Cộng hòa Liên bang Đức

Cộng hòa Liên bang Đức

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Cộng hòa Liên bang Đức Cổng Brandenburg ở thủ đô Berlin, Đức.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Cộng hòa Liên bang Đức.

- Tên nước: Cộng hòa Liên bang Đức (Federal Republic of Germany).

- Ngày quốc khánh: 3/10/1990 (Ngày thống nhất nước Đức).

- Thủ đô: Berlin

- Vị trí địa lý: Nằm ở trung tâm Châu Âu; phía Bắc giáp Đan Mạch, trông ra Biển Bắc và biển Baltic; phía Tây giáp Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp; phía Nam giáp Thụy Sĩ và Áo; phía Đông giáp Séc và Ba Lan. Vì vậy, Đức được coi là nước có vị trí bản lề giữa Tây Âu và Đông Âu; giữa bán đảo Scandinavia và khu vực Địa Trung Hải.

- Diện tích: 357.021km2

- Khí hậu:Nước Đức thuộc về vùng khí hậu ôn hòa Trung Âu, trong khu vực của vùng gió Tây và nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa khí hậu biển trong Tây Âu và khí hậu lục địa trong Đông Âu.

- Dân số: 81.757.600 (con số ước lượng đến 2010)

- Dân tộc:  Người Đức (91,5%); người Thổ Nhĩ Kỳ (2,4%); các dân tộc khác (6,1%). 

- Hành chính: Nước Đức có tất cả 16 bang mà trong đó có 5 bang được chia thành 22 vùng hành chính.

- Đơn vị tiền tệ: đồng Euro

- Tôn giáo: Đạo Tin lành (34%), Đạo Thiên chúa (34%), Đạo Hồi (1,7%), tôn giáo khác hoặc không xác định (26,3%).

- Ngôn ngữ: Tiếng Đức.

Địa lý

+ Vị trí địa lý: Nước Đức nằm trong Trung Âu. Phía bắc Đức có ranh giới với Đan Mạch (có chiều dài 67km), về phía đông-bắc là Ba Lan (442 km), về phía đông là Séc 811 km), về phía đông nam là Áo (815 km không kể ranh giới trên hồ Bodensee), về phía nam là Thụy Sĩ (316 km, với biên giới của lãnh thổ bên ngoài (tiếng Anh: exclave) Büsingen nhưng không kể ranh giới trên hồ Bodensee), về phía tây nam là Pháp (448 km), về phía tây là Luxembourg (135 km) và Bỉ (156 km) và về phía tây bắc là Hà Lan (567km).
 
 + Diện tích:357.021km2.
 
 + Địa hình: Địa hình thay đổi đặc biệt là theo hướng từ Bắc vào Nam vì địa thế có chiều hướng cao hơn và dốc hơn về phía Nam. Phần miền Bắc của nước Đức, vùng đồng bằng Bắc Đức, là một vùng đồng bằng mà phần lớn được tạo thành từ thời kỳ Băng hà, kế tiếp về phía nam là vùng đồi núi có rừng ở trung tâm và các phần đất miền Nam của Đức. Đặc biệt là tại bang Bayern nhưng cũng ở tại bang Baden-Württemberg địa hình này chuyển tiếp đến vùng Alpenvorland Bắc tương đối cao, vùng mà sau đấy lại chuyển tiếp đến vùng núi cao của dãy núi Alpen.
 
 + Khí hậu: nước Đức nằm trong vùng ôn đới lạnh gió Tây giữa Đại Tây Dương và khí hậu lục địa phía Đông. Hiếm khi xảy ra chênh lệch lớn về nhiệt độ. lượng mưa trải suốt các mùa trong năm. Nhiệt độ trung bình mùa đông dao động từ 1,5 độ C ở vùng đồng bằng đến -6 độC trên vùng núi. Nhiệt độ trung bình của tháng 7 là 18 độC ở đồng bằng là 20 độC trong các thung lũng kín ở phía . Những vùng khí hậu ngoại lệ là các vùng thượng lưu sông Rhein có khí hậu rất ôn hòa, vùng thượng Bayern chịu ảnh hưởng của khí đoàn gió Nam khô nóng từ dãy Alpen và vùng Harz chịu ảnh hưởng của những đợt gió mạnh, màu hè lạnh và mùa đông nhiều tuyết.
 
