Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Trung Quốc Thiên An Môn ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn: Internet)

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Trung Quốc

- Tên nước: nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (The People's Republic of China)

- Ngày quốc khánh: 1/10/1949

- Thủ đô: Bắc Kinh

- Vị trí địa lý: Trung Quốc nằm ở phần nửa phía Bắc của Đông bán cầu, phía Đông Nam đại lục Á-Âu, phía Đông và giữa châu Á, phía Tây của Thái Bình Dương.

- Diện tích: 9,6 triệu km2

- Khí hậu: Trung Quốc thuộc khu vực gió mùa, khí hậu đa dạng từ ấm đến khô. Nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 1 là -4,70C, tháng 7 là 260C. Ba khu vực được coi nóng nhất là Nam Kinh, Vũ Hán, Trùng Khánh.

- Dân số: hơn 1,3 tỷ người.

- Dân tộc: Trung Quốc có 56 dân tộc. Dân tộc Hán là chủ yếu, các dân tộc thiểu số (chiếm 6% dân số cả nước và phân bố trên 50-60% diện tích toàn quốc)

- Hành chính: gồm 31 tỉnh, thành phố, trong đó có 22 tỉnh, 5 khu tự trị và 4 thành phố trực thuộc Trung ương. Ngoài cấp hành chính Trung ương, Trung Quốc còn có 4 cấp hành chính gồm tỉnh, địa khu, huyện, xã.

-Đơn vị tiền tệ: Đồng Nhân dân tệ có đơn vị là Yuan (Nguyên), 1 Y= 10 jiao (hào) = 100 fen (xu).

- Tôn giáo: Có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Đạo giáo, Đạo Hồi, Thiên chúa giáo.

- Ngôn ngữ: Tiếng Hán phổ thông lấy âm Bắc Kinh làm tiêu chuẩn.

Địa lý

+ Vị trí địa lý: Trung Quốc nằm ở phía đông châu Á, bờ tây Thái Bình Dương. Biên giới đất liền của Trung Quốc dài hơn 20.000km, phía đông giáp Triều Tiên, phía đông bắc giáp Nga, phía bắc giáp Mông Cổ, phía tây bắc giáp Nga, Kazakhstan, phía tây giáp Kyrgyzstan, Tajikistan, Afganistan, Pakistan, phía tây nam giáp Ấn Độ, Nepal, Bhutan, phía nam giáp Myanmar, Lào và Việt Nam. Đông và đông nam trông ra biển.

+ Diện tích: Trung Quốc là quốc gia lớn thứ 4 thế giới về tổng diện tích (sau Nga, Canada và Hoa Kỳ). Số liệu về diện tích của Trung Quốc theo con số chính thức do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đưa ra là 9,6 triệu km2. Trung Quốc có đường viền khá giống với Hoa Kỳ và phần lớn có cùng vĩ độ của Hoa Kỳ. Tổng diện tích Trung Quốc ước tính là 9.596.960 km², trong đó diện tích đất là 9.326.410 km2 và nước là 270.550 km2.

+ Địa hình: Cao và hiểm trở, 60% diện tích là núi cao trên 1.000m. Địa hình cao về phía Tây và thấp dần về phía Đông.

Địa lý Trung Quốc kéo dài khoảng 5.026km ngang qua theo khối lục địa Đông Á giáp với biển Đông Trung Hoa, vịnh Triều Tiên, Hoàng Hải, và biển Đông, giữa Bắc Triều Tiên và Việt Nam trong một hình dạng thay đổi của các đồng bằng rộng lớn, các sa mạc mênh mông và các dãy núi cao chót vót, bao gồm các khu vực rộng lớn đất không thể ở được.

Nửa phía Đông của quốc gia này là các vùng duyên hải rìa các đảo là một vùng bình nguyên phì nhiêu, đồi và núi, các sa mạc và các thảo nguyên và các khu vực cận nhiệt đới. Nửa phía Tây của Trung Quốc là một vùng các lưu vực chìm trong các cao nguyên, các khối núi, bao gồm phần cao nguyên cao nhất trên trái đất.

Sự rộng lớn của quốc gia này và sự cằn cỗi của vùng nội địa phía tây kéo theo những vấn đề quan trọng trong chiến lược phòng thủ. Dù có nhiều bến cảng tốt dọc theo chiều dài bờ biển khoảng 18.000 km nhưng định hướng truyền thống của đất nước không phải ra biển mà hướng về đất liền, để phát triển thành một quốc gia hùng mạnh với trung tâm ở Hoa Trung và Hoa Nam, vươn tới tận vùng đồng bằng bắc Hoàng Hà.

Trung Quốc cũng có cao nguyên Tây Tạng về phía Nam. Cao nguyên Tây Tạng là một cao nguyên rộng lớn với cao độ cao. Về phía Bắc của cao nguyên Tây Tạng là các Sa mạc Gobi và Taklamakan, trải ra từ Cực Tây Bắc về phía Đông qua Mông Cổ.

Trung Quốc có đường bờ biển dài 14.500km. Bên ngoài vùng lãnh hải có nhiều đảo lớn nhỏ, trong đó có hai đảo lớn là Đài Loan và Hải Nam.

+ Khí hậu: Khí hậu hết sức đa dạng, nhiệt đới ở phía Nam, cận bắc cực ở phía Bắc. Trung Quốc thuộc khu vực gió mùa, khí hậu đa dạng từ ấm đến khô. Nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 1 là -4,70C, tháng 7 là 260C. Ba khu vực được coi là nóng nhất là Nam Kinh, Vũ Hán, Trùng Khánh.

