Cộng hòa Phần Lan

Cộng hòa Phần Lan

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Phần Lan

Thứ hai 06/12/2010 | 12:29:33

Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Phần Lan trên nhiều lĩnh vực đang phát triển tích cực.

Quan hệ chính trị, ngoại giao

Phần Lan lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 25/01/1973.

Phần Lan mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 1974 và Việt Nam mở Đại sứ quán tại Helsinki vào cuối năm 2005.

Quan hệ kinh tế-thương mại

Về thương mại, năm 2009, kim ngạch thương mại hai nước đạt 229 triệu USD (trong đó xuất khẩu giảm 11%, nhập khẩu tăng 23% so với năm 2008).

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Phần Lan gồm hải sản, càphê, caosu, giầy dép các loại và hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, xe đạp và phụ tùng xe đạp...

Việt Nam nhập từ Phần Lan các thiết bị máy, phương tiện vận tải, thiết bị thông tin (chiếm 80-85% kim ngạch), nguyên phụ liệu dệt may da, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép các loại, bột giấy...

Một số các sản phẩm quen thuộc của Phần Lan trên thị trường Việt Nam như điện thoại Nokia, điện thoại Vertu, vợt tennis Wilson, tiền xu của Việt Nam hiện được đúc tại Phần Lan, cá hồi Sapa, kẹo Xyliton, phần mềm Linux, máy hàn Kemppi...

Về đầu tư, đến nay đầu tư trực tiếp của Phần Lan vào Việt Nam mới chỉ đạt khoảng trên 60 triệu USD.

Viện trợ không hoàn lại

Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1973, Phần Lan luôn ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ khó khăn, bị bao vây, cấm vận trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay và “không áp đặt các điều kiện về chính trị trong chính sách viện trợ.”

Phần Lan đã xóa nợ trên 40 triệu USD cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam là một trong tám nước (một trong hai nước ở châu Á) được chọn là đối tác về hợp tác phát triển của Phần Lan.

Trong giai đoạn 2007-2009, định hướng ưu tiên về hợp tác giữa hai nước hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo và gồm ba lĩnh vực, đó là phát triển nông thôn tổng hợp bao gồm cả lâm nghiệp; Cấp thoát nước và xử lý chất thải; Nâng cao năng lực và hỗ trợ cải cách.

Tại hội nghị CG tháng 12/2009, Phần Lan cam kết hỗ trợ Việt Nam 49,58 triệu USD, mức cao nhất từ trước đến nay (cho đến nay, ODA của Phần Lan cho Việt Nam đã lên tới tổng cộng gần 400 triệu đôla Mỹ).

Theo kế hoạch, Phần Lan sẽ cung cấp ODA cho Việt Nam ở mức cao nhất từ trước đến nay trong khoảng 3 năm tới, sau đó sẽ giảm dần.

Trong giai đoạn 2009-2012, Phần Lan tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, lâm nghiệp, nước sạch và vệ sinh, khoa học công nghệ.

Phần Lan cũng đang xem xét điều chỉnh định hướng ODA cho phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, chuyển dần sang hỗ trợ 3 lĩnh vực chính như khu vực tư nhân, xã hội kiến thức và công nghệ thông tin.

Ngoài kênh hợp tác song phương, Phần Lan cũng trợ giúp cho Việt Nam thông qua các tổ chức đa phương như EC, Liên hợp quốc; các tổ chức tài chính quốc tế như ADB, WB; các tổ chức phi chính phủ và các chương trình hợp tác khu vực của Ủy ban sông Mê-kông, AITCV, ILO…

Vốn vay tín dụng ưu đãi

Nguồn vốn vay ưu đãi từ Phần Lan thông qua các hiệp định tín dụng khung ký giữa Bộ Tài chính và các ngân hàng Phần Lan. Đến nay tín dụng ưu đãi của Phần Lan đã sử dụng được cho 9 dự án (2 dự án mua trạm biến thể của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Cấp nước Tam Kỳ, Cấp nước Thái Bình, 02 trạm bơm nước mưa Hải Phòng, Cầu Rào 2, Điện khí hóa nông thôn, Nâng cấp hệ thống cung cấp và điều khiển lưới điện Miniscada, Trang thiết bị bệnh viện đa khoa Thanh Hóa).

