Canada

Canada

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Tổng quan về Canada Tháp truyền hình Toronto, biểu tượng tuyệt đẹp của Canada.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Canada

- Tên nước: Canada (Canada).

- Ngày quốc khánh: 1/7/1867 (ngày độc lập).

- Thủ đô: Ottawa
  
- Vị trí địa lý: Canada nằm ở lục địa Bắc Mỹ; phía Nam giáp Hoa Kỳ; phía Bắc giáp Alaska (Hoa Kỳ) và Bắc cực; phía Đông giáp Đại Tây Dương; phía Tây giáp Thái Bình Dương.
  
- Diện tích: 9.984.670km2
  
- Khí hậu: Canada được biết đến nhiều bởi khí hậu lạnh và băng tuyết, nhưng trên thực tế khí hậu của Canada cũng khá đa dạng như chính phong cảnh ở Canada. Về cơ bản, Canada có bốn mùa rõ rệt, đặc biệt ở các vùng dân cư đông đúc hơn dọc biên giới Hoa Kỳ. Nhiệt độ mùa hè vào ban ngày có thể lên tới 35˚C và cao hơn, trong khi vào mùa đông nhiệt độ có thể giảm xuống -25˚C. Bình thường, nhiệt độ ôn hòa hơn vào mùa xuân và mùa thu.
  
- Dân số: 34.299.000 (con số ước lượng đến 2010)
  
- Dân tộc: Canada là nước đa sắc tộc. Người gốc Anh (28%), người gốc Pháp ( 23%), người lai (26%), người gốc các nước châu Âu khác (15%), người gốc các nước khác (chủ yếu là người châu Á, châu Phi, Arập) (6%), người da đỏ (2%).
  
- Hành chính: Canada có 10 tỉnh bang và 3 lãnh thổ tự trị phía Bắc.  Trên thực tế, mỗi đơn vị hành chính tỉnh là một bang tự trị (tương đối) với một chính phủ bao gồm các hệ thống hành pháp, tư pháp, luật pháp, thuế, giáo dục, y tế, xã hội... riêng của họ.

Cơ chế hành chính của mỗi tỉnh bang tương đối giống trường hợp của liên bang. Với lời đề nghị của Thủ tướng Canada, Nữ hoàng cử một người dân trong tỉnh bang làm đại diện cho mình (Lieutenant governor). Về mặt lập pháp, thay vì có hai viện như liên bang, quốc hội của mỗi tỉnh bang chỉ có một viện với tên khác nhau tuỳ theo từng tỉnh bang. Về mặt hành pháp, đảng chiếm đa số ghế trong quốc hội sẽ thành lập chính phủ, đảng chiếm nhiều ghế thứ nhì sẽ thành lập đối lập chính thức.
  
- Đơn vị tiền tệ:  Đôla Canada (CAD)
  
- Tôn giáo: Đạo Thiên chúa (46%), đạo Tin lành (36%), các tôn giáo khác (18%).
  
- Ngôn ngữ:  Tiếng Anh (59,3%), tiếng Pháp (23,2%), ngôn ngữ khác (17,5%).

Địa lý

+ Vị trí địa lý:  Canada nằm ở lục địa Bắc Mỹ; phía Nam giáp Hoa Kỳ; phía Bắc giáp Alaska (Hoa Kỳ) và Bắc cực; phía Đông giáp Đại Tây Dương; phía Tây giáp Thái Bình Dương.
    
 + Diện tích: 9.984.670km2. Canada là nước lớn thứ hai thế giới, sau Nga.
    
 + Địa hình: Phần lớn khu vực Bắc cực của Canada được bao phủ bởi băng và lớp băng vĩnh cửu. Canada cũng có bờ biển dài nhất thế giới: 202.080 km (125.570 dặm). Canada có bảy vùng địa lý với những sắc thái khác nhau.
 
 * Vùng núi Tây Cordillera bao trùm miền đất British Columbia, Yukon và một phần của Alberta là nơi có nhiều phong cảnh tuyệt đẹp. Những dãy núi đá lớn chạy dài suốt phần đất dọc bờ biển phía tây, nhiều ngọn nhô cao từ 2.000 đến 4.000. Xen kẽ là các mỏm núi thấp và các thung trong lũng, nổi tiếng nhất là thung lũng hẹp Rocky Mountain Trench. Miền trung British Columbia là vô vàn các bình nguyên, đồi, khe, lòng chảo tạo đa dạng. Tại vùng Yukon là 20 ngọn núi chọc trời, trong đó có đỉnh Logan cao nhất Canada (5.959 m).
 
 *Vùng đồng bằng Great Plains là vùng đất bằng phẳng, rộng lớn với những cánh đồng trải dài lút tầm mắt như Alberta, Saskatchewan và Manitoba. Các nông trại màu mỡ trong vùng là nguồn cung cấp hầu như toàn bộ sản lượng lúa mì cho Canada. Một số nơi khác có khí hậu sa mạc với những trận gió cát và tạo thành những vùng nước đọng trên các khối đá. Đây cũng là nơi đã phát lộ nhiều hóa thạch của các loài khủng long tiền sử.
 
 *Tấm lá chắn Canada là một vùng đất nổi tiếng về khai khoáng và khai thác gỗ, bao gồm miền bắc Manitoba, Ontario và Quebec, từ bờ tây đến bờ bắc của Alberta, từ bờ đông tới Labrador va bao bọc quanh vịnh Hudson. Miền đất này là địa hình đặc trưng nhất của Canada và là nền tảng của lục địa Bắc Mỹ. Đây là vùng đất cổ, được tạo nên từ những lần trồi sụt của các dòng sông băng và để lại một lớp đất phù sa mỏng bồi đắp cho những cánh rừng phương bắc rộng lớn.
 
 *Vùng đất thấp sông St. Lowrence và Các Hồ Lớn là miền đất không mấy bằng phẳng giữa vùng thủ phủ Quebec và Windsor, Ontario. Hầu hết các thành phố lớn và khu công nghiệp của Canada đều tập trung tại khu vực này, chiếm tới 1/2 dân số cả nước. Những dải đất bằng phẳng ở đây trước kia là các cánh rừng, còn nay đã trở thành những cánh đồng phì nhiêu.
 
