Brunei

Brunei

Giới thiệu quốc gia

Thông tin chung

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Brunei. Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin.

Các thông tin tóm tắt cơ bản, tổng quát về Brunei.

 - Tên nước: Brunei Darussalam (nghĩa là Xứ sở hoà bình: The Abode of Peace)
 
 - Ngày quốc khánh: 23/2/1984
 
 - Thủ đô: Bandar Seri Begawan
 
 - Vị trí địa lý: Phía Bắc trông ra Biển Đông; ba mặt còn lại có chung biên giới với phía Đông Malaysia
 
 - Diện tích đất liền: 5.765km2
 
 - Khí hậu: nhiệt đới-cận xích đạo, với nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và mưa nhiều
 
 - Dân số: 388.190 người (2009)
 
 - Dân tộc: người Mã Lai (67%), người Hoa (15%), người bản xứ (6%), các nhóm khác (12%)
 
 - Hành chính: Brunei gồm 4 quận (daerah) là Belait; Brunei và Muara; Temburong; Tutong. Mỗi khu của một quận được gọi là Mukim.
 
 - Đơn vị tiền tệ: Đồng đôla Brunei (B$ hoặc BND)
 
 - Tôn giáo: Đạo Hồi dòng Sunni được Hiến pháp Brunei qui định là Quốc đạo (67%), đạo Phật (13%), đạo Cơ đốc (10%), Tín ngưỡng bản địa và tôn giáo khác (10%).
 
 - Ngôn ngữ: Tiếng Thái

Địa lý

Brunei gồm hai phần rời nhau. 97% dân số sống ở vùng phía Tây lớn hơn, 3% còn lại (chỉ khoảng 10.000 người) sống ở vùng núi phía Đông, vùng Temburong.
 
 Các thành phố lớn gồm thủ đô Bandar Seri Begawan (khoảng 46.000 dân), thành phố cảng Muara và những vùng sản xuất dầu lửa Seria và Kuala Belait.
 
 Khí hậu ở Brunei là khí hậu nhiệt đới-cận xích đạo, với nhiệt độ cao, độ ẩm lớn và mưa nhiều.

Lịch sử

Vào thế kỷ VI, Brunei là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á. Từ năm 1888, Brunei chịu sự bảo hộ của Anh. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, Brunei bị Nhật chiếm đóng (1941-1945).
 
 Năm 1946, Anh quay lại chiếm Brunei. Trước áp lực của phong trào giải phóng dân tộc, Anh buộc phải để cho Brunei có Hiến pháp riêng vào năm 1959.
 
 Ngày 1-1-1984, Brunei chính thức tuyên bố là quốc gia độc lập nằm trong khối Liên hiệp Anh.

Chính trị

- Thể chế chính trị: Quân chủ chuyên chế.
 
 - Cơ quan hành pháp: Đứng đầu Nhà nước và Chính phủ là Quốc vương kiêm Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Quốc vương có quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp và sửa đổi luật pháp, kể cả Hiến pháp.
 
 Giúp đỡ Quốc vương cai quản đất nước có 5 Hội đồng do Quốc vương chỉ định: Hội đồng Bộ trưởng Nội các; Hội đồng tôn giáo; Hội đồng cơ mật; Hội đồng lập pháp; Hội đồng truyền ngôi.
 
 - Cơ quan lập pháp: Hội đồng lập pháp.
 
 - Cơ quan tư pháp: Tòa án tối cao: Chánh án và các Thẩm phán do Quốc vương bổ nhiệm, nhiệm kỳ 3 năm.
 
 - Các đảng phái lớn: Đảng Dân tộc Thống nhất Brunây (PPKB), chính đảng hợp pháp duy nhất ở Brunây, được đăng ký hoạt động từ năm 1985 nhưng sau năm 1988 ít hoạt động.

Kinh tế

Brunei là nước nhỏ nhưng nền kinh tế khá thịnh vượng, dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu khí. Hiện nay dầu hỏa và khí đốt chiếm 80% tổng thu nhập trong nước và 90% thu nhập về xuất khẩu.
 