Do đất nước rộng lớn, địa hình phức tạp, độ cao chênh lệch lớn nên khí hậu Trung Quốc  cũng đa dạng theo. Từ nam lên bắc lần lượt là các vùng nhiệt đới, á nhiệt đới, trung ôn đới, hàn ôn đới. Còn khí hậu vùng cao nguyện Thanh Tạng là vùng khí hậu theo đường thẳng đứng.

Khí hậu Trung Quốc từ Bắc tới Nam khí hậu chênh lệch rất lớn. Mùa đông, phần lớn lãnh thổ nghìn dặm băng giá, vạn dặm tuyết rơi, ngay khu Mạc Hà (điểm cực Bắc) nhiệt độ trung bình trong tháng riêng là -30 độ C, trong khi đó ở phía Nam, đảo Hải Nam trung bình là 20 độ C. Đặc diểm khí hậu Trung Quốc là về mùa đông đa số các vùng lạnh giá, khí hậu miền Nam-Bắc chênh lệch rõ rệt. Về mùa hè do ánh mặt trời chiếu thẳng xuống bắc bán cầu nên miền Bắc ngày dài hơn, về mùa đông mặt trời chiếu tới 2 miền Nam Bắc nên ngày gần như nhau. Trừ vùng cao nguyên Thanh Tạng có địa hình quá cao ra, cả nước đều nóng ấm, khí hậu chênh lệch không nhiều.

Đa số các vùng do ảnh huởng dòng khí vùng biển ẩm, thổi vào lục địa nên mưa nhiều, nhưng lượng mưa giữa các vùng và các mùa không đều nhau. Miền Đông mưa nhiều, miền Tây ít. Từ Đông Nam tới Tây Bắc lượng mưa giảm dần đồng thời mưa nhiều vào mùa hạ. Miền Nam mùa mưa kéo dài từ tháng 5 tới tháng 10. Miền Bắc múa mưa ngắn, tập trung vào tháng 7, tháng 8. Lượng mưa hàng năm cũng không đều, năm nhiều, năm ít và chênh nhau rất lớn. Đa số các miền của Trung Quốc nằm về phía Bắc trí tuyến bắc nên mùa đông thời gian mặt trời chiếu ngắn, nhận dược năng lượng mặt trời ít, càng về phía Bắc càng ít nên thời tiết càng lạnh. Mùa hè do mặt trời chiếu thẳng xuống bán cầu tời gian mặt trời chiếu nhiều hơn nên nhiệt độ cao hơn.

+Tài nguyên: Than đá, quặng sắt, dầu mỏ, hơi đốt, thuỷ ngân, thiếc, vôn-fram, antimoan, mangan, môlypđen, vanadi, ma giê, nhôm, chì, kẽm, uranium, tiềm năng thuỷ điện (lớn nhất thế giới).

Lịch sử

Trung Quốc là một trong những cái nôi văn minh nhân loại sớm nhất. Văn minh Trung Quốc cũng là một trong số ít các nền văn minh, cùng với Lưỡng Hà cổ (người Sumer), Ấn Độ (Văn minh lưu vực sông Ấn Độ), Maya, và Ai Cập Cổ đại (mặc dù có thể nó học từ người Sumer), tự tạo ra chữ viết riêng.

Triều đại đầu tiên theo các tư liệu lịch sử Trung Quốc là nhà Hạ; tuy nhiên chưa có bằng chứng khảo cổ học kiểm chứng được sự tồn tại của triều đại này. Triều đại đầu tiên chắc chắn tồn tại là nhà Thương, định cư dọc theo lưu vực sông Hoàng Hà, vào khoảng thế kỷ 18 đến thế kỷ 12 trước Công nguyên. Nhà Thương bị nhà Chu chiếm (thế kỷ 12 đến thế kỷ 5 trước Công nguyên), đến lượt nhà Chu lại bị yếu dần do mất quyền cai quản các lãnh thổ nhỏ hơn cho các lãnh chúa; cuối cùng, vào thời Xuân Thu, nhiều quốc gia độc lập đã trỗi dậy và liên tiếp giao chiến, và chỉ coi nước Chu là trung tâm quyền lực trên danh nghĩa. Cuối cùng Tần Thủy Hoàng đã thâu tóm tất cả các quốc gia và tự xưng là hoàng đế vào năm 221 trước Công nguyên, lập ra nhà Tần, quốc gia Trung Quốc thống nhất về thể chế chính trị, chữ viết và có một ngôn ngữ chính thống đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc.

Tuy nhiên, triều đại này không tồn tại lâu do nó quá độc đoán và tàn bạo, đã tiến hành "đốt sách chôn nho" trên cả nước (đốt hết sách vở và giết những người theo nho giáo) nhằm ngăn chặn những ý đồ tranh giành quyền lực của hoàng đế từ trứng nước, để giữ độc quyền tư tưởng và để thống nhất chữ viết cho dễ quản lý.

Sau khi nhà Tần sụp đổ vào năm 207 trước Công nguyên thì đến thời nhà Hán kéo dài đến năm 220 Công nguyên. Sau đó lại đến thời kỳ phân tranh khi các lãnh tụ địa phương nổi lên, tự xưng Thiên tử và tuyên bố Thiên mệnh đã thay đổi. Vào năm 580, Trung Quốc tái thống nhất dưới thời nhà Tùy. Vào thời nhà Đường và nhà Tống, Trung Quốc đã đi vào thời hoàng kim của nó.