Nhiều dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị để sử dụng nguồn tín dụng này như cấp nước thị xã Hưng Yên, Bắc Kạn, Tam Hiệp, thành phố Vinh; xây dựng nhà máy xử lý rác thải rắn Vĩnh Long và Bình Dương; nâng cấp các bệnh viện đa khoa Cao Bằng, Việt Tiệp, Đà Nẵng; thoát nước Điện Biên Phủ, Pleiku…

Tổng số các dự án được Chính phủ hai nước đưa vào danh sách ưu tiên về tín dụng ưu đãi hiện nay (trừ 4 dự án đã kết thúc) là trên hai mươi dự án với tổng số vốn ODA khoảng hơn 100 triệu USD, trong đó 4 dự án đang triển khai thực hiện, đã giải ngân, các dự án khác còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện.

Hợp tác giáo dục

Hiện nay có khoảng 500 học sinh, sinh viên Việt Nam học tập tại Phần Lan. Trong chuyến thăm Phần Lan của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân tháng 2/2009, hai bên đã ký Thỏa thuận khung về hợp tác giáo dục-đào tạo, theo đó, Phần Lan sẽ giúp ta đào tạo tiến sỹ trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, y tế, môi trường, lâm ngư nghiệp...

Hợp tác khoa học và công nghệ

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Phần Lan tháng 2/2008, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam-Phần Lan thay thế cho Bản ghi nhớ đã ký năm 1995. Trên tinh thần của Bản ghi nhớ, hai bên đã xây dựng "Chương trình Đối tác đổi mới Việt Nam-Phần Lan" (IPP).

Chương trình dự kiến được thực hiện trong 3 năm, từ 2009-2011, nhằm mục đích góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách về khoa học và công nghệ với trọng tâm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực quản lý khoa học và công nghệ; tăng cường liên kết hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Phía Phần Lan sẽ tài trợ 3 triệu EUR dưới hình thức viện trợ không hoàn lại (hỗ trợ kỹ thuật) cho chương trình.

Hợp tác lao động

Việt Nam là nước đầu tiên ngoài khu vực châu Âu đã đưa được 18 lao động sang Phần Lan theo hình thức hợp tác "lao động di cư" thí điểm của Phần Lan.

Tháng 12/2009, phía Phần Lan đã tiến hành đánh giá kết quả sơ bộ về hợp tác lao động trên với kết quả nhìn chung là khả quan. Tuy nhiên hiện nay, Hiện nay, Phần Lan đã tạm dừng chương trình này do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế.

Phần Lan cũng khẳng định Việt Nam nằm trong nhóm nước ưu tiên khi Phần Lan mở lại chương trình này trong thời gian sắp tới.

Hợp tác văn hóa-du lịch

Từ năm 2005 Việt Nam đã miễn thị thực cho công dân Phần Lan vào Việt Nam trong vòng 15 ngày. Năm 2009, lượng khách du lịch Phần Lan vào Việt Nam đạt trên 9.000 người.

Tháng 11/2008, Quỹ Juminkeko của Phần Lan đã phối hợp với Nhà xuất bản Văn học phát hành cuốn sử thi "Con cháu Mon Mân," được biên soạn dựa trên các sử thi cũng như các nguồn văn học dân gian khác của các dân tộc sống trên đất Việt Nam.

Ngày 09-18/6/2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Phần Lan đã tổ chức Triển lãm tranh Việt Nam đương đại trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa nhằm kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Phần Lan.

Cộng đồng người Việt tại Phần Lan

Cộng đồng người Việt Nam tại Phần Lan hiện có khoảng 5.000 người, trong đó có khoảng trên 1.600 người vẫn mang quốc tịch Việt Nam. Nhìn chung đa số người Việt tại Phần Lan đều chăm chỉ tập trung làm ăn và luôn hướng về Tổ quốc./.