 *Vùng Appalachian nằm về phía đông nam của Canada, bao gồm một phần phía nam sông St. Lawrence thuộc Quebec và hầu hết các tỉnh miền đông của nước này. Đặc điểm của vùng này là tập trung nhiều đồi và rừng. Càng dần về phía bờ biển, phong cảnh nơi đây nhấp nhô như gợn sóng. Đây là vùng có nhiều cảnh đẹp và rất yên tĩnh với vài thành phố và thị trấn nhỏ xinh nằm ven bờ Đại Tây Dương.
 
 *Vùng vịnh Hudson và vùng đất thấp Bắc cực là phần đất rộng lớn phía nam vịnh Huston. Đây là địa hình mang những tính chất đặc trưng nhất của Canada với nhiều sình lầy, đầm phá. Tại đây hầu như không có người ở và cũng không có du khách tìm đến, ngoại trừ thị trấn Chrrchill thuộc Manitoba.
 
 * Miền đất Bắc Băng dương ở vùng cực bắc là một vùng bao la bị băng tuyết bao phủ quanh năm. Màu trắng của các núi băng bốn mùa giá lạnh và mưa tuyết là hình ảnh quen thuộc của vùng này. Nằm sâu bên dưới các hòn đảo băng cứng đã hình thành từ hàng triệu năm. Suốt miền băng tuyết này hầu như không có đường đi và rất ít người sinh sống.
  
 + Khí hậu: Nhiệt độ trung bình mùa đông và mùa hè trên khắp Canada khác nhau tùy theo vị trí. Mùa đông có thể rất khắc nghiệt ở nhiều vùng của đất nước, đặc biệt là tại các tỉnh nội địa và các tỉnh bình nguyên, là những nơi có khí hậu lục địa, nhiệt độ trung bình hàng ngày là gần -15 độ C, nhưng có thể giảm xuống dưới -40 độ C  với những cơn gió lạnh khắc nghiệt. Trong các khu vực không có bờ biển, tuyết có thể bao phủ mặt đất gần sáu tháng trong năm (nhiều hơn ở phía bắc). Khu vực ven biển British Columbia có khí hậu ôn đới, với một mùa đông mát mẻ và có mưa. Trên bờ biển phía đông và phía tây, nhiệt độ trung bình cao thường khoảng 20 độ C, trong khi giữa các vùng bờ biển, nhiệt độ trung bình cao mùa hè khoảng 25-30 độ C (77-86 ° F), với khí nóng có thể lên đến trên 40 độ C tại một số khu vực nội địa.
    
 +Tài nguyên: Canada có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết cho sự phát triển kinh tế. Điều này khiến cho những ngành kinh tế dựa vào tài nguyên thiên nhiên phát triển khắp nơi. Đất đai ph́ nhiêu ở những tỉnh có nhiều đồng cỏ bao quanh vùng hồ Great Lakes và sông Saint Lawrence. Nền kinh tế nông nghiệp phát triển ở cả hai vùng này. Rừng Canada bao phủ 27% diện tích đất đai trong nước, cung cấp nhiều gỗ có giá trị thương mại cao, nhất là ở British Columbia, Quebec, Bắc Ontario, miền Bắc các tỉnh đồng bằng…
 
 Khoáng sản tại các mỏ ở Canada thoả măn được nhu cầu xuất khẩu và sử dụng cho ngành công nghiệp nội địa. Năm trong sáu vùng chính đều có cung ứng nguồn tài nguyên này. Phần đất Quebec nằm trong vùng Appalachian là nguồn dự trữ a-miăng lớn nhất thế giới cùng với các quặng đồng và kẽm. Các vùng khác giàu kim loại như nickel, đồng, vàng, uranium, bạc, nhôm và kẽm. Hệ thống sông hồ là nguồn cung cấp thủy điện quan trọng. Cũng như các nguồn tài nguyên khác, một lượng điện năng không nhỏ được xuất khẩu. Dưới biển, trữ lượng cá có một sức thu hút đáng kể và có giá trị kinh tế cao nhất ở Canada. Mặc dù hoạt động ngư nghiệp bị sút giảm từ năm 1993 do nguồn cá hông bị khai thác quá mức, nay có dấu hiệu hồi phục. Riêng vùng Thái B́nh Dương, nhiều chủng loại cá hồi là nguồn cung ứng cá quan trọng nhất, bên cạnh những chủng loài cũng có một giá trị kinh tế đáng kể.

Lịch sử

Cách đây hàng nghìn năm, những người châu Á đã từ Siberie vượt qua Alaska đến định cư ở miền đất ngày nay là Canada rồi đi tiếp xuống các vùng đất phía nam. Những bộ lạc thổ dân này đã có một đời sống ổn định với các nghề săn bắt, đánh cá, trồng cấy và một nền văn minh hoàn chỉnh.
 
Đến thế kỷ 16, trong khi tìm đường đến Ấn Độ, các nhà thám hiểm châu Âu đã vượt Đại Tây Dương đến lục địa này. Họ đã tìm thấy một miền đất giàu có, đặc biệt là các loài thú có lông quý như hải ly, cáo và gấu. Tiến sâu vào đất liền, người Pháp xây dựng các tiền đồn dọc theo sông St. Lawrence, vùng Ngũ Hồ và Mississipi, người Anh ở quanh vịnh Hudson và dọc bờ biển Đại Tây Dương. Sau các cuộc tranh chấp gay gắt, người Anh đã thiết lập được các vùng thuộc địa rộng lớn, người Pháp tập trung về vùng Quebec.
 
 Năm 1774, Đạo luật Quebec ra đời, chính thức công nhận bộ luật dân sự Pháp và đảm bảo các quyền tự do tôn giáo và ngôn ngữ tại vùng lãnh thổ này. Khi Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ ở phía nam tuyên bố độc lập khỏi nước Anh, rất nhiều người Anh đã rời bỏ nước Mỹ, chạy lên phía bắc định cư tại Nova Scotia, New Brunswick và dọc theo Ngũ Hồ, hình thành các vùng tự quản. Sau đó, các thuộc địa của Anh ở phía bắc nước Mỹ là Canada Đông, Canada Tây, Nova Scotiam New Brunswick cùng thống nhất theo các điều khoản của Đạo luật về Bắc Mỹ của Anh để lập nên Liên bang Canada thuộc Liên Hiệp Anh ngày 1/7/1867. Ngài John Alexander Macdonal, người được coi là cha đẻ của Canada đã giữ chức Thủ tướng đầu tiên của đất nước này từ 1867 đến 1873.
 