 Năm 2008, Bộ Phát triển Kinh tế Brunei đã đưa ra một chiến lược thu hút 4,5 tỷ USD đầu tư như một phần trong tiến trình đa dạng hóa nền kinh tế, bao gồm việc phát triển các ngành chế tạo và hóa dầu và xây dựng một cảng container lớn. Tăng trưởng GDP năm 2008 đạt khoảng 0,6%.
 
 - Về công nghiệp
 
 Tổng sản phẩm công nghiệp chiếm 71,6% GDP và thu hút 61,1% lực lượng lao động.
 
 Sản phẩm công nghiệp chính: Dầu mỏ, khí tự nhiên hóa lỏng, vật liệu xây dựng
 
 - Về nông nghiệp: Tổng sản phẩm nông nghiệp chiếm 0,9% GDP và thu hút 2,9% lực lượng lao động.
 
 Sản phẩm nông nghiệp chính: Gạo, rau, trái cây, gà, trâu nước, gia súc, dê, trứng
 
 - Về dịch vụ: Tổng giá trị lĩnh vực dịch vụ chiếm 27,5% GDP và thu hút 36% lực lượng lao động.
 
 - Về xuất khẩu: 6,767 tỷ USD
 
 Mặt hàng xuất khẩu chính: Dầu thô, khí tự nhiên, hàng may mặc
 
 Bạn hàng xuất khẩu chủ yếu: Nhật Bản (32,8%), Indonesia (24,4%), Australia (13,4%), Hàn Quốc (12,2%), Mỹ (5,5%)
 
 Do đặc thù của cơ cấu kinh tế dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu khí, Brunei luôn là nước xuất siêu.
 
 - Về nhập khẩu: 2 tỷ USD.
 
 Mặt hàng nhập khẩu chính: Máy móc và thiết bị vận tải, hàng hóa công nghiệp, thực phẩm, hóa chất
 
 Bạn hàng nhập khẩu chủ yếu: Anh (46,4%), Singapore (19,5%), Malaysia (11,3%).
 
 - Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)
 
 GDP tính theo sức mua (PPP): 20,65 tỷ USD (ước tính năm 2008).
 
 GDP bình quân đầu người/năm (theo PPP): 54.100 USD (ước tính năm 2008).

Văn hóa

Nhìn tổng thể về lịch sử có thể nhận thấy rằng nền văn hóa của Brunei là nền văn hóa chịu ảnh hưởng của khá nhiều nền văn hóa lân cận. Việc ảnh hưởng những nền văn hóa lân cận mang đến cho Brunei những nét mới lạ. Những yếu tố văn hóa ảnh hưởng được kết hợp hài hòa đã làm cho nền văn hóa mới của Brunei thêm nhiều bản sắc.
 
 Những đất nước mà văn hóa Brunei có ảnh hưởng lớn là Malaysia và Indonesia. Hai đất nước này gần gũi với Brunei về địa lý cũng như về lịch sử hình thành. Cho nên việc Brunei chịu ảnh hưởng khá nhiều về văn hóa hai đất nước này cũng là điều dễ hiểu.
 
 Ngoài ra, theo nghiên cứu còn ghi chép cuộc sống sinh hoạt từ ngàn xưa cho đến nay của Brunei đã ảnh hưởng những quy định của văn hóa tôn giáo Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Hai nên tôn giáo này ảnh hưởng sâu sắc trong lối sống sinh hoạt hàng ngày của người dân Brunei. Những quy định về lối sống hay phong tục của người Brunei đều phản ánh rõ điều này. Đa số mọi chuẩn mực trong cuộc sống của người Brunei chịu ảnh hưởng của Hồi giáo.
 
 Khắp đất nước Brunei vẫn còn lưu giữ lại khá nhiều những công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa kiến trúc đạo Hồi. Nhà thờ ở đây được cho là thiêng liêng và vô cùng có ý nghĩa trong cuộc sống của người dân. Một số ngành thủ công mỹ nghệ như làm đồ trang sức bằng bạc hay nghề làm giỏ đan móc, thêu vẫn được duy trì.
 
