhiều nghệ sỹ tiên phong trong việc hình thành điện ảnh hiện đại. Trong số họ trước hết phải kể đến Anh em nhà Lumière, những người phát minh ra kỹ thuật điện ảnh hiện đại (1895). Liên hoan phim Cannes là một trong những liên hoan phim quốc tế danh tiếng nhất thế giới.
 
 Thị trường điện ảnh Pháp những năm sau Thế chiến thứ hai bị thống trị bởi các bộ phim Mỹ. Để tổ chức lại và hỗ trợ điện ảnh nội địa, Trung tâm điện ảnh quốc gia (Centre national de la cinématographie - CNC) trực thuộc Bộ Văn hóa được chính phủ Pháp thành lập năm 1946, đến năm 1948 một loại thuế mới được đưa ra đánh vào tiền bán vé để đầu tư ngược lại cho công nghiệp điện ảnh Pháp. Để chống lại sự lấn át của các bộ phim Mỹ kinh phí lớn, các nhà điện ảnh Pháp cũng tăng cường hợp tác với nền điện ảnh láng giềng của Italy, rất nhiều sản phẩm hợp tác đã làm hai nền điện ảnh hàng đầu của châu Âu này gắn bó với nhau hơn, những ngôi sao điện ảnh lớn như Alain Delon của Pháp hay Gina Lollobrigida của Italy thường tham gia trong các phim của nước kia.
 
 Để quảng bá cho điện ảnh Pháp, Liên hoan phim Cannes được đầu tư đáng kể và nhanh chóng vượt qua Liên hoan phim Venezia để trở thành liên hoan phim uy tín nhất thế giới. Phê bình phim của Pháp cũng phát triển khá nhanh, các tạp chí phê bình như Revue du cinéma, Cahiers du cinéma hay Positif đều có chất lượng rất tốt. Nhờ những biện pháp khác nhau như vậy nên công nghiệp điện ảnh Pháp bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại; trong thập niên 1950, số lượt người đến rạp đạt trung bình khoảng 400 triệu lượt người một năm.
 
 Thập niên 1950 của điện ảnh Pháp được đặc trưng bằng những bộ phim "chất lượng kiểu Pháp" (qualité française), đó là những bộ phim có phần kịch bản được chuẩn bị rất kĩ lưỡng (thường là được chuyển thể từ tác phẩm văn học) và chất lượng nhưng lại yếu về phần thực hiện và lời thoại. Theo đạo diễn nổi tiếng, đồng thời là nhà phê bình phim François Truffaut thì trong những bộ phim kiểu này, đạo diễn chỉ như những kĩ thuật viên có nhiệm vụ dàn dựng kịch bản và đảm bảo chất lượng hình ảnh. Tiêu biểu cho các bộ phim "chất lượng kiểu Pháp" là Le Diable au corps của Claude Autant-Lara, La Symphonie pastorale của Jean Delannoy hay Jeux interdits của René Clément.
 
 Cuối những năm 1950, một trào lưu điện ảnh mới đã xuất hiện ở Pháp, đó là trào lưu Làn sóng mới (Nouvelle Vague). Trào lưu này đã đem lại cuộc cách mạng về cách thực hiện các bộ phim bao gồm dàn dựng và quay phim.
 
 Các bộ phim lịch sử hay phim "kiếm và áo choàng" (film de cape et d'épée) là thể loại rất được ưa thích trong những năm 1950, 1960. Bộ phim mở màn cho xu hướng này là tác phẩm nổi tiếng của Gérard Philipe, Phăngphăng hoa Tuylip (Fanfan la Tulipe, 1952). Một loạt phim lấy bối cảnh lịch sử được sản xuất sau đó như Ba chàng lính ngự lâm (Les Trois Mousquetaires, 1953) của André Hunebelle, Tử tước de Bragelonne (Le Vicomte de Bragelonne, 1954) của Fernando Cerchio hay Những cuộc phiêu lưu của Gil Blas de Santillane (Les Aventures de Gil Blas de Santillane, 1956) của René Jolivet và Ricardo Muñoz Suay.
 
 Để quảng bá cho điện ảnh nội địa, Viện Hàn lâm Kỹ thuật và Nghệ thuật Điện ảnh (Académie des arts et techniques du cinéma) lấy mô hình của Giải Oscar thành lập Giải César vào năm 1976 với những buổi lễ trao giải lộng lẫy, các ngôi sao bước trên thảm đỏ. Liên hoan phim Cannes cũng được đầu tư để giữ vững vị thế liên hoan phim hàng đầu thế giới, bên cạnh đó là một loạt liên hoan phim mới được tổ chức như Liên hoan điện ảnh Paris (Festival Paris Cinéma) hay Liên hoan phim Mỹ tại Deauville (Festival du cinéma américain de Deauville).

Ẩm thực

Một trong những tài sản lớn nhất của Pháp chính là nghệ thuật ẩm thực phong phú. Sự nổi tiếng của món ăn Pháp không dựa trên truyền thống lâu đời mà là ở sự thay đổi liên tục. Người Pháp thường dùng thực phẩm đóng hộp và đông lạnh nhưng bữa tối hay cuối tuần thì lại dùng thực phẩm tươi sống.
 
 Người Pháp luôn bắt đầu một ngày với bữa sáng nhẹ gồm bánh mỳ hoặc ngũ cốc, càphê, trái cây hoặc bánh sừng bò. Bữa trưa được dùng từ trưa tới 2 giờ chiều và bữa tối là bữa ăn cuối cùng trong ngày. Một bữa ăn điển hình gồm món khai vị, thường là rau để sống hoặc salát, một món chính là thịt hoặc cá dùng với rau, mì ống, cơm hoặc thịt rán và tráng miệng với phomát, trái cây hoặc bánh.
 