 Dần dần, Canada mở rộng về phía tây, sáp nhập thêm các vùng Manitoba năm 1870, British Colombia năm 1885, đảo Hoàng tử Edward năm 1873, vùng Yukon năm 1898 và đến năm 1905 là Alberta và Saskatchewan. Đến năm 1949, vùng lãnh thổ Tây Bắc New Foundland trở thành tỉnh thứ 10 của Canada.
 Lá phong là biểu tượng của Canada.
 
 Sau đại chiến thế giới thứ nhất, tiếng nói độc lập của Canada ngày càng trở nên rõ rệt. Vào năm 1931, quyền tự trị của Canada so với Anh được khẳng định bằng Quy ước Westminster. Từ sau đại chiến thứ hai đến nay, nền kinh tế Canada phát triển vượt bậc, đưa nước này vào hàng các cường quốc đồng thời, các chương trình xã hội tiên tiến của chính phủ như trợ cấp gia đình, trợ cấp tuổi già, chăm sóc sức khỏe cho mọi người, bảo hiểm thất nghiệp đã mang lại cho người dân Canada một chất lượng sống cao mà nhiều nước phát triển cũng phải phấn đấu theo. Cùng với các chính sách đối ngoại ôn hòa, thân thiện và sẵn sàng chia sẻ, vị thế của Canada trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
 
 Đặc biệt, vào ngày 1/4/1999, vùng lãnh thổ bao la phía bắc là Nuvavut, một vùng đất rộng bằng 1/5 diện tích toàn Canada cũng gia nhập liên bang. Sự kiện này đã khẳng định đường lối phát triển tốt đẹp và bền vững trong quá trình xây dựng đất nước của Canada.

Chính trị

- Thể chế chính trị:  nhà nước Liên bang dựa lên nền quân chủ lập hiến và chế độ dân chủ nghị viện.
 
 - Hiến pháp: Dựa trên các văn bản luật, các phong tục, các quyết định pháp lý và căn cứ vào truyền thống lâu đời của Canada. Các hiến pháp văn bản bao gồm: Hiến pháp ( ngày 29/03/1867): quyết định sự kết hợp của 4 tỉnh bang, Hiến pháp (ngày 17/03/1982), chuyển quyền kiểm soát từ Anh sang Canada và Hiến chương Canada về Quyền tự do cũng như các thủ tục được bổ sung thêm vào bản hiến pháp.
  
 - Cơ quan lập pháp:  Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện. Thượng nghị sĩ do Toàn quyền cử theo khuyến nghị của Thủ tướng và làm việc đến 75 tuổi. Hạ nghị sĩ được dân bầu trực tiếp với nhiệm kỳ là 5 năm. Hạ viện (the House of Commons trong tiếng Anh hay Chambre des Communes trong tiếng Pháp) bao gồm 308 ghế, các thành viên được bầu cử trực tiếp và có nhiệm kỳ trong 4 năm. Năm 2009 tới Canada sẽ bắt đầu kì bầu cử mới.
 
 Bầu cử Hạ viện được tổ chức gần đây nhất là vào 23 tháng một năm 2006( lần tới sẽ được tổ chức vào năm 2009)
 Kết quả bầu cử: Hạ viện(House of Commons) – phần trăm phiếu bầu của các đảng – Đảng bảo thủ 36.3%, Đảng tự do 30.2%, Đảng tân dân chủ 17.5%, Khối Quebec 10.5%, Greens 4.5%, đảng khác 1%; số ghế của các Đảng trong nội các – Đảng Bảo Thủ 124, Đảng Tự Do 102, Đảng Tân Dân Chủ 29, Khối Quebec 51, Đảng khác 2;
  
 - Cơ quan hành pháp:
  
 Nguyên thủ quốc gia của Canada là Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị (từ ngày 6/2/1952). Với đề nghị của chính phủ Canada, Nữ hoàng cử một người dân Canada làm đại diện cho mình gọi là Toàn Quyền (Governor General of Canada; Gouverneure générale du Canada gọi là Đại diện Nữ hoàng). Toàn quyền được bổ nhiệm bởi nữ hoàng do Thủ tướng đề nghị trong nhiệm kỳ 5 năm.
 
 Sau nữ Hoàng sẽ có chính phủ và Đứng đầu chính phủ là Thủ tướng.
 
 Nội các: Đứng đầu Chính phủ là Thủ tướng - người đứng đầu đảng chiếm đa số ghế trong Hạ viện sẽ được Toàn quyền bổ nhiệm làm Thủ tướng. Thủ tướng điều khiển Chính phủ và là chủ tọa Nội các (Cabinet) bao gồm nhiều Bộ trưởng và những người cố vấn.
 
 - Cơ quan tư pháp: Tòa án tối cao của Canada (quan tòa được Thủ tướng cử ra thông qua Toàn quyền), Tòa án liên bang Canada; Tòa án tỉnh (được gọi bằng nhiều tên khác nhau như Court of Appeal, Court of Queens Bench, Superior Court, Supreme Court, and Court of Justice)
  
 - Chế độ bầu cử: trên 18 tuổi. 
  
 - Các đảng phái lớn: Khối Quebec; Đảng Bảo Thủ Canada (là sự kết hợp giữa liên minh Canada và Đảng Bảo Thủ Tiến Bộ), Đảng xanh; Đảng Tự Do; Đảng Tân Dân Chủ.

Kinh tế

Kinh tế: Canađa có nền công nghiệp và công nghệ hiện đại, mới đây đã gia nhập các nước có GDP đạt một nghìn tỷ USD. Canađa là một trong những nước có mức sống cao nhất thế giới.
 
 Từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, sự tăng trưởng nhanh trong ngành chế tạo máy, khai khoáng và lĩnh vực dịch vụ đã đưa đất nước từ một nền kinh tế nông nghiệp với những vùng nông thôn rộng lớn thành một nước công nghiệp với kinh tế đô thị là chính.
 
 Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, lực lượng lao động lành nghề, công nghệ sản xuất tiên tiến, kinh tế Canađa phát triển một cách vững chắc. Việc quản lý tài chính có hiệu quả đã tạo ra được thặng dư ngân sách làm giảm mức nợ nước ngoài. Canađa đang hướng tới một xã hội thông tin, trên nền một cơ sở hạ tầng thông tin hiện đại.
 