Trong một thời gian dài, đặc biệt giữa thế kỷ thứ 7 và 14, Trung Quốc là một trong những nền văn minh tiên tiến nhất trên thế giới về kỹ thuật, văn chương, và nghệ thuật. Nhà Tống cuối cùng bị rơi vào quân xâm lược Mông Cổ năm 1279. Vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt lập ra nhà Nguyên. Về sau một thủ lĩnh nông dân là Chu Nguyên Chương đánh đuổi chính quyền người Mông Cổ năm 1368 và lập ra nhà Minh, kéo dài tới năm 1644. Sau đó người Mãn Châu từ phía đông bắc kéo xuống lật đổ nhà Minh, lập ra nhà Thanh, kéo dài đến vị vua cuối cùng là Phổ Nghi thoái vị vào năm 1911.

Đặc điểm của phong kiến Trung Quốc là các triều đại thường lật đổ nhau trong bể máu và giai cấp giành được quyền lãnh đạo thường phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để duy trì quyền lực của họ và kiềm chế triều đại bị lật đổ. Chẳng hạn như nhà Thanh (người Mãn Châu) sau khi chiếm được Trung Quốc thường áp dụng các chính sách hạn chế việc người Mãn Châu bị hòa lẫn vào biển người Hán vì dân họ ít. Tuy thế, những biện pháp đó đã tỏ ra không hiệu quả và người Mãn Châu cuối cùng vẫn bị văn hóa Trung Quốc đồng hóa.

Vào thế kỷ thứ 18, Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ đáng kể về công nghệ so với các dân tộc ở Trung Á mà họ gây chiến hàng thế kỷ, tuy nhiên lại tụt hậu hẳn so với châu Âu. Điều này đã hình thành cục diện của thế kỷ 19 trong đó Trung Quốc đứng ở thế phòng thủ trước chủ nghĩa đế quốc châu Âu trong khi đó lại thể hiện sự bành trướng đế quốc trước Trung Á.

-Năm 1912, sau một thời gian dài suy sụp, chế độ phong kiến Trung Quốc cuối cùng sụp đổ hẳn và Tôn Trung Sơn thuộc Quốc Dân Đảng thành lập Trung Hoa Dân Quốc. Ba thập kỷ sau đó là giai đoạn không thống nhất-thời kỳ Quân phiệt cát cứ, Chiến tranh Trung-Nhật, và Nội chiến Trung Quốc. Nội chiến Trung Quốc chấm dứt vào năm 1949 và Đảng Cộng sản Trung Quốc nắm được đại lục Trung Quốc, Quốc dân đảng thất bại, phải chạy ra Đài Loan.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa - là nhà nước kế tục của Trung Hoa Dân Quốc.

Vương quốc Anh và Bồ Đào Nha, đã lần lượt trao trả hai nhượng địa là Hongkong và Macao ở bờ biển phía nam về cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào 1997 và 1999. Hai vùng lãnh thổ này hiện nay được trao quy chế Đặc khu hành chính.

Về vấn đề Đài Loan, phương châm cơ bản của Chính phủ Trung Quốc nhằm giải quyết vấn đề Đài Loan là: “Thống nhất hòa bình, một quốc gia hai chế độ." Tức là sau khi thực hiện thống nhất đất nước, Đài Loan có thể trở thành đặc khu hành chính, được hưởng quyền tự trị cao độ, chủ thể nhà nước thực thi chế độ xã hội chủ nghĩa, còn Đài Loan thì thực thi chế độ tư bản chủ nghĩa.

Chính trị

- Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nước xã hội chủ nghĩa do giai cấp công nhân lãnh đạo, liên minh công-nông làm cơ sở, chuyên chính dân chủ nhân dân. Chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ căn bản của Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Chế độ chính trị hiện nay của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được cấu thành từ ba chế độ sau:

+ Hiến pháp: Hiên pháp Trung Quốc hiện nay là bộ Hiến pháp thứ 4 của nước này, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 5 Quốc hội khóa 5 diễn ra ngày 4/12/1982. Bộ Hiến pháp này kế thừa và phát triển nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp năm 1954, rút kinh nghiệm phát triển chủ nghĩa xã hội Trung Quốc và thu hút kinh nghiệm quốc tế, là bộ pháp luật căn bản mang đặc sắc Trung Quốc và đáp ứng yêu cầu xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc.

Bộ Hiến pháp này quy định rõ ràng chế độ chính trị, chế độ kinh tế, quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức và phạm vi quyền hạn của các cơ quan nhà nước, nhiệm vụ căn bản của nhà nước sau này v v... Đặc điểm căn bản là quy định chế độ căn bản và nhiệm vụ căn bản của Trung Quốc, xác định 4 nguyên tắc cơ bản và phương châm cơ bản của công cuộc cải cách mở cửa . Hiến pháp quy định , nhân dân các dân tộc và mọi tổ chức trong cả nước đều phải lấy Hiến pháp làm chuẩn tắc hoạt động căn bản, bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng không có đặc quyền vượt qua Hiến pháp và các đạo luật khác. Từ khi ban hành đến nay, Hiến pháp Trung Quốc đã được sửa đổi 4 lần.