 +Tài nguyên: Cộng hòa Liên bang Đức là nước có ít tài nguyên khoáng sản, nhưng có nhiều sông ngòi có giá trị lớn về kinh tế, đặc biệt rất thuận lợi cho giao thông vận tải và thủy điện. Các sông lớn chảy qua Cộng hòa Liên bang Đức là sông Rhein, Elbe, Main, Weser, Danuyp và Spree.

Lịch sử

Nước Đức trước khi thống nhất thuộc chủ quyền của người Phổ bao gồm nhiều vương quốc và lãnh địa nhỏ.
 
Thủ tướng Phổ Bismarck là người thiết lập đế chế Đức. Vua Vinhem I đã tuyên bố lên ngôi ở thành Verseilles nước Pháp.
 
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, nước Đức bại trận buộc phải nhượng lại thuộc địa, thanh toán những khoản bồi thường chiến tranh lớn cho phe Đồng minh (Anh-Pháp).
 
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, chế độ độc tài phátxít Hitler đã thảm sát hàng triệu người, gây thảm họa cho nhân loại.
 
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, nước Đức bị chia cắt thành hai quốc gia: khu vực do Mỹ, Anh, Pháp chiếm đóng (Tây Đức) đã lập Cộng hòa Liên bang Đức vào ngày 7/9/1949; còn khu vực do Liên Xô (cũ) kiểm soát đã lập thành nước Cộng hòa dân chủ Đức vào ngày 7/10/1949.
 
Ngày 3/10/1990, Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ  Đức thống nhất thành Cộng hòa Liên bang Đức. Ngày 24-6-1991, Quốc hội Liên bang Đức đã bỏ phiếu chọn Berlin làm Thủ đô của Cộng hòa Liên bang Đức.

Chính trị

Thể chế chính trị:  Cộng hòa Liên bang
  
  * Hiến pháp:  23/5/1949, gọi là Luật cơ sở, trở thành Hiến pháp của nước Đức thống nhất ngày 3/10/1990.
  
  * Cơ quan lập pháp:  Lưỡng viện bao gồm:
 
 +Quốc hội Liên bang hay Bundestag: thường có 656 ghế, nhưng nhiệm kỳ năm 1998 là 669 ghế, bầu cử theo phiếu phổ thông, một đảng phải thắng 5% trong cuộc bầu cử quốc gia hoặc 3 nghị sỹ để được đại diện, nghị sỹ làm nhiệm kỳ 4 năm.
 
 +Hội đồng Liên bang hay Bundesrat 69 ghế, các tiểu bang được đại diện trực tiếp bằng các lá phiếu, mỗi bang có từ 3 đến 6 phiếu phụ thuộc vào dân số
  
  * Cơ quan hành pháp: + Nguyên thủ quốc gia là tổng thống liên bang với nhiệm vụ đại diện. Tổng thống do Hội đồng liên bang và số đại cử tri bằng nhau của các bang bầu ra, nhiệm kỳ 5 năm.
  
  + Đứng đầu Chính phủ: là thủ tướng liên bang, người có thẩm quyền quyết định đường lối chính trị của chính phủ liên bang. Thủ tướng do Nghị viện liên bang bầu ra.
  
  * Cơ quan tư pháp: Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức tại Karlsruhe giám sát việc tuân thủ hiến pháp. Các tòa án tối cao của Đức là Tòa án Liên bang (Bundesgerichtshof) với trụ sở chính tại Karlsruhe, Tòa án Hành chánh Liên bang tại Leipzig, Tòa án Lao động Liên bang tại Erfurt, Tòa án Xã hội Liên bang tại Kassel và Tòa án Tài chính Liên bang tại München. Các tòa án liên bang gần như luôn luôn là tòa án kháng cáo thượng thẩm và xem xét các các quyết định của tòa án tiểu bang theo tính hợp pháp về hình thức và nội dung.
  
  * Chế độ bầu cử:  Hệ thống bầu cử hiện hành của Cộng hòa Liên bang Đức là sự kết hợp giữa chế độ bầu cử theo đại diện tỷ lệ với các yếu tố của hệ thống bầu cử theo đa số trong việc phân chia ghế ở Quốc hội.
 
 Các nghị sỹ của Quốc hội Đức được bầu theo nguyên tắc: phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và bí mật. Phổ thông có nghĩa là các công dân từ tròn 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử.
  
  * Các đảng phái lớn: Liên minh Dân chủ Cơ đốc Đức (CDU), Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU), Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), Đảng Dân chủ Tự do (FDP), Đảng Xanh...
 