 Năm 2007, kinh tế Canađa có mức tăng trưởng tốt: 2,7%; tỷ lệ lạm phát thấp 2,1%; tỷ lệ thất nghiệp: 6% (mức thấp nhất trong 3 thập kỷ qua).
 
 * Về Công nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm công nghiệp chiếm 28,8% GDP và thu hút 19% lực lượng lao động (Chế tạo máy: 3%; Xây dựng: 16%);
 
 - Sản phẩm công nghiệp chính: Các sản phẩm quặng, thực phẩm, gỗ và các sản phẩm giấy, thiết bị giao thông, hoá chất, các sản phẩm cá, dầu mỏ và khí tự nhiên.
 
 * Về Nông nghiệp: Tổng giá trị các sản phẩm nông nghiệp chiếm 2,1% GDP và thu hút 2% lực lượng lao động.
 
 - Sản phẩm nông nghiệp chính: Lúa mì, lúa mạch, hạt có dầu, thuốc lá, trái cây, rau, các sản phẩm bơ sữa.
 
 * Về dịch vụ: Tổng giá trị các sản phẩm dịch vụ chiếm 69,1% GDP và thu hút 76% lực lượng lao động.
 Các lĩnh vực khác:3%.
 
 * Xuất khẩu: 433,1 tỷ USD
 
 - Các mặt hàng xuất khẩu chính: Các loại xe gắn máy và phụ tùng, giấy in báo, bột gỗ, gỗ xây dựng, dầu thô, máy móc, khí đốt thiên nhiên, nhôm, thiết bị truyền thông.
 
 - Các bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Mỹ (84,2%), Nhật Bản (2,5%), Anh (1,8%)
 
 * Nhập khẩu: 386,9 tỷ USD
 
 - Các mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc và thiết bị, dầu thô, hoá chất, các loại xe gắn máy và phụ tùng, các hàng tiêu dùng lâu bền.
 
 - Các bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Mỹ (56,7%),Trung Quốc (7,8), Mexico (3,8%)

Văn hóa

Canada theo truyền thống là quốc gia của những người nhập cư và ở đây có những chính sách thúc đẩy sự đa dạng văn hoá. Với nền tảng độc đáo ấy, những quan điểm khác nhau luôn được tôn trọng và sự hợp tác trao đổi cùng nhau luôn được khuyến khích.
 
 + Giáo dục: Tỷ lệ dân biết chữ: 99%. Mỗi tỉnh của Canada có trách nhiệm đối với hệ thống giáo dục riêng của tỉnh mình. ở tất cả các tỉnh, giáo dục mang tính bắt buộc và miễn học phí trong thời gian ít nhất là 8 năm, bắt đầu từ độ tuổi 6 hoặc 7 tuổi. Mỗi tỉnh quản lý các trường đại học và cao đẳng của riêng mình. Sinh viên phải đóng học phí, nhưng các trường cao đẳng được Chính phủ Trung ương và Chính quyền địa phương trợ cấp.
 
 + Nghệ thuật thị giác: hầu hết các tác phẩm hội họa của các họa sỹ Canada đầu tiên là theo xu hướng châu Âu. Trong suốt khoảng thời gian giữa thế kỷ 19, Cornelius Krieghoff, một nghệ sỹ gốc Hà Lan ở Quebec, đã vẽ những bức tranh về đời sống thường ngày (những người nông dân Canada gốc Pháp). Cũng trong khoảng thời gian trên, nghệ sỹ Canada, Paul Kane vẽ những bức tranh về cuộc sống của những người Thổ dân ở miền Tây.
 
 Một tập hợp những họa sỹ vẽ tranh phong cảnh với tên gọi Nhóm 7 đã phát triển một cách rõ ràng phong cách hội họa Canada. Đó là phong cách vẽ tranh phong cảnh với tông màu rực rỡ về phong cảnh thiên nhiên hoang dã ở Canada.
 
 Kể từ những năm 1930, các họa sỹ Canada đi theo hướng sáng tác đề cao cái tôi cá nhân. Tiêu biểu cho phong cách sáng tác hội họa thời kỳ này ở Canada thời kỳ này, có nữ họa sỹ Emily Carr, họa sỹ dòng tranh phong cảnh, David Milne , các họa sỹ dòng tranh trừu tượng Jean-Paul Riopelle và Harold Town, nghệ sỹ truyền thông đa phương tiện  Michael Snow.
 
 Nhóm họa sỹ dòng tranh trừu tượng Eleven , đặc biệt là các họa sỹ: William Ronald và Jack Bush , có ảnh hưởng quan trọng tới mỹ thuật đương đại của Canada.
 
 Nghệ thuật điêu khắc Canada phong phú với các tác phẩm điêu khắc trên ngà hải mã và cẩm thạch của các nghệ sỹ người Inuit.
 
 + Văn học
 
 Văn học Canada được phân chia làm hai mảng: văn học ngôn ngữ Anh và văn học ngôn ngữ Pháp. Hai mảng văn học trên mang dấu ấn truyền thống của văn học Anh và văn học Pháp. Tuy nhiên, không phải vì thế mà văn học Canada không tạo cho mình những nét đặc trưng riêng.
 
 Chủ đề chung của các tác phẩm văn học Canada là phản ánh thiên nhiên, cuộc sống vùng biên giới và vị trí của đất nước Canada trên thế giới hay nói cách khác, bản sắc của Canada được phản ánh sâu sắc trong văn học nước này.
 
 Các tác giả văn học Canada đã đoạt được nhiều giải thưởng quốc tế. Năm 1992, nhà văn Michael Ondaatje là tác giả người Canada đầu tiên đoạt giải Man Booker Prize. Margaret Atwood đoạt giải Booker năm 2000 với tác phẩm "The Blind Assassin" và Yann Martel cũng đoạt giải thưởng trên vào năm 2002, với tác phẩm "the Life of Pi." Tác phẩm "The Stone Diaries" của Carol Shields đoạt giải Pulitzer Prize cho thể loại tiểu thuyết năm 1995 , và giải National Book Critics Circle năm 1994.
 
 + Âm nhạc
 
 Âm nhạc Canada phản ánh tính đa dạng văn hóa của đất nước này. Những cư dân bản địa gốc Pháp và Anh đã có những đóng góp to lớn cho di sản âm nhạc Canada.
 