 Vì tôn giáo chính của người dân Brunei là đạo Hồi cho nên hàng năm ở Brunei cũng có khá nhiều lễ hội diễn ra. Nhưng hầu như là nhưng lễ hội mang đậm màu sắc của tôn giáo Hồi giáo.
 
 Đế tham quan Brunei du khách nên chú ý đến những vấn đề cấm kỵ cũng như những hạn chế của Hồi giáo. Ngay cả người dân Brunei cũng phải thực hiện những quy định nên và không nên theo tư tưởng Hồi giáo.

Ẩm thực

Dễ dàng nhận thấy thực phẩm người Brunei dùng mang thị hiếu của một chút Trung Quốc, một chút Thái, và một ít Indonesia. Nhưng những món ăn của Brunei lại có tính độc đáo và đặc sắc hơn nguồn gốc Malaysia.
 
 Theo nghiên cứu người Brunei có vị giác sành điệu và ngon miệng rất mạnh. Ở nước này cũng có rất nhiều dạng nhà hàng khác nhau, từ nhà hàng ẩm thực địa phương đến các quầy hàng đêm hay các nhà hàng sang trọng cao cấp. Tất cả các món ăn đều thú vị và được chào đón bởi người dân địa phương và du khách đến từ nước ngoài.
 
 - Món gà nướng
 
 Gà nướng Brunei là món ăn quen thuộc của người dân vương quốc Brunei. Món gà nướng có trong bữa ăn gia đình hay trong các hàng quán từ sang trọng đến bình dân. Món này cũng thường xuất hiện trong các tiệc chiêu đãi của quốc vương với các vị khách.
 
 Thường gà sau khi được làm sạch sẽ được đem đi ướp với nhiều gia vị đặc trưng. Tuy mỗi đầu bếp có một cách thức ướp khác nhau nhưng món gà nướng phải có độ mặn mà qua từng miếng thịt là đạt yêu cầu.
 
 Gà được nướng trên bếp than hồng hay nướng qua lò nướng điện với nhiệt độ cao. Có thể chế biến món gà nướng thành nhiều món ăn khác nhau. Gà sau khi được nướng, du khách có thể yêu cầu chế biến thành các món tùy khẩu vị. Món gà nướng ăn kèm các loại rau cùng nước chấm đặc trưng.
 
 - Thịt cừu xào
 
 Ở Brunei, du khách có thể dễ dàng thưởng thức món thịt cừu. Dù thịt cừu được pha chế thành nhiều món ăn ngon hấp dẫn như cừu nướng, cừu sốt vang, cừu hầm rau củ nhưng món thịt cừu xào là phổ biến nhất. Có thể dùng thịt cừu xào ăn kèm với cơm trắng hay bún tươi. Thịt cừu được tẩm ướp xào chung với các loại rau củ, món có độ sền sệt, óng ả.
 
 - Cá nướng
 
 Cá nướng là món ăn truyền thống, độc đáo, thơm ngon, bổ dưỡng lại rất lạ miệng với du khách khi ghé thăm Brunei. Món cá nướng được chế biến từ những loại cá to, thịt cá nhiều và dày.
 
 Trước khi đem nướng, cá được làm sạch ruột và bùn đấ, rồi tẩm ướp các gia vị đặc trưng. Cách ướp cá cũng là bí quyết riêng của người dân Brunei để cá có mùi vị đặc biệt hơn.
 
 Món cá nướng dùng chung với những nước chấm đặc trưng mà cách pha của mỗi gia đình lại khác nhau. Có nhiều cách pha chế hợp với khẩu vị người ăn hơn, có một số nơi, đầu bếp còn nhồi trong bụng cá những loại nhân khác. Chính vì điều này mà các loại cá nướng là món ăn được người dân địa phương và khách du lịch ưa thích.
 
 - Bánh bột mì nướng
 
 Món bánh nướng là món ăn bình dân của người dân Brunei. Món này khá ngon và dễ chế biến. Bánh được làm từ một loại bột mì nguyên chất. Bột này được quấy sền sệt với đường rồi cho vào chảo gang nóng để rán lên. Có khá nhiều hương vị bên trong bánh. Tùy theo khẩu vị mà có thể chọn ăn bánh ngọt hay mặn. Bánh sau khi nướng chín sẽ được rắc bên trên các loại hạt, cuối cùng cho thêm sữa cô đặc. Bánh thơm mùi đặc trưng của bột mì, mùi sữa béo ngậy và vị bùi của các loại hạt.