+ Chế độ Đại hội đại biểu nhân dân: Chế độ đại hội đại biểu nhân dân (quốc hội) là chế độ chính trị căn bản của Trung Quốc. Đây là hình thức tổ chức chính trị của nền chuyên chính dân chủ nhân dân Trung Quốc, quốc thể của Trung Quốc. Khác với nghị viện dưới thể chế Tam quyền đối lập, Quốc hội là cơ quan quyền lợi nhà nước tối cao được Hiến pháp Trung Quốc xác lập. Công dân Trung Quốc tròn 18 tuổi, đều có quyền bầu cử và được bầu cử làm đại biểu quốc hội.

Ở Trung Quốc, đại biểu quốc hội cấp xã và huyện được nhân dân trực tiếp bầu ra, đại biểu quốc hội các cấp khác được nhân dân bầu cử gián tiếp, Quốc hội do đại biểu các tỉnh, khu tự trị và quân đội cấu thành. Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 5 năm, mỗi năm tổ chức một cuộc họp đại biểu toàn thể.

Quốc hội Trung Quốc thực hiện quyền lập pháp, quyền giám sát, quyền quyết định vấn đề trọng đại của đất nước.

+ Chế độ hợp tác đa đảng phái và Hiệp thương chính trị do Đảng cộng sản Trung Quốc lãnh đạo là chế độ chính trị cơ bản của Trung Quốc.

Trung Quốc là một nước có nhiều đảng phái. Ngoài Đảng cộng sản Trung Quốc nắm quyền ra, còn có 8 đảng phái dân chủ. Những đảng phái dân chủ này được thành lập trước khi Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, họ ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đây là sự lựa chọn lịch sử trong quá trình hợp tác lâu dài và cùng nhau phấn đấu với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Đảng Cộng sản Trung Quốc và các đảng phái dân chủ lấy hoạt động theo Hiến pháp. Các đảng phái dân chủ ở Trung Quốc không phải là đảng đối lập, mà là các đảng phái tham chính. Nội dung cơ bản tham chính của các đảng phái dân chủ là tham gia thảo luận phương châm chính sách nhà nước và việc bầu cử nhà lãnh đạo quốc gia, tham gia quản lý công việc nhà nước, tham gia quy định và thực thi phương châm, chính sách, pháp luật pháp quy nhà nước.

Khi nhà nước áp dụng biện pháp to lớn hoặc quyết địn những vấn đề quan trọng liên quan tới quốc kế dân sinh, Đảng cộng sản Trung Quốc cần phải trước tiên thương lượng với các đảng phái dân chủ và nhân sĩ dân chủ không đảng phái , lắng nghe ý kiến và kiến nghị rộng rãi.  Hình thức hợp tác và hiệp thương chính trị chủ yếu ở Trung Quốc là Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân.

Hội nghị hiệp thương chính trị là nơi quan trọng để các đảng phái, các đoàn thể nhân dân và đại biểu các giới tham chính nghị chính.

- Cơ quan hành pháp Trung Quốc

+ Nguyên thủ Quốc gia: Chủ tịch nước. Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc bầu ra theo quy định của Điều 62 của Hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo quy định của pháp luật, Chủ tịch nước phải là một công dân Trung Quốc có tuổi từ 45 trở lên. Chủ tịch không được giữ chức hơn 2 nhiệm kỳ, một nhiệm kỳ 5 năm tương đương với nhiệm kỳ của Đại hội. Chủ tịch ban bố các luật và quy định được Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thông qua. Chủ tịch có quyền bổ nhiệm Thủ tướng Quốc vụ viện, các phó thủ tướng, các ủy viên Quốc vụ viện, các đại sứ,… Chủ tịch có quyền ban hành các sắc lệnh, có thể ban bố Tình trạng khẩn cấp, và tuyên bố chiến tranh.  Chủ tịch nước chịu trách nhiệm thiết lập chính sách chung và chỉ đạo thực hiện và giao trách nhiệm thực hiện cho Thủ tướng.

+ Quốc vụ viện Trung Quốc, tức chính phủ nhân dân Trung ương, là cơ quan hành chính nhà nước tối cao, thi hành pháp luật và nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quốc vụ viện có quyền quy định biện pháp hành chính, đưa ra pháp quy hành chính, ban bố quyết định và mệnh lệnh trong phạm vị chức quyền. Quốc vụ viện gồm thủ tướng, phó thủ tướng, ủy viên quốc vụ, các vị bộ trưởng, chủ nhiệm các ủy ban, trưởng kiểm toán, tổng thư ký.

Hiện nay, Quốc vụ viện Trung Quốc gồm 28 bộ và ủy ban.

+ Quân ủy Trung ương và Hội đồng quân sự Trung ương Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Ủy ban Quân sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (tức Quân ủy Trung ương) là cơ quan lãnh đạo quân sự tối cao dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gồm chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên. Quân ủy Trung ương do Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc quyết định, thi hành chế độ chịu trách nhiệm trước chủ tịch. Chức năng chính là trực tiếp lãnh đạo lực lượng vũ trang toàn quốc.

Hội đồng Quân sự Trung ương Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là cơ quan lãnh đạo quân sự của nhà nước, phụ trách lãnh đạo lực lượng vũ trang toàn quốc. Hội đồng quân sự gồm chủ tịch, một số phó chủ tịch và thành viên, thi hành chế độ chịu trách nhiệm trước chủ tịch. Chủ tịch do Quốc hội bầu ra, chịu trách nhiệm trước Quốc hội cũng như ủy ban thường vụ quốc hội. Mỗi khóa nhiệm kỳ 5 năm, nhưng không hạn chế về số khóa.