 Kể từ khi nhà thám hiểm người Pháp Samuel de Champlain đến Canada năm 1605 và thành lập các cơ sở định cư lâu dài tại Port Royal và Quebec năm 1608, đất nước này đã có cho riêng mình những nhạc sỹ và các đoàn hát múa.
 
 Từ thế kỷ 17 trở đi, Canada phát triển hạ tầng cho âm nhạc, bao gồm các hội trường trong nhà thờ, nhạc viện, các trung tâm nghệ thuật biểu diễn, công ty ghi âm, đài phát thanh và các kênh truyền hình âm nhạc.
 
 Âm nhạc Canada về sau này bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Mỹ vì gần gũi và di cư giữa hai nước.
 
 Nền công nghiệp âm nhạc Canada được sự hỗ trợ của Chính phủ trong quy hoạch bảo vệ và khuyến khích góp phần vào sự phát triển của nền văn hóa Canada.
 
 Cơ quan quản lý nội dung văn hóa Canada (CANCON) yêu cầu các đài phát thanh phát ít nhất 36% các tác phẩm âm nhạc Canada trong các chương trình âm nhạc. Điều này đã cho phép các nghệ sỹ Canada thu được thành công trên sóng phát thanh, trước các tác phẩm âm nhạc đến từ các nghệ sỹ Mỹ và châu Âu.
 
 Canada cũng được biết tới là nơi sản sinh ra những nhà soạn cổ điển nổi tiếng.
 
 +  Điện ảnh và truyền hình ở Canada
 
 Giai đoạn đầu, thị trường phim ở Canada bị chi phối bởi ngành công nghiệp điện ảnh Mỹ trong nhiều thập kỷ. Vào những năm 1960, Michel Brault , Pierre Perrault , Gilles Groulx , Jean Pierre Lefebvre , Arthur Lamothe , Claude Jutra và các nhà làm phim khác bắt đầu khôi phục ngành công nghiệp điện ảnh Canada trước sự xâm nhập của điện ảnh Mỹ bằng việc làm ra các bộ phim truyện và tài liệu có nội dung liên quan tới chính trị và tinh mới lạ. Trong một thời gian ngắn, Canada đã khôi phục và phát triển được một ngành công nghiệp điện ảnh mạnh mẽ, với việc tạo ra hàng loạt các bộ phim, dàn diễn viên nổi tiếng. Tại lễ trao giải Oscar 76, bộ phim "The Barbarian Invasions" của nhà làm phim Arcand đã trở thành bộ phim đầu tiên của Canada đoạt giải Oscar ở hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất.
 
 Không chỉ phát triển ngành công nghiệp điện ảnh trong nước, Canada cũng có nhiều nghệ sỹ vượt biên giới để thử thách và phát triển sự nghiệp ở kinh đô điện ảnh Hollywood (Mỹ) ngay trong những năm đầu thế kỷ 20.
 
 Ngành công nghiệp điện ảnh Canada hiện nay đã có một mạng lưới sản xuất quy mô như Hollywood. Từ những năm 1980, Canada nói chung và Vancouver nói riêngđã được thế giới biết tới với biệt danh "Hollywood phương Bắc."
 
 Người dân Canada tự hào về hệ thống phát thanh và truyền hình hiện đại của đất nước mình, bao gồm trên 10.000 đài phát thanh AM và FM, và khoảng 719 kênh truyền hình phục vụ nhu cầu giải trí và giáo dục của khán thính giả. Tập đoàn Phát thanh-Truyền hình Canada là một trong những cơ quan phát thanh-truyền hình lớn nhất ở Canada.
 

Ẩm thực

Canada - đất nước của cây lá phong vốn còn rất nổi tiếng bởi nền ẩm thực độc đáo với nhiều món ăn hảo hạng. Tuy chưa thật sự phổ biến rộng rãi như trào lưu ẩm thực của Nhật Bản, của Thái Lan nhưng những món ăn tinh túy, giàu chất dinh dưỡng của Canada được sản xuất từ nguồn nguyên liệu rất đặc trưng của một vùng đất, vùng khí hậu có một không hai mà thiên nhiên ban tặng, đã là sự lựa chọn tuyệt vời trong thực đơn của hàng triệu gia đình trên thế giới.

Sirô cây lá phong
 
Cứ mỗi độ xuân về tới miền đông Canada, khi tuyết bắt đầu tan, muông thú bừng tỉnh sau giấc ngủ đông dài chính là lúc mùa chế biến loại sirô ngọt ngào từ cây lá phong mà tất cả mọi người háo hức mong chờ bắt đầu. Canada là nước chiếm 85% sản lượng sirô chiết xuất từ cây lá phong trên toàn thế giới. Màu đỏ sẫm trải dài đan xen với màu đen huyền diệu nên thơ giữa những cánh rừng phong và sự hòa quyện tuyệt vời giữa những đêm giá lạnh và tiết xuân ban ngày ấm áp của đất nước Canada báo hiệu mùa bội thu nhựa cây lá phong trong suốt để làm nguyên liệu chế biến si-rô.
 
Các vùng sản xuất sirô từ cây lá phong của Canada nằm ở tỉnh Quebec, Ontario, New Brunswick và Nova Scotia. Người sản xuất sirô chăm sóc cây rất kỹ để đảm bảo cho cây lá phong sinh trưởng lâu dài. Mỗi lần họ chỉ chiết từ mỗi cây khoảng 1-1,5 lít nhựa, tương đương với chưa đến một phần mười lượng đường của cây. Với hương vị thơm ngon, ngọt ngào, si-rô cây lá phong không chỉ được dùng làm các loại bánh truyền thống như bánh kếp và bánh quế mà còn để làm ra các sản phẩm gia vị tự nhiên có giá trị gia tăng. Ngành công nghiệp chế biến sirô cây lá phong vị trái cây và rượu từ sirô cây lá phong. Bên cạnh sirô truyền thống còn có rất nhiều sản phẩm khác được chế biến từ si-rô cây lá phong như đường, bơ, kẹo và hàng loạt các mặt hàng có thành phần sirô cây lá phong như ngũ cốc, sữa chua và nhiều loại sản phẩm khác được tiêu thụ tại 45 quốc gia trên thế giới.
 