Điểm du lịch

Bandar Seri Begawan là thủ đô và là một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của đất nước Brunei. Đây là thành phố cực kỳ hiện đại, với các tòa nhà cao tầng, các công sở đồ sộ, nhưng có hệ thống đường sá rộng rãi, cây xanh bóng mát và một môi trường trong sạch.
 
 Thành phố cũng rất nổi tiếng bởi có rất nhiều danh lam thắng cảnh như nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin, Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman, Bảo tàng Hoàng gia Regalia, Khách sạn Empire, Làng nước nổi Kampong Ayer.
 
 - Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin
 
 Nhà thờ do kiến trúc sư người Italy Cavalieri R.Nolli thiết kế, được xây dựng trong bốn năm và khánh thành năm 1958. Công trình này được xem là hình mẫu biểu trưng nhất cho kiến trúc Hồi giáo hiện đại thế kỷ XX.
 
 Từ bất kỳ nơi nào ở thủ đô Bandar Seri Begawan đều có thể nhìn rõ nhà thờ cao 52m với những tháp cao bằng cẩm thạch và mái vòm tròn dát vàng này. Cấu trúc của các tháp theo phong cách kiến trúc thời kỳ Phục hưng của Italy, điều vốn rất hiếm gặp ở các nhà thờ Hồi giáo trên thế giới.
 
 Bên trong các tháp cẩm thạch được gắn hệ thống thang máy hiện đại dẫn lên đỉnh tháp, nơi du khách có thể phóng tầm nhìn bao quát toàn cảnh thủ đô.
 
 Trong khuôn viên nhà thờ, rất nhiều đài phun nước cũng như cây xanh và hoa cỏ được bài trí như chốn thiên đường theo tín ngưỡng Hồi giáo. Phía trước nhà thờ có một cây cầu uốn khúc băng qua phá dẫn dài đến cuối làng nước nổi Kampong Ayer.
 
 Ngoài ra còn có một cây cầu cẩm thạch khác được xây dựng vào năm 1967, nối liền công trình với hồ nước mang hình dáng mô phỏng một chiếc thuyền rồng truyền thống nổi tiếng của Vương quốc Brunei. Nguyên bản của chiếc thuyền rồng này có tên gọi Sultan Bolkiah, vốn được xây dựng vào thế kỷ thứ XVI.
 
 - Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman
 
 Cung điện nằm ở phía Nam, trên một ngọn đồi phủ đầy bóng cây xanh dọc theo dòng sông Brunei. Đây được coi là hoàng cung lớn nhất thế giới.
 
 Cung điện do kiến trúc sư người Philíppin Leandro V. Locsin thiết kế và được xây dựng năm 1984. Istana Nurul Iman có một mái vòm bằng vàng rất lộng lẫy và nguy nga, với 1.788 phòng, 257 phòng tắm và diện tích sàn lên đến 200.000m2. Ngoài ra còn có khu nuôi ngựa, khu để xe ôtô.
 
 - Bảo tàng Hoàng gia Regalia
 
 Đây là nơi trưng bày bộ sưu tập lễ đăng quang của Quốc vương, lưu giữ những hình ảnh của các đời vua Brunei, lịch sử cũng như nền văn hóa đa sắc Brunei. Bên cạnh đó, bảo tàng còn lưu cất những tặng vật của các nguyên thủ quốc gia tặng Quốc vương, trong đó có Việt Nam.
 
 - Khách sạn Empire
 
 Đây là khách sạn 6 sao, rộng 180ha với 443 phòng, có những cột mái, đồ trang trí dát vàng lộng lẫy. “Thành phố thu nhỏ” này có đầy đủ các khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất. Với một bên là biển xanh sóng vỗ rì rào, còn bên kia là màu xanh mát mắt của thảm cỏ, Empire là khách sạn nổi tiếng nhất Brunei.
 