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Hội đồng Quân sự hiện nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

- Hệ thống các cơ quan tư pháp: Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Lãnh đạo các cơ quan trên đều do Quốc hội Trung Quốc bầu và chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử nhà nước. Nhà nước thiết lập toà án nhân dân tối cao, các tỉnh, khu tự trị , và thành phố trực thuộc thiết lập toà án cấp cao, dưới có tòa án nhân dân trung cấp và toà án nhân dân cơ sở. Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử tối cao của nhà nước, thi hành độc lập quyền xét xử đồng thời cũng là cơ quan giám sát tối cao đối với công tác xét xử của toà án nhân dân các cấp và toà án nhân dân chuyên môn.

Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan giám sát pháp luật của nhà nước. Viện kiểm sát nhân dân thông qua thi hành quyền kiểm sát hoàn thành nhiệm vụ của mình. Viện kiểm sát thi hành quyền kiểm sát đối với vụ án phản bội Tổ quốc, chia rẽ đất nước và những vụ án tội phạm to lớn khác; xét duyệt vụ án do cơ quan công an trinh sát, quyết định việc có bắt giữ, khởi tố hoặc miễn khởi tố hay không; khởi tố và ủng hộ khởi tố vụ án hình sự; giám sát các hoạt động của cơ quan công an, tòa án nhân dân, nhà tù, trại giam, cơ quan cải tạo lao động có hợp pháp hay không.


Kinh tế

Từ năm 1949 nước Trung Hoa mới ra đời đến nay, nền kinh tế Trung Quốc đã được phát triển khá nhanh. Nhất là sau khi thi hành cuộc cải cách mở cửa, nền kinh tế Trung Quốc lại được phát triển một cách lành mạnh và liên tục với tốc độ bình quân là trên 9 % / năm. Tổng sản phẩm quốc nội năm 2003 của Trung Quốc là 1400 tỷ USD, tổng khối lượng kinh tế đứng sau Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp và xếp thứ 6 thế giới. Tính đến cuối năm 2003, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã đột phá 1000 USD.
 
 Tình hình đầu tư và tiêu dùng trong nước hiện nay của Trung Quốc đều tốt. Kim ngạch đầu tư tài sản cố định toàn xã hội năm 2003 của Trung Quốc hơn 5500 tỷ đồng NDT; tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng toàn xã hội gần 4600 tỷ đồng NDT; kim ngạch ngoại thương hơn 850 tỷ USD, vượt Anh và Pháp, chỉ đứng sau Mỹ, Đức, Nhật và xếp thứ 4 thế giới. Tính đến cuối năm 2003, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã vượt 400 tỷ USD, chỉ đứng sau Nhật và xếp thứ nhì thế giới.
 
 Qua hơn 20 năm cải cách mở cửa và xây dựng hiện đại hóa, Trung Quốc trên cơ bản đã hoàn tất việc chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa được thiết lập và hoàn thiện từng bước. Hơn nữa, Pháp luật pháp quy Trung Quốc cũng không ngừng kiện toàn, mức độ mở cửa thị trường không ngừng được mở rộng, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, cải cách thể chế tiền tệ tiến triển vững chắc, những điều này đã đảm bảo vững chắc cho nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển.
 
 Bước vào thế kỷ mới, Trung Quốc đã tiến một bước nêu ra quan điểm phát triển nhịp nhàng toàn diện giữa kinh tế và xã hội, giữa miền đông và miền tây, giữa thành thị và nông thôn, giữa người và xã hội cũng như giữa người và thiên nhiên. Năm 2002, Đại hội 16 của Đảng Cộng sản Trung Quốc lại nêu ra mục tiêu phấn đấu xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020.

Văn hóa

+ Giáo dục: Trung Quốc là một nước đông dân trên thế giới, có nhiều người tiếp thu giáo dục. Trung Quốc đang phát triển giáo dục quy mô lớn nhất trên thế giới, hiện nay có hơn 200 triệu người theo học tại các loại trường các cấp chế độ học cả ngày.
 
 Giáo dục của Trung Quốc chia làm 4 giai đoạn gồm giáo dục mẫu giáo, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục đại học. Nhà nước thi hành giáo dục nghĩa vụ 9 năm từ tiểu học đến sơ trung (tương đương trung học cơ sở). Học sinh ở vào giai đoạn giáo dục nghĩa vụ, không cần nộp học phí, mỗi năm chỉ cần nộp mấy trăm nhân dân tệ tiền sách vở và tiền tạp phí.
 
 Nhà nước Trung Quốc rất coi trọng phát triển giáo dục nghĩa vụ, thông qua cố gắng, tỉ lệ phổ cập giáo dục nghĩa vụ của Trung Quốc đã từ chưa đến 80% mười mấy năm trước phát triển đến hơn 90%. Mấy năm tới, nhà nước Trung Quốc đặt trọng điểm giáo dục vào việc phát triển giáo dục nghĩa vụ vùng nông thôn và giáo dục đại học, mong tất cả trẻ em đều được đi học, đồng thời mau chóng thành lập Trường đại học hàng đầu thế giới.
 
 Giáo dục của Trung Quốc chủ yếu là giáo dục công lập của nhà nước. Những năm gần đây, giáo dục dân lập cũng có sự phát triển, nhưng nói chung, quy mô và trình độ giáo dục còn chưa thể sánh với trường công lập.
 