Rượu vang đá
 
Canada là nhà sản xuất hàng đầu thế giới các loại rượu vang đá (icewine), vừa ngon vừa quý hiếm, và liên tục nhận được các huy chương vàng từ các cuộc thi rượu vang quốc tế có uy tín nhất. Năm này qua năm khác, những mùa đông khắc nghiệt đã mang lại cho những nhà sản xuất rượu vang những chùm nho đông lạnh tự nhiên, và qua bàn tay lành nghề, sẽ trở thành những loại rượu vang có độ êm và thanh nhã mà không loại rượu nào có thể sánh nổi. Khi nhiệt độ hạ xuống -8°C, người ta cẩn thận hái bằng tay những quả nho đóng băng và ngay lập tức cho ép những quả nho này khi độ đường được tập trung cao nhất. Tuy chiết xuất được rất ít đường nhưng lại cho chất lượng thật tuyệt vời.

Có thể nhấm nháp và thưởng thức rượu vang đá không kèm thứ gì; có thể nhâm nhi để thưởng thức mùi thơm của nó với hương vị các loại đào, mơ, hoa dại, mật ong, quả lạc tiên và hạt vải. Cũng có thể uống rượu vang đá khi ăn patê gan, hoặc dùng cùng với các loại pho mát non mềm, hoa quả tươi có độ ngọt không vượt quá độ ngọt của rượu. Cần ngâm rượu trong xô đá khoảng 15 phút trước khi thưởng thức.

Dầu hạt cải

Dầu hạt cải (Canola oil) là loại dầu ăn có lợi cho sức khỏe nhất trong số các loại dầu ăn được ưa chuộng. Loại dầu ăn này được các đầu bếp, chuyên gia dinh dưỡng và các bà nội trợ đánh giá cao vì có lợi cho sức khỏe, đa dưỡng chất và không béo. Dầu hạt cải có tỉ lệ hài hòa tuyệt vời giữa các chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, và là nguồn dinh dưỡng giầu acid béo omega-3 và vitamin E. Đây là sản phẩm có giá trị nhất của Canada với giá trị xuất khẩu hạt, dầu và khô dầu hạt cải hàng năm lên tới hơn 3 tỉ đôla. Với màu sắc và hương vị nhẹ nhàng, dầu hạt cải rất phù hợp cho nấu ăn, làm bánh, chế biến các món salad và nước sốt.

Tôm hùm

Là một trong những quốc gia có vùng biển rộng nhất trên hành tinh, với tổng chiều dài bờ biển lớn nhất thế giới (244.000km), Canada có ngành công nghiệp đánh bắt hải sản có giá trị nhất thế giới và là nước xuất khẩu cá và hải sản hàng đầu sang hơn 130 quốc gia. Môi trường nước sạch là lạnh của các vùng biển Canada là nơi cư ngụ của hơn 160 loài cá và sò biển. Nhưng có thể nói tôm hùm chính là vị đại sứ của Canada ra thế giới. Tôm hùm được mệnh danh là "Vua hải sản" và là niềm tự hào Đại Tây Dương Canada.

Tôm hùm là thực phẩm đa năng tuyệt vời, bộ phận nào của nó cũng đều có thể chế biến thành món ăn. Vỏ tôm có thể dùng làm các món súp; gạch tôm có vị rất đặc biệt làm chất phết bánh, các loại bơ hoặc các loại nước chấm; trứng tôm có màu sắc đẹp lạ kỳ dùng làm món khai vị hoặc salad, càng tôm được dùng để trình bày đẹp mắt trên món salad. Cả con tôm hùm, được hấp lên ăn kèm với bơ là bữa tiệc của bậc đế vương. Khi dùng nóng, thịt tôm hùm có vị không lẫn vào đâu được, cho dù là luộc, rán, nhồi, sốt, nấu súp, ốplết, rán phồng, làm bánh quiche, bánh kếp và rất nhiều món khác. Khi dùng nguội, tôm hùm rất hợp với các món salad, khai vị và món gỏi cuốn tôm hùm nổi tiếng.

Ốc vòi voi

Ốc vòi voi là một trong những đặc sản biển do thiên nhiên ưu đãi nhờ vào môi trường biển lạnh và sạch của miền duyên hải Thái Bình Dương của Canada. Ốc vòi voi Canada được đánh bắt từ những khu vực biển xa bờ ngoài khơi tinh British Columbia và nổi danh về chất lượng cao, quy trình thu hoạch, đóng gói cẩn trọng.

Cái tên "ốc vòi voi" là do người Trung Quốc đặt do loài ốc này có chiếc xúc tu to lớn, dày thịt, ăn giòn sần sật và có vị ngọt bùi thơm ngon. Ốc vòi voi vừa là nguồn bổ sung protein hảo hạng, ít chất béo và cholesterol, đồng thời vừa là nguồn cung cấp chất sắt dồi dào.

Ốc vòi voi rất được ưa chuộng ở Hongkong, Trung Quốc và Nhật Bản, nơi nó được coi là món đặc sản quý hiếm và thường được chế biến để ăn lẩu kiểu người Hoa hoặc làm gỏi sống sashimi chấm với tương và mù tạt wasabi. Trong thực đơn của Nhật, ốc vòi voi được gọi là mirugai.

Điểm du lịch

Canada, đất nước với nhiều điểm du lịch, bất cứ nơi đâu cũng sẽ giúp du khách khám phá rất nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí vào mọi thời điểm trong năm. Du khách có thể đi thăm nhiều viện bảo tàng, tham dự các lễ hội theo mùa và các trò giải trí ban đêm thú vị ở mỗi tỉnh và vùng lãnh thổ khác nhau, hay đi tham quan các công viên quốc gia xinh đẹp. Canada cũng có những vùng quê tươi đẹp với nhiều hoạt động giải trí ngoài trời rất được yêu thích như trượt tuyết, đi xe đạp, đi bộ đường dài, cắm trại, ngắm cảnh hay cả đi thuyển buồm trên trăng.
 
Nếu du khách muốn khám phá các dãy núi, hãy đến Banff ở Alberta vào mùa thu, thời điểm này phong cảnh đẹp hơn bao giờ hết. Nếu du khách thích đi trượt tuyết, ở Canada có rất nhiều nơi làm bạn thỏa mãn. Nếu muốn chiêm ngưỡng những tòa nhà cao tầng, du khách có thể ghé thăm Montreal ở phía Đông Canada. Tất cả những thành phố lớn ở Canada rất gần với biên giới nước Mỹ.
 