Kinh tế

Đức là một trong những nước công nghiệp phát triển nhất thế giới, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu. Nền kinh tế Đức vẫn được coi là đầu tầu lôi kéo cả đoàn tàu EU.
 
Năm 2009, kinh tế Đức đã sụt giảm 5% do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là đối với lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư, vốn được coi là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Đức. Xuất khẩu đã sụt giảm 14,7% trong khi nhập khẩu cũng giảm 8,9%, đầu tư sản xuất kinh doanh giảm 20%. Đây là lần đầu tiên kinh tế Đức suy giảm trong vòng 6 năm qua (năm 2003 giảm 0,2%) và là mức suy giảm tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II đến nay.
 
Tỷ lệ thất nghiệp của Đức trong năm 2009 tăng 8,2%, tương đương với 3,42 triệu người, tăng 155 nghìn người so với năm 2008 và lạm phát là 0,3%.
 
Chính phủ đã đề ra những biện pháp kích thích kinh tế phát triển thông qua việc cải thiện thị trường lao động, ổn định ngân sách, thúc đẩy thương mại, giảm tỷ lệ thất nghiệp; tăng các khoản tiền đầu tư lên tới 25 tỷ euro (29 tỷ USD); cũng như những biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích sinh đẻ để tăng dân số, tạo thêm việc làm và kêu gọi các bang cũng như giới doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học.
 
 * Về Công nghiệp: Công nghiệp chiếm 26,8% GDP và thu hút 29,7% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Sắt và đồ sắt, thép, than đá, xi măng, hóa chất, máy móc, xe cộ, cơ giới, điện tử, kim loại, hóa chất, than non, tàu biển, máy xây dựng, thực phẩm và đồ uống, hàng dệt may, dầu mỏ.
 
 * Về Nông nghiệp: Nông nghiệp chiếm 0,9% GDP và thu hút 2,5% lực lượng lao động, được tổ chức theo mô hình trang trại và sản xuất ra một lượng sản phẩm vượt cầu.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Ngô, lúa mì, hoa quả, củ cải đường, nho, sữa, khoai tây, yến mạch, hạt có dầu.
 
 * Về Dịch vụ: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ chiếm 72,3% GDP và thu hút 67,8% lực lượng lao động.
 
 * Về Ngoại thương:
 
 Cộng hòa Liên bang Đức là một nước có quan hệ kinh tế đối ngoại phát triển. Nền kinh tế phụ thuộc rất mạnh vào ngoại thương. Quan hệ thương mại của Đức tập trung chủ yếu vào thị trường châu Âu. Kim ngạch hai chiều với khu vực này chiếm từ 65% đến 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Đức.
 
 - Xuất khẩu: 1.159 tỷ USD (năm 2009).
 
 + Các mặt hàng xuất khẩu chính: Máy móc, xe cộ, hoá chất, kim loại, len và sản phẩm dệt.
 
 + Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Pháp (10,2%), Anh (6,6%), Mỹ (6,7%), Italy (6,3%), Hà Lan (6,7%), Bỉ (5,5%), Áo (6%), Trung Quốc (4,5%), Thụy Sĩ (4,4%) (năm 2009).
 
 - Nhập khẩu: 966,9 tỷ USD (năm 2009).
 
 + Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc, xe cộ, hoá chất, len dệt và kim loại.
 
 + Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Pháp (8,3%), Hà Lan (12,7%), Italy (5,88%), Mỹ (4,25%), Bỉ (7,19%), Anh (4,76%), Áo (4,55%), Trung Quốc (6,89%), Thụy Sĩ (4,07) (năm 2009).
 

Văn hóa

Nước Đức có một nền văn hóa lâu đời và đa dạng
 
 +Giáo dục: Tỷ lệ biết đọc, biết viết: 99% trên tổng số dân.
 
 Giáo dục bắt buộc đối với lứa tuổi từ 6 đến 15. Giáo dục do chính phủ các bang kiểm soát.
 
 Hệ thống giáo dục thuộc về trách nhiệm của từng tiểu bang nhưng được phối hợp qua hội nghị liên bang của các bộ trưởng văn hóa.
 