 + Khoa học kỹ thuật Trung Quốc: Những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc thực thi chiến lược chấn hưng đất nước bằng khoa học kỹ thuật và giáo dục, rất coi trọng phát triển khoa học kỹ thuật, đã tăng thêm đầu tư đối với nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật. Năm 2003, kinh phí của toàn xã hội Trung Quốc dùng vào việc nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật đã vượt quá 150 tỷ nhân dân tệ, chiếm 1,35% tổng sản phẩm quốc nội.
 
 Chính phủ Trung Quốc thực thi công tác khoa học kỹ thuật chủ yếu thông qua kế hoạch phát triển khoa học kỹ thuật cỡ quốc gia. Hiện nay, kế hoạch khoa học kỹ thuật chủ yếu của Trung Quốc liên quan đến các mặt nghiên cứu cơ sở, nghiên cứu phát triển công nghệ cao, lĩnh vực nông nghiệp, phát triển công nghiệp công nghệ cao cùng kỹ thuật hàng không vũ trụ, quốc phòng v,v. Những kế hoạch này thông qua Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc tổ chức nhóm chuyên gia hữu quan nghiên cứu thảo luận lập dự án, rồi chọn cơ quan nghiên cứu khoa học thông qua phương thức gọi thầu. Cơ quan nghiên cứu khoa học trúng thầu có thể được cung cấp kinh phí nghiên cứu tương ứng, gánh vác nhiệm vụ nghiên cứu phát triển khoa học.
 
 Qua phát triển nhiều năm, Trung Quốc đã có năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển kỹ thuật với khá đủ các loại. Thành quả nghiên cứu của Trung Quốc đã đạt tới hoặc tiếp cận trình độ tiên tiến quốc tế tại một số lĩnh vực nghiên cứu cơ sở, cũng như cá biệt lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2003, số luận văn mà các nhà khoa học Trung Quốc đăng trên các sách báo tạp chí quốc tế đã xếp thứ 5 trên thế giới, số lượng đơn xin độc quyền sáng chế trong nước Trung Quốc cũng tăng khá lớn. Điều này đã chứng tỏ trên mức độ nhất định năng lực sáng tạo đổi mới của Trung Quốc không ngừng nâng cao.
 
 + Hội họa và điêu khắc:  Hội hoạ Trung Quốc có lịch sử 5.000-6.000 năm với các loại hình: bạch họa, bản họa, bích họa. Đặc biệt là nghệ thuật vẽ tranh thủy mạc, có ảnh hưởng nhiều tới các nước ở châu Á. Cuốn "Lục pháp luận" của Tạ Hách đã tổng kết những kinh nghiệm hội hoạ từ đời Hán đến đời Tùy.
 
 Điêu khắc Trung Quốc cũng phân thành các ngành riêng như: Ngọc điêu, thạch điêu, mộc điêu. Những tác phẩm nổi tiếng như cặp tượng Tần ngẫu đời Tần, tượng Lạc sơn đại Phật đời Tây Hán (pho tượng cao nhất thế giới), tượng Phật nghìn mắt nghìn tay.
 
 + Kiến trúc Trung Quốc mang đặc điểm độc đáo là một phần quan trọng của nền văn minh Trung Hoa huy hoàng, kiến trúc Trung Quốc cùng với kiến trúc phương tây và kiến trúc Islam tạo thành ba hệ thống kiến trúc lớn của thế giới.
 
 Đặc điểm nghệ thuật chủ yếu của nền kiến trúc Trung Quốc bao gồm: Nêu bật tư tưởng hoàng quyền tối cao và quan niệm đẳng cấp nghiêm ngặt, thành tựu cao nhất là quy hoạch cung điện và đô thành; đặc biệt chú trọng cái đẹp của tổ hợp quần thể, cụm kiến trúc chủ yếu là bố cục sân nhà đối xứng qua trục giữa; tôn trọng tự nhiên, chú trọng sự hài hòa cao độ với tự nhiên; đặc biệt coi trọng theo đuổi cái đẹp trung hoà, bình dị, hàm xúc và kín đáo.
 
 Công trình nổi tiếng thế giới như: Vạn Lý Trường Thành (dài 6.700km), Thành Tràng An, Cố cung, Tử cấm thành ở Bắc Kinh.
 
 + Nghệ thuật biểu diễn: trong nghệ thuật biểu diễn của Trung Quốc có nhiều thể loại như Kinh kịch, Tuồng, Rối bóng.
 
 + Chữ viết: người Trung Quốc đã cho ra đời chữ viết của riêng mình từ rất sớm, ngay từ đời nhà Thương, người Trung Hoa đã có chữ Giáp cốt được viết trên mai rùa, xương thú, được gọi là Giáp cốt văn. Qua quá trình biến đổi, từ Giáp cốt văn hình thành nên Thạch cổ văn, Kim văn. Tới thời Tần, sau khi thống nhất Trung Quốc, chữ viết cũng được thống nhất trong khuôn hình vuông được gọi là chữ Tiểu triện.
 
 + Văn học Trung Quốc có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, từ các tài liệu lưu trữ của các triều đại cho đến các tiểu thuyết hư cấu từ thời trung cổ để phục vụ cho các độc giả người Trung Quốc biết chữ. Trung Quốc có một kho tàng văn học cổ điển phong phú, bao gồm cả thơ và văn xuôi, có niên đại từ thời nhà Đông Chu (770-256 Trước Công nguyên) và bao gồm các tác phẩm kinh điển được cho là của Khổng Tử.
 