Những điểm hút khách ở Canada thì nhiều vô kể, nhưng tiêu biểu có Kênh đào Rideau - được công nhận là di sản thế giới vào 27/6/2007- là sân trượt băng dài nhất thế giới, với thiết kế tinh vi và chất lượng xây dựng hoàn hảo. Nếu đến vào mùa đông, du khách có thể trượt băng, còn mùa hè có thể bơi thuyền trên kênh.
 
 Tiếp theo sẽ là thác Niagara nằm ở đường biên giới của Hoa Kỳ và Canada, lôi cuốn hàng triệu du khách mỗi năm đến miền đất xinh đẹp này. Cùng leo lên tháp truyền hình CN Tower cao 553,33m để chiêm ngưỡng toàn cảnh thành phố lớn nhất Canada, Toronto. Hay thử tài đi bộ với con phố Yonge S của Toronto,  được nêu trong sách Guinness là phố dài nhất thế giới,  1.896km.
 
Nếu du khách có điều kiện đến đất nước Canada xinh đẹp vào mùa thu, bạn sẽ có cơ hội cảm nhận và chiêm ngưỡng bằng tất cả xúc cảm một mùa thu đẹp tuyệt vời ở Canada – đó là khi lá phong bắt đầu là một màu vàng e ấp, rồi sang vàng nhạt, vàng mơ, vàng chanh, hoàng yến…Còn gì hạnh phúc và vui sướng hơn khi được dạo bước theo những con đường dài hai bên bạt ngàn những cây phong.
 
Tham quan những danh lam thắng cảnh ở Canada thực sự là một trải nghiệm độc đáo, tuyệt vời đối với bất kỳ ai. Bạn sẽ tìm được không gian thanh bình, yên ả, sẽ bị hớp hồn và ngạc nhiên trước những cánh đồng bất tận, những nông trại trù phú và chắc chắn bạn sẽ không khỏi sững sờ và thoảng thốt trước vẻ đẹp thiên nhiên lộng lẫy, đầy mê hoặc ở xứ xở Bắc Mỹ xinh đẹp này. Đó là miền Trung British Columbia với vô số các bình nguyên, đồi, khe huyền hoặc, gọi mời, cho đến xứ sở của loại đường làm từ nhựa cây thích ở Great Lakes và St. Lawrence, cùng với những ngọn đồi gồ ghề và bờ biển thơ mộng của vùng Đại Tây Dương. Đó là vùng Yukon với khoảng 20 ngọn núi cao chọc trời, đứng sừng sững như thách thức. Đó là vô số những con hồ lớn nhỏ xinh đẹp, duyên dáng nằm e ấp dưới những ngọn núi hùng vĩ như vùng hồ Erie và Ontario, nơi chuyên trồng đào, lê và nho…cũng là nơi sản xuất rượu vang trắng thuần khiết và nhất là rượu vang ướp lạnh được xếp vào loại rượu vang ngon nhất thế giới.
 
Một trong những nơi cũng rất “ăn khách” ở Canada là Công viên quốc gia Jasper- Alberta, sẽ làm bạn say và mê ngay từ những bước chân đầu tiên. Cảnh vật ở đây đẹp đến mức khôn tả, đủ sắc màu, đủ cung bậc. Có màu vàng xen lẫn đỏ của sắc lá phong, màu xanh của núi non trùng điệp, hùng vĩ, rồi màu của nước, của mây trời. Phong cảnh đẹp như trong chuyện cổ tích vậy. Ở đây có thác nước Athabasca rất đẹp, điểm xuyết ăn ý, hài hòa với hồ Horseshoe và đồi núi lởm chởm.
 
Thành phố trung tâm của đất nước Canada xinh đẹp – Thành phố Montreal cũng là một điểm đến không thể thiếu trong chuyến du lịch của du khách. Montreal là nơi hộ ngộ tuyệt vời giữa hai nền văn hóa Pháp và Anglo-Saxons, nổi tiếng với truyền thống lịch sử lâu đời, kiến trúc tinh xảo, nhà hàng ăn uống hảo hạng, các cửa hiệu thời trang cao cấp. Muốn ngắm nhìn toàn cảnh thành phố, du khách có thể chọn một địa điểm lý tưởng đó là đỉnh Royal. Với hơn 4.000 nhà hàng ăn uống, ở Montreal du khách có thể thưởng thức trên 75 loại món ăn khác nhau. Đó cũng chính là sự hấp dẫn đặc biệt của Montreal.
 
Nếu đến Montreal vào mùa hè, du khách sẽ có cơ hội thưỏng thức một loạt hoạt động văn hoá độc đáo của Montreal là các liên hoan kịch, nhạc quốc tế, phim và nhạc Jarr. Montreal có hơn 50 nhà hát và hơn 100 rạp chiếu bóng với sự hoạt động của 2 dàn nhạc giao hưởng, một nhà hát opera, nhiều nhóm múa hiện đại và một đoàn ballet nổi tiếng thế giới.
 
Du khách cũng không thể nào thờ ơ trước một thủ đô Ottawa xinh đẹp hay Vancouver - là thành phố lớn thứ 3 và cũng là hải cảng lớn ở Canada- được xếp hạng là thành phố lý tưởng nhất trên thế giới để sống.
 
Ngoài ra, cũng sẽ là thiếu sót nếu đến Canada mà không ghé thăm đảo Antoni; Công viên Quốc Gia Anse Aux Meadown và Nahami (lớn nhất thế giới, rộng 44.800km2), Wood Busalo, Công viên Đá Canada, Khu lịch sử Quebec được liệt vào hàng di sản nhân loại. Và những đường bờ biển uốn lượn ngoạn mục được chạm khắc một cách khéo léo bởi những cơn bão mạnh và dòng thủy triều chảy xiết ở Đại Tây Dương Canada.

Lễ hội

Lễ hội ở Canada diễn ra quanh năm giúp bạn bè năm châu hiểu hơn về con người và đất nước Canada xinh đẹp với những truyền thống đặc sắc, lâu đời.

