Cộng hòa Liên bang Đức

Cộng hòa Liên bang Đức

Nhà khoa học Việt Nam gặp Tổng thống CHLB Đức

Thứ sáu 07/06/2013 | 09:54:00

Nhà khoa học Việt Nam gặp Tổng thống CHLB Đức (Ảnh: Văn Long-Thanh Hải/Vietnam+)

Ngày 6/6, Tổng thống Đức Joachim Gauck đã tiếp 550 nhà khoa học quốc tế, trong đó có phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Thế Hoàng.

Ngày 6/6, tại Lâu đài Bellevue ở Berlin, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Joachim Gauck đã thân mật tiếp 550 nhà khoa học quốc tế đến từ 74 quốc gia, trong đó có phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Thế Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương - Chỉnh hình thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 của Việt Nam.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, đây là cuộc tiếp đón truyền thống của Tổng thống Đức đối với những nhà khoa học xuất sắc từ khắp nơi trên thế giới từng được nhận học bổng hoặc giải thưởng khoa học của Quỹ Alexander von Humboldt.

Phát biểu tại cuộc đón tiếp, Tổng thống Gauck cho biết nước Đức rất cố gắng để tạo ra môi trường khoa học và nghiên cứu hấp dẫn nên đã thu hút được nhiều nhà khoa học sang học tập, nghiên cứu tại đây. Hệ thống khoa học Đức hiện nay có khả năng cạnh tranh hơn bao giờ hết.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Thế Hoàng cho biết ông rất tự hào được tham dự buổi tiếp của Tổng thống Đức Joachim Gauck. Điều này cho thấy nước Đức rất trân trọng các nhà khoa học và công tác nghiên cứu khoa học của họ.

Phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Thế Hoàng tốt nghiệp bác sỹ quân y năm 1987. Năm 1994, ông được nhận học bổng của Cơ quan trao đổi Hàn lâm khoa học Đức (DAAD) sang làm nghiên cứu sinh tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar thuộc trường Đại học tổng hợp Munich.

Năm 2006, ông được nhận học bổng Humboldt để tiếp tục tiến hành đề tài nghiên cứu tại Đức.

Sau đó, năm 2013, phó giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn Thế Hoàng đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng nghiên cứu khoa học Friedrich Wilhelm Bessel của Quỹ Alexander von Humboldt với đề tài nghiên cứu thuộc lĩnh vực y học tái sinh “Tân tạo tuần hoàn trong vạt vi phẫu chủ động và nuôi cấy tế bào trên khuôn vật liệu sinh học để tạo các tổ chức sống mới có cấu trúc không gian ba chiều được nuôi dưỡng dạng trục mạch."

Quỹ Alexander von Humboldt hiện đã xây dựng được một mạng lưới gồm hơn 26.000 nhà khoa học đến từ 130 quốc gia trên thế giới.

Trong số những người đã nhận học bổng Humboldt hoặc giải thưởng nghiên cứu khoa học của Quỹ Alexander von Humboldt, có 49 người sau đó được trao giải Nobel./.

(TTXVN)