 Các tác phẩm văn học nổi tiếng: Kinh Thi, Thơ Đường, Tam quốc chí diễn nghĩa của La Quán Trung, Thủy hử của Thi Nại Am, Tây du kí của Ngô Thừa Ân, Nho lâm ngoại sử của Ngô Kính Tử, Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần..
 
 Văn học Trung Quốc hiện nay đang trong quá trình hiện đại hóa mạnh mẽ. Các tác phẩm văn học hướng tới đời sống quần chúng lao động, cải cách văn tự và cách hành văn. Trong làng văn học xuất hiện ngày càng nhiều các cây bút trẻ tuổi và bước đầu đã khẳng định được chỗ đứng của mình.
 
 + Sử học: Người Trung Hoa thời cổ rất có ý thức về biên soạn sử. Nhiều nước thời Xuân-Thu đã đặt các quan chép sử. Trên cơ sở quyển sử nước Lỗ, Khổng Tử đã biên soạn ra sách Xuân Thu.
 
 Tới thời Hán, Tư Mã Thiên là một nhà viết sử lớn đã để lại Phẩm Sử kí, chép lại lịch sử Trung Quốc gần 3.000 năm, từ thời Hoàng Đế đến thời Hán Vũ Đế.
 
 Tới thời Đông Hán, có các tác phẩm Hán thư của Ban Cố, Tam quốc chí của Trần Thọ, Hậu Hán thư của Phạm Diệp .
 
 Tới thời Minh-Thanh, các bộ sử như Minh sử, Tứ khố toàn thư là những di sản văn hoá đồ sộ của Trung Quốc.

Ẩm thực

Ẩm thực Trung Quốc xuất phát từ nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc và đã lan rộng ra khắp nơi trên thế giới - từ Đông Án đến Bắc Mỹ, Australia và Tây Âu.

Có sự khác biệt văn hóa rất lớn giữa các vùng khác nhau của Trung Quốc và do đó dẫn đến sự khác nhau giữa phong cách ẩm thực các vùng miền của Trung Quốc. Có 8 vùng ẩm thực chính ở Trung Quốc: Sơn Đông, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tô, Chiết Giang, Hồ Nam và An Huy.

Sự hình thành của một trường phái có lịch sử lâu dài không thể tách rời với việc nấu ăn đặc sắc và độc đáo. Đồng thời, nó cũng chịu sự ảnh hưởng của địa dư, điều kiện khí hậu, đặc sản tài nguyên, thói quen ăn uống... Có người đã ví một cách nhân cách hóa về 8 trường phái món ăn này như sau: món ăn của Giang Tô, Chiết Giang có khác nào người đẹp; Giang Nam thanh tú; món ăn của Sơn Đông, An Huy là một trang nam nhi mộc mạc chất phác; món ăn của Quảng Đông, Phúc Kiến thì nhã nhặn như vị công tử phong lưu còn món ăn của Tứ Xuyên, Hồ Nam thì chẳng khác nào một vị danh sỹ tài ba.

Món ăn Sơn Đông.

Trường phái: Gồm hai loại món ăn Tế Nam và Dao Đông.

Đặc điểm: Vị nồng đậm, nặng mùi hành tỏi, nhất là món hải sản, có sở trường làm món canh và nội tạng động vật.

Món ăn có tiếng: ốc kho, cá chép chua ngọt.

Món ăn Tứ Xuyên

Trường phái: Gồm hai trường phái Thành Đô và Trùng Khánh.

Đặc điểm: Lắm mùi vị và nồng đậm.

Món ăn có tiếng: vây cá kho khô, cua xào thơm cay.

Món ăn Giang Tô

Trường phái: Gồm món ăn của các địa phương Dương Châu, Tô Châu và Nam Kinh.

Đặc điểm: Nổi tiếng về các món hầm, ninh, tần. Chú trọng về món canh, bảo đảm nguyên chất nguyên vị.

Món ăn có tiếng: món thịt và thịt cua hấp.

Món ăn Chiết Giang

Trường phái: Gồm các món ăn của Hàng Châu, Ninh Ba, Thiệu Hưng. Nhưng có tiếng tăm nhất là món ăn của Hàng Châu.

Đặc điểm: món ăn tươi mềm, thanh đạm, không ngấy.

Món ăn có tiếng: tôm nõn Long Tỉnh, cá chép Tây Hồ.

Món ăn Quảng Đông

Trường phái: Gồm ba trường phái Quảng Châu, Triều Châu và Đông Giang, món ăn Quảng Châu nổi tiếng nhất.

Đặc điểm: Rất sành về các món chiên, rán, hầm. Khẩu vị thơm giòn và tươi.

Món ăn có tiếng: Tam xà long hổ phượng, lợn quay.

Món ăn Phúc Kiến

Trường phái: Gồm các món ăn Phúc Châu, Tuyền Châu và Hạ Môn. Nhưng chủ yếu là món ăn Phúc Châu.

Đặc điểm: Nguyên liệu chủ yếu là hải sản, chú trọng vị ngọt chua mặn thơm, màu đẹp vị tươi.

Món ăn có tiếng: Kim phúc thọ, cá kho khô...

Món ăn Hồ Nam

Trường phái: Chú trọng thơm cay, tê cay, chua, cay và tươi. Nhưng chua cay là nhiều nhất.

Món ăn có tiếng: kho vây cá.

Món ăn An Huy

Trường phái: Gồm các món ăn của miền nam An Huy, cũng như khu vực dọc sông Trường Giang và Hoài hà. Nhưng với các món ăn của vùng miền nam An Huy là chính.