 Tùy theo tiểu bang, tất cả trẻ em đều có nghĩa vụ phải học từ 9 đến 12 năm. Trong khi ở một số bang chương trình phổ thông chỉ kéo dài 12 năm, thì ở các bang khác tới những 13 năm. Sau khi tốt nghiệp bậc trung học (lớp 10), thanh niên ở Đức có nhiều sự lựa chọn. Họ có thể học nghề ở các trường dạy nghề, hay học hết phổ thông để lấy bằng Abitur (tương đương với bằng tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam). Sau Abitur họ có thể chọn học tiếp ở trường đại học (Universität hay Hochschule) hay trường đại học thực hành (Fachhochschule).
 
 + Nước Đức có nền hội họa phát triển. Trong số những nghệ sĩ Đức quan trọng nhất trong thời kỳ Phục Hưng phải kể đến Albrecht Altdorfer, Lucas Cranach Già, Matthias Grünewald và người nổi tiếng nhất của thời đấy là Albrecht Dürer. Những nghệ sĩ khác có tiếng trên thế giới là Caspar David Friedrich của thời kỳ Lãng mạn, nhà họa sĩ Siêu thực Max Ernst và Joseph Beuys.
 
 + Trong lĩnh vực âm nhạc nước Đức sản sinh ra rất nhiều nhà soạn nhạc có tiếng trên thế giới mà nổi tiếng nhất là Johann Sebastian Bach và Ludwig van Beethoven. Những nhà soạn nhạc khác có tầm cỡ thế giới là Johannes Brahms, Johann Jakob Froberger, Christoph Willibald Gluck, George Frideric Handel, E.T.A. Hoffmann, Felix Mendelssohn, Johann Pachelbel, Johann Joachim Quantz, Max Reger, Heinrich Schütz, Robert Schumann, Richard Strauss, Georg Philipp Telemann, Richard Wagner, Carl Maria von Weber, Karl Friedrich Abel, Carl Philipp Emanuel Bach, Johann Christian Bach.
 
 Đức là một quốc gia có nền âm nhạc hiện đại thuộc vào hàng sống động và đa dạng nhất châu Âu, nhưng nhạc viết bằng tiếng Đức thì lại không có thị trường lớn bên ngoài lãnh thổ các nước nói tiếng này (Đức, Áo, Thụy Sĩ). Các nghệ sĩ Đức nổi tiếng thế giới thường sáng tác nhạc bằng tiếng Anh, tiêu biểu như nhóm pop Modern Talking hay nhóm power-metal Helloween. Ngoại lệ có nhóm nhạc "metal nhảy" (Tanz-metal) Rammstein - các bài hát của nhóm từ 1995 đến nay phần lớn được sáng tác bằng tiếng Đức và là "hàng xuất khẩu" chính của làng nhạc tiếng Đức ra nước ngoài.
 
 + Văn học tiếng Đức có từ thời kỳ Trung cổ với các tác giả như Walther von der Vogelweide và Wolfram von Eschenbach. Bài ca Nibelung (tác giả vô danh) cũng là một đóng góp quan trọng trong văn học Đức. Các tác giả Đức được coi là quan trọng nhất bao gồm Johann Wolfgang von Goethe và Friedrich Schiller cũng như Heinrich Heine và Anh em nhà Grimm; trong thế kỷ 20 là những người đoạt Giải thưởng Nobel về văn học Thomas Mann (1929), Hermann Hesse (1946), Heinrich Böll (1972) và Günter Grass (1999). Các tác giả có tầm quan trọng khác là Bertolt Brecht và Hans Magnus Enzensberger. Gottfried Wilhelm Leibniz, Immanuel Kant, Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Karl Marx, Friedrich Engels, Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzsche và Martin Heidegger thuộc vào những nhà triết học có ảnh hưởng nhiều nhất.

Ẩm thực

Đồ ăn thức uống ở nước Đức vô cùng phong phú, đa số được trồng hay được sản xuất ngay tại nhà. Những bữa ăn kết hợp giữa thịt ướp nhiều thứ gia vị với cá muối kèm với rau và thông cổ bằng rượu vang hay bia là những món khoái khẩu của người Đức.
 
 Mặc dù kỹ thuật bếp núc của người Đức xoay quanh các món thịt bò và thịt cừu, nhưng giờ đây đã ngày càng có nhiều nhà hàng ăn chay trên khắp nước Đức. Người Đức cũng ăn một chút những món ăn chơi giữa các bữa ăn chính khi họ đói bụng và thỉnh thoảng cũng tổ chức tiệc tùng cho thêm phần rôm rả.
 
 Ở những vùng khác nhau thì cùng một loại món ăn lại có những cách nấu nướng khác nhau. Trong một nhà hàng ở Bavaria, bạn không thể kêu một món đúng như món bạn đã từng ăn ở miền bắc Schleswig-Holstein, nhưng cả hai đều đáng nếm thử.
 