Văn hóa uống rượu đã hình thành từ lâu ở Pháp, mặc dù việc tiêu thụ đồ uống này đã giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên vẫn có những người dân Pháp uống rượu hàng ngày. Bia đã trở thành đồ uống khá phổ biến đặc biệt là trong giới trẻ. Cũng có những đồ uống phổ biến khác như rượu pha hạt anit dùng với nước lạnh, hoặc rượu táo một thức uống cũng khá phổ biến ở vùng Tây Bắc.

Điểm du lịch

Pháp không chỉ được biết đến bởi những biểu tượng kiêu hãnh như Tháp Eiffel, dòng sông Seine thơ mộng, Nhà thờ Đức Bà Paris cổ kính... Với những khoảng không gian ấn tượng nơi đây, du khách sẽ được đắm mình trong những cung bậc cảm xúc khác nhau trên đất nước lãng mạn và hoa lệ này.
 
Paris – “kinh đô của ánh sáng” luôn hấp dẫn khách du lịch bởi những công trình kiến trúc, các lâu đài, các đài kỷ niệm tuyệt đẹp luôn rực rỡ, lung linh trong ánh đèn vào ban đêm… và những mặt hàng sang trọng như nước hoa, nữ trang và y phục thời trang. Khi đến Paris thì Tháp Eiffel (La Tour Eiffel), Khải Hoàn Môn (Arc de Triomphe), Nhà thờ Đức Bà (Cathédrale de Notre Dame) và bảo tàng Louvre (Palais du Louvre)... luôn là địa điểm thu hút, hấp dẫn nhất.
 
Đặc biệt, với bảo tàng Louvre nằm bên bờ Bắc sông Seine, tại nơi đây du khách có thể chiêm ngưỡng những báu vật được coi là tuyệt tác quý giá của nhân loại trong đó có tác phẩm “Mona Lisa” của Leonardo da Vinci, hai bức tượng bất hủ “Nữ thần Venus” và “Nữ thần chiến thắng” của Hy Lạp. Chính vì vậy Louvre hoàn toàn xứng đáng là viện bảo tàng lớn nhất và danh tiếng nhất trên thế giới.
 
 Một địa điểm nữa đó là đền thờ Trái tim cực Thánh (Basilique du Sacré Coeur) còn có tên gọi khác là Nhà thờ Thánh tâm được xây theo kiểu thức La Mã – Byzantine tuyệt đẹp nhờ tọa lạc trên ngọn đồi Montmartre.
 
Còn nếu du khách thích cảm nhận không khí của sự xa hoa, hào nhoáng với các ngân hàng, cửa hàng thời trang, đại siêu thị cũng như những điểm ăn chơi của giới thượng lưu, du khách chỉ cần đến với đại lộ Champs Elyseés.
 
Đi cách Paris khoảng 700km đến với thành phố nhỏ miền Tây Nam nước Pháp, một lần nữa chắc chắn du khách sẽ bị cuốn hút ngay bởi Carcassonne - thành phố pháo đài, nơi cho du khách chiêm ngưỡng một vẻ đẹp Trung cổ đích thực.
 
Sừng sững một tòa thành còn nguyên vẹn nằm trên đồi cao được xây bằng đá hộc màu xám với một vẻ đẹp kiến trúc tân Gôtích điển hình. Ngày nay, du khách sẽ thấy nguyên vẹn những nét cổ kính không lai tạp của một tòa thành trải dài hơn 2,6km. Ngoài khía cạnh pháo đài phòng thủ, Carcassonne còn là một thành phố nhỏ bên trong với những phố hẹp, quanh co, lát đá, những giếng nước công cộng có thành đá cao, quảng trường, nhà cổ lợp mái ngói âm dương.
 
Còn những địa điểm du lịch hấp dẫn đã được công nhận là di sản thế giới tại Pháp như: lâu đài Fontainebleau tại thành phố Fontainebleau, tu viện Fontenay ở Marmagne thuộc Bourgogne miền Trung nước Pháp, thung lũng sông Loire, Quảng trường Stanislas ở trung tâm thành phố Nancy vùng Lorraine hay cầu Gard (Pont du Gard) ba tầng nằm ở phía Nam nước Pháp thuộc Vers-Pont-du-Gard, Pyrénées-Mont Perdu…

Lễ hội

Pháp là một nước có nhiều lễ hội, nhiều thành phố tổ chức các sự kiện âm nhạc, múa hát, kịch, phim và nghệ thuật mỗi năm. Các lễ hội được biết đến nhiều ở Pháp như:
 
 - Ngày Bastille
 
 - Liên hoan phim Cannes
 
 - Liên hoan nhạc Jazz tại Nice
 
 *Ngày nghỉ/lễ tết ở Pháp
 
 1 tháng 1: Tết
 
 Cuối tháng 3/ tháng 4: Chủ nhật và thứ 2 thuộc Lễ phục sinh
 
 1 tháng 5: Quốc tế lao động
 
 8 tháng 5: Ngày chiến thắng 1945
 
 Tháng 5 (40 ngày sau Lễ phục sinh): Thứ 3 Lễ thăng thiên
 
 Giữa tháng 5 - giữa tháng 6: Ngày Chủ Nhật thứ bảy sau Lễ phục sinh: Chủ Nhật và thứ Hai Lễ hiện xuống
 
 14 tháng 7: ngày Quốc khánh
 
 15 tháng 8: Lễ Đức mẹ thăng thiên
 
 1 tháng 11: Ngày lễ các thánh
 
 11 tháng 11: Ngày tưởng nhớ
 
 25 tháng 12: Lễ giáng sinh