Đặc điểm: Có sở trường về các món ninh, hầm. Rất chú trọng về mặt dùng lửa.

Trong 8 trường phái ẩm thực của Trung Quốc thì món ăn của Tứ Xuyên là được phổ biến rộng rãi nhất. Món ăn Tứ Xuyên có lịch sử lâu dài, hương vị độc đáo, rất có tiếng tăm ở trong và ngoài nước. Nó đặc biệt chú trọng về sắc, hương, vị, hình, nhất là có khá nhiều vị và nồng đậm gồm: tê, cay, mặn, ngọt, chua, đắng, thơm, trộn lẫn khéo léo, biến hóa linh hoạt, đã pha chế ra mấy chục vị phức hợp rất độc đáo như: tê cay, chua cay, dầu đỏ, dầu trắng... Nhiều khẩu vị lại khéo chế biến, nên đã được xếp hàng đầu trong các món ăn ở trong và ngoài nước, được gọi là mỗi món một khác, trăm món trăm vị.

Điểm du lịch

Là một đất nước rộng lớn và với bề dày lịch sử trên 5.000 năm, Trung Quốc ngày nay là một nơi hấp dẫn du lịch vào loại bậc nhất trên thế giới theo phong cách văn hóa Phương Đông. Năm 2000, Trung Quốc đón 84 triệu du khách nước ngoài (Kể cả Hongkong và Macao).
 
 Với 32 địa danh được UNESCO công nhận là di sản thế giới đến năm 2003, Trung quốc trở thành quốc gia xếp thứ 3 trên thế giới về sở hữu số lượng di sản thế giới (Di sản vật thể). Với địa hình đa dạng và với lịch sử phong kiến tập quyền hàng ngàn năm, ngành du lịch Trung Quốc vẫn đang trong quá trình tìm kiếm và khai quật khảo cổ những địa danh thiên nhiên và lịch sử sẽ làm sửng sốt thêm hàng triệu du khách và chắc chắn rằng con số mà UNESCO công nhận ở Trung Quốc không dừng lại ở con số 32. Có thể nói, những di tích, những công trình kiến trúc, những hiện vật liên quan, thậm chí là những giai thoại lịch sử của người Trung Quốc... cách đây hàng mấy trăm năm thậm chí hàng ngàn năm nhưng các chính quyền Trung Quốc trước nay phần lớn đều gìn giữ nguyên vẹn. Đây là một thế mạnh quan trọng nhất của ngành du lịch về loại hình văn hóa-lịch sử.
 
 Hiện tại du lịch Trung Quốc đã rất đa dạng về loại hình là nhằm mục đích phát triển đa dạng về nguồn khách. Ví dụ như muốn tìm hiểu đất nước Trung quốc trong 10 năm qua thì nên đến thành phố Thâm Quyến; Trong 100 năm thì đến Thượng Hải; Trong 1.000 năm thì đến Bắc Kinh... Nhưng hầu hết khi nói đến du lịch Trung Quốc thì người ta nghĩ ngay đến các cảnh quan thiên nhiên huyền bí và các lăng tẩm, đền đài, thành luỹ rất cổ kính và đồ sộ của người Trung Quốc xưa. Và đó cũng là lý do để UNESCO công nhận, xếp hạng và bảo tồn các địa danh du lịch chính của Trung quốc hiện nay.
 
 Sau đây là một số địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc:
 + Vạn lý Trường thành
 + Cố Cung (Bắc Kinh)
 + Hang đá Mạc Cao (Cam Túc)
 + Lăng mộ Tần Thủy Hoàng và các tượng binh mã (Thiểm Tây)
 + Di chỉ người vượn Bắc Kinh
 + Núi Thái Sơn (Sơn Đông)
 + Khu danh thắng Hoàng Sơn (An Huy)
 + Khu danh thắng Võ Lăng Nguyên (Hồ Nam)
 + Khu danh thắng Cửu Trại Câu (Tứ Xuyên)
 + Khu danh thắng Thừa Đức (Hà Bắc)
 + Khổng Miếu, Khổng Phủ, Khổng Lâm (Sơn Đông)
 + Núi Võ Đang (Hồ Bắc)
 + Cung điện Potala (Tây Tạng)
 + Khu danh thắng Lư Sơn (Giang Tây)
 + Nga Mi Sơn - Lạc Sơn Đại Phật (Tứ Xuyên)
 + Di Hòa Viên (Bắc Kinh)
 + Thiên Đàn (Bắc Kinh)
 + Lăng tẩm hoàng gia Minh-Thanh (Bắc Kinh)
 + Thành cổ Bình Dao (Sơn Tây)
 + Tô Châu Viên Lâm (Giang Tô)
 + Thành cổ Lệ Giang (Vân Nam)
 + Thôn cổ Tây Đệ - Hoành thôn (An Huy)
 + Vũ Di Sơn (Phúc Kiến)

Lễ hội

Sinh hoạt lễ hội là loại hình văn hóa dân gian đặc trưng của người Trung Quốc.
 
 Các ngày Lễ tết chủ yếu ở Trung Quốc gồm:
 
 + Tết xuân của Trung Quốc
 
 + Tết Khéo tay
 
 + Tết Trùng Cửu
 
 + Tết Đoan Ngọ
 
 + Tết Nguyên Tiêu
 
 + Tập tục ăn tết của các dân tộc thiểu số của Trung Quốc
 
 + Tết Lạp Bát
 
 + Tết Thanh minh