 Ở Đức có trên 200 loại Wurst, tức là xúc xích làm từ thịt bê, thịt lợn, óc heo, mù tạc, gia vị và bột cà ri. Mỗi vùng lại có một loại xúc xích riêng của mình, từ loại xúc xích trắng của Bavaria với rau mùi tây và hành cho đến xúc xích Chipolata nướng trên than hồng.
 
 Bánh huyết, thịt gà cắt thành miếng phủ vụn bánh mì, những lát thịt bò và thịt hươu, cá nục bắt từ biển Bắc xông khói và muối chua, bắp cải muối, món salát khoai tây gọi là Kartoffelsalat, bắp cải đỏ ướp gia vị, còn nấm thì mọc ở khắp mọi nơi trong nước và được chế biến theo đủ mọi cách.
 
 Ở một số vùng, nhất là Baden-Wüttermberg, Moselle, Frankfurt và Bavaria, người ta đặc biệt quan tâm đến chất lượng thực phẩm. Đây cũng là những vùng sản xuất rượu vang. Những đặc sản địa phương ở đây gồm có lươn, xúp mận và rau, cá lục tươi ở Hamburg; món Hoppel Poppel, trứng ốp lết với khoai tây và thịt xông khói ở Berlin; heo sữa và giò heo quay ở Bavaria; thịt xông khói ăn với bánh mì Pumpernickel ở Westphalia; cá luộc hoặc chiên có phủ vụn bánh mì, đặc biệt là cá trê sông Donau gần Passau; xúc xích đủ các kiểu ở Nurnberg; nước xốt rau xanh với thịt heo bằm hoặc thịt bò ở Frankfurt.
 
 (Theo Cinet)

Điểm du lịch

Một số thắng cảnh du lịch của Đức:
 
 Tòa đô chính Bremen (Bremen)
 
 Sanssouci, Potsdam (Brandenburg)
 
 Cổng Brandenburg (Berlin)
 
 Dresden (Sachsen)
 
 Bodensee (Baden-Württemberg)
 
 Lâu đài Hohenschwangau (Bayern)
 
 Lâu đài Linderhof (Bayern)
 
 Lâu đài Neuschwanstein (Bayern)

Lễ hội

Phần lớn các ngày lễ ở Đức đều bắt nguồn từ các ngày lễ của giáo hội giống như lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh. Trong khi ngày quốc khánh và ngày 1/5 được quy định rõ trong luật liên bang là ngày lễ của toàn quốc, thì những ngày lễ còn lại đều do luật của mỗi tiểu bang tự quy định riêng.

Những ngày lễ quan trọng ở Đức:

* Ngày đầu năm mới (ngày 1 tháng 1)
* Ngày thứ Sáu tuần thánh  (trước lễ Phục sinh)
* Ngày thứ Hai Phục Sinh
* Ngày Lao động 1/5
* Ngày lễ thăng thiên
* Ngày lễ hiện xuống
* Ngày của Thống nhất Đức (3/10)
* Sự kiện Giáng sinh 24/12 không phải là một ngày nghỉ lễ. Nhưng các cửa hàng đóng cửa vào buổi chiều, để các hoạt động cho ngày lễ có thể bắt đầu.
* Ngày Giáng sinh và ngày lễ tặng quà (25 và 26/12) là ngày nghỉ lễ.

Bên cạnh các ngày lễ chính toàn liên bang, ở Đức còn có các lễ hội ở địa phương. Có những lễ hội diễn ra với quy mô lớn thu hút hàng triệu người tham gia và mức độ nổi tiếng đã vượt ra khổi biên giới nước Đức.

Tháng hai là tháng của Carnival, tại mỗi thành phố của Đức hầu như có tổ chức các bữa tiệc lớn và diễu hành. Mặc dù trên thực tế, một vài lễ hội carnival được tổ chức từ tháng 11 năm trước, nhưng đỉnh điểm của các lễ hội này chỉ diễn ra vào tháng Hai. Những thành phố nổi tiếng với các lễ hội carnival là Aachen, Cologne, Dusseldorf, Mainz, Munich hay Muenster.

Tháng ba là thời điểm khởi đầu của mùa xuân và cuối mùa đông, vì vậy có nhiều lễ hội và các sự kiện. Ở Berlin, có lễ hội mùa xuân quận Spandau, một lễ hội dành cho trẻ em. Ở Munich, tổ chức lễ hội bia mạnh, một loại bia truyền thống, có nồng độ mạnh từ 7,5% trở lên.