Celebration of Light, thành phố Vancouver

Cuộc thi bắn pháo hoa Celebration of Light được xem là một trong những sự kiện có uy tín nhất trong lĩnh vực này. Từ năm 1990, Vancouver đã là chủ nhà của những cuộc thi bắn pháo hoa. Sự kiện này thường diễn ra vào ngày 25/7 hằng năm, kéo dài trong suốt 4 ngày liền. Mỗi màn trình diễn pháo hoa thường kéo dài 25 phút. Ứng viên tham gia biểu diễn khả năng sáng tạo cũng như những loại pháo hoa mới nhất. Nếu bạn đến Vancouver vào thời điểm tháng 7 thì đừng quên ghé thành phố Vancouver để tham dự lễ hội pháo hoa, chắc chắn nó sẽ mang lại cho bạn những điều thú vị và những kỷ niệm tuyệt vời khó quên.

Calgary Stampede, Calgary, bang Alberta

Lễ hội đua ngựa nổi tiếng được tổ chức hằng năm vào giữa tháng 7 và kéo dài trong 10 ngày. Nó được xem như là hoạt động ngoài trời lớn nhất trên thế giới và cũng là một trong những sự kiện lớn nhất diễn ra hằng năm ở Canada. Lễ hội đầu tiên được tổ chức vào năm 1886 nhưng mãi đến năm 1923 nó mới được công nhận là sự kiện chính của đất nước này. Công viên phục vụ cho hoạt động đua ngựa có đường đua, khán đài, trò chơi và cuộc đua ngựa kéo dài đủ cho cả gia đình ở đó trong nhiều ngày.

Sasktel Saskatchewan Jazz Fest, bang Saskatchewan

Nếu bạn yêu thích nhạc Jazz thì hãy ghé thăm lễ hội Saskatchewan. Có rất nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây tham dự trong suốt 9 ngày diễn ra lễ hội. Tại lễ hội, bạn được tận mắt xem vô số nhạc cụ khác nhau của những người tham dự lễ hội từ khắp nơi trên đất nước Canada. Vào năm 2006, lễ hội nhạc Jazz này được xem là lễ hội lớn thứ hai ở miền Tây Canada. Nó đã được tổ quy mô hơn 20 năm qua.

Icelandic Festival, Gimli, bang Manitoba

Lễ hội này được tổ chức trong 3 ngày tại Gimli, Manitoba. Thường thì nó bắt đầu từ ngày 3/8 và hằng năm và kết thúc vào ngày 6/8. Lễ hội này được xem là lễ hội thổ dân được duy trì lâu đời ở Bắc Mỹ và được công nhận là lễ hội chính thức bắt đầu tư năm 1890. Nhiều sự kiện diễn ra trong suốt lễ hội như đấu bóng, chạy gây quỹ từ thiện, chạy tiếp sức, diễu hành, biểu diễn nghệ thuật và nhiều hoạt động khác.

Winterlude, thành phố Ottawa, bang Ontario

Winterlude được tổ chức từ ngày 6/2 đến 22/2 tại bờ kênh Rideau, vốn là sân trượt băng lớn nhất thế giới. Lễ hội bao gồm những buổi hòa nhạc, trượt băng, trò chơi, thức ăn và những tượng bằng nước đá mà bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng. Vào những ngày lễ hội diễn ra, ban đêm người ta thường chiếu đèn vào những bức tượng nước đá này làm chúng trở nên đẹp lộng lẫy khi bạn trượt băng. Đây chính là một trong những điểm thu hút du khách nhiều nhất ở Canada.

Quebec Winter Carnival – Lễ hội mùa đông, thành phố Quebec

Quebec Winter Carnival  là lễ hội mùa đông lớn nhất thế giới. Lễ hội này thường bắt đầu vào thứ Sáu cuối cùng của tháng 1 hoặc ngày thứ 6 đầu tiên của tháng 2 và được kéo dài trong suốt 17 ngày liền. Nguồn gốc của nó xuất phát từ năm 1894 nhưng đến mãi năm 1955 mới được tổ chức thường xuyên vào mỗi năm. Đây là lễ hội truyền thống lớn của Quebec.

Festival Acadian De Clare, thành phố Nova Scotia

Lễ hội ở Nova Scotia khá nổi tiếng vì nó được biết đến như là lễ hội cổ xưa nhất của người Acadia ở Canada, được tổ chức lần đầu cách đây 53 năm. Nhiều hoạt động thu hút khách du lịch phải được kể đến như những buổi hòa nhạc ngoài trời, những cuộc diễu hành, thi câu cá ngoài khơi xa… Ngoài ra, lễ hội còn có rất nhiều hoạt động đủ để cho cả gia đình bạn bận rộn suốt cả ngày.

Shediac Lobster Fest, Shediac, bang New Brunswick

New Brunswick được xem là vùng của những con tôm hùm ngon nhất mà bạn có thể tìm thấy trên hành tinh này. Tại đây, vào tháng 7 hằng năm đều diễn ra lễ hội tôm hùm vui nhộn kéo dài suốt 4 ngày liền. Lễ hội này xuất hiện từ năm 1949 và ngày nay nó trở thành những lễ hội hoành tráng ở vùng New Brunswick. Có nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức tại lễ hội như trò chơi, món ăn, bia và các cuộc thi ăn uống. Ngoài ra, những buổi hòa nhạc ngoài trời diễn ra khắp mọi nơi ở khu vực thị trấn luôn là tâm điểm thu hút khách du lịch quốc tế. Nó thực sự là một lễ hội cho những ai thích tôm hùm.

Festival of Flight, Gander, bang Newfoundland

Newfoundland là một tỉnh nhỏ nhưng những lễ hội lớn đều được tổ chức tại đây. Một trong những lễ hội hằng năm phổ biến của Newfoundland là “lễ hội bay” được tổ chức từ ngày 30/7 đến 3/8. Lễ hội này diễn ra đều đặn suốt 22 năm qua. Có rất nhiều tiết mục hấp dẫn xung quanh sự kiện này như chơi nhạc sống đến những màn bay và đụng nhau hay những quán ăn đứng, những trò chơi và đặc biệt là màn bắn pháo hoa vô cùng ngoạn mục. Người dân Newfoundlander rất tự hào về ngày hội của mình và mong muốn chia sẻ lễ hội này cùng với các bạn bè quốc tế.

International Shellfish Festival, đảo Prince Edward

Lễ hội này bắt đầu từ năm 1996 và phát triển thành một trong những lễ hội lớn nhất của Canada. Nó thu hút những đầu bếp chuyên nấu hải sản từ khắp nơi trên đất nước Canada để thi nấu ăn và trở thành “cuộc hội ngộ lớn của các nhà bếp.”