Trong tháng Tư, thời điểm để tổ chức các lễ hội quan trọng nhất liên quan tới mùa xuân.  Tại Frankfurt, Hamburg và Munich có nhiều hội chợ mùa xuân, trong khi đó Dresden là nơi diễn ra Liên hoan phim và tuần lễ Khiêu vũ quốc tế. Nhưng sự kiện quan trọng nhất được tổ chức trong tháng này là Lễ Phục sinh, được tổ chức 46 ngày sau ngày đầu tiên mùa ăn chay của Thiên Chúa giáo. Người Đức có nhiều phong tục trong lễ Phục Sinh như trang trí những quả trứng Phục Sinh, cừu Phục Sinh, thỏ Phục Sinh, Ngọn lửa Phục sinh và những thứ khác.

Tháng Năm có đầy đủ các sự kiện thường niên, các lễ hội mùa Xuân và mùa Hè và nhiều lễ hội âm nhạc. Trong tháng này, nước Đức thật sự đẹp, đầy đủ sắc màu và những địa điểm thú vị để tham quan.  Sự kiện quan trọng nhất là Lễ hội mùa Xuân Munich,Liên hoan Bodensee trên hồ Constance tại Friedrichshafen, các lế hội ấm nhạc ở Dresden.

Tháng Sáu lễ hội ở Đức bao gồm lễ hội âm nhạc và các sự kiện thể thao. Lễ hội âm nhạc quan trọng nhất là liên hoan nhạc Rock am Ring lớn và Rock am Park và lễ hội âm nhạc cổ điển tại Dresden. Trong tháng này, tuần lễ Keil sẽ diễn ra. Đây là sự kiện thể thao thuyền buồm quan trọng nhất trên thế giới, đồng thời là lễ hội mùa hè lớn tại miền Bắc nước Đức, một trong những lễ hội nước lớn nhất và có ý nghĩa nhất tại châu Âu nơi có sự tham gia của không chỉ các tàu dân sự, thuyền buồm và mà cả các tàu chiến – những tàu tham gia cuộc tập trận hải quân hàng năm mang tên Baltops.

Hoạt động chính của tuần lễ Kiel là cuộc đua thuyền buồm với sự tham gia của khoảng 4.500 các vận động viên trên 2.000 chiếc thuyền buồm đến từ 50 quốc gia trên thế giới.

Tháng Bảy cũng là thời gian của những lễ hội âm nhạc, nhiều lễ hội trong số đó luôn mở cửa chào đón tất cả mọi người tham gia như Liên hoan âm nhạc Rheinkultur Bonn, liên hoan nhạc pop Schlagermove, Zeltfestival ở Hamburg và liên hoan Das ở Karlsruhe. Tháng này cũng sôi động với các lễ hội mùa hè và lễ hội rượu vang.

Tháng Tám phổ biến với các lễ hội bia, rượu vang và lễ hội sân khấu. Ở vùng Mosel và Rhine, các lễ hội rượu vang thu hút nhiều khách tham quan. Các thành phố Stuttgart, Hamburg, Mainz, Frankfurt hay Aachen là những điểm đến nổi tiếng cho người thích bia. Một trong những lễ hội quan trọng nhất trong tháng này là lễ hội bia Berlin, cũng giống như Oktoberfest, nhưng ở  khác vùng.

Vào tháng Chín, các lễ hội rượu vang, bia và âm nhạc vẫn tiếp tục. Các lễ hội âm nhạc hấp dẫn nhất là Liên hoan Beethoven ở Bonn, Liên hoan mùa Thu Alstadt tại Dusseldorf, liên hoan âm nhạc Berlin  và liên hoan nhạc Jazz Potsdam.

Trong những ngày cuối tháng Chín, lễ hội Oktoberfest, một trong những lễ hội nổi tiếng nhất nước Đức, bắt đầu khai mạc ở Munich. Nhiều người đến với lễ hội này chỉ với mong muốn được thưởng thức những loại bia ngon, đặc biệt chỉ được đưa ra giới thiệu trong dịp lễ hội. Lễ hội Oktoberfest kết thúc vào đầu tháng Mười.

Cuối cùng trong hai tháng 11 và tháng 12 hàng năm là thời điểm sôi động với không khí mùa Giáng Sinh.