 - Làng nổi Kampong Ayer - Venice của phương Đông
 
 Làng nổi Kampong Ayer là địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Brunei. Người ta thường nói, đến Brunei mà chưa đến thăm Kampong Ayer thì coi như chưa đến quốc gia Đông Nam Á này.
 
 Kampong Ayer bao gồm nhiều nhà sàn được xây dựng theo kiểu truyền thống độc đáo, nằm trải dài trên sông Brunei quyến rũ du khách ngay khi mới đặt chân đến.
 
 “Kampong Ayer” theo tiếng Mã lai nghĩa là “Làng nước.” Đây là làng nổi lớn nhất thế giới với diện tích hơn 10km2 và khoảng 39.000 cư dân sinh sống (khoảng 10% dân số Brunei), chia thành 42 làng nằm dọc theo bờ sông Brunei. Du khách có thể đến đây bằng thuyền hoặc đường bộ qua các cây cầu gỗ gần thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei.
 
 Với bề dầy lịch sử hơn 1.300 năm, Kampong Ayer là niềm tự hào của người dân Brunei. Đây là nơi thể hiện rõ nhất nền văn hóa sông nước của người dân Brunei. Trong thời kỳ phát triển cường thịnh nhất (1485-1524), Kampong Ayer là trung tâm hành chính, kinh đô của Đế chế Brunei và là một cảng quan trọng trong khu vực.
 
 Cư dân ở đây kiểm soát phần lớn các giao dịch thương mại tại cảng này. Họ buôn bán nhiều loại sản phẩm địa phương như long não, quế, ngọc trai, kim cương, vàng, nước hoa, chanh, thực phẩm.
 
 Làng nổi Kampong Ayer có hơn 4.000 công trình kiến trúc lớn nhỏ bằng gỗ, được xây dựng trên những cây cột cách mặt nước khoảng 2m, gồm nhà ở, nhà thờ Hồi giáo, các quán ăn, cửa hàng, trường học, bệnh viện, đồn cảnh sát, trạm cứu hỏa biển. Đường điện và Internet được kéo đến tận mỗi ngôi nhà.
 
 Vì ở trên sông nên các ngôi nhà gỗ bị giới hạn về diện tích, nhưng rất chắc chắn và tiện dụng. Chúng đều được xây dựng theo kiểu truyền thống độc đáo, tường được chạm hoa văn, sàn trải thảm, phía trước có khoảng sân rộng để trồng hoa và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước cửa mỗi nhà đều có cầu tàu cho thuyền cập bến. Trong nhà có cả phòng cưới trang trí rất đẹp vì Hồi giáo cho phép đàn ông lấy tới bốn vợ.
 
 Các ngôi nhà ở làng nổi được kết nối với nhau bởi các cây cầu bằng gỗ với tổng chiều dài gần 40km, khiến các khu nhà ở đây liên hoàn không khác gì đất liền.
 
 Người dân nơi đây có cuộc sống hoàn toàn giống với những cư dân sống ở đất liền. Hầu hết các hộ gia đình ở đây đều trang bị những tiện nghi hiện đại như tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa không khí, tivi nối truyền hình cáp, điện thoại, máy fax. Hoạt động kinh tế truyền thống ở đây chủ yếu là buôn bán trên sông, du lịch và đánh cá.
 
 Làng có 15 trường học từ cấp tiểu học đến trung học. Học sinh học đại học phải vào đất liền. Các ngôi trường đều rộng rãi với nhiều phòng học, chỉ không có sân chơi. Nhiều người trong làng là bác sĩ, giáo viên, thợ máy, lập trình viên và nhiều người trong số họ hàng ngày vào đất liền làm việc.
 
 Phương tiện công cộng duy nhất ở làng nước nổi này là “taxi nước” hay thuyền. Thuyền được làm bằng một loại gỗ đặc biệt ở địa phương (gỗ meranti merah), có gắn động cơ. Hàng ngày, “taxi nước” đưa đón các công chức vào đất liền làm việc, phục vụ khách du lịch, buôn bán trên sông.
 
 Làng nổi còn có các khu hội chợ rực rỡ hoa đăng với các quầy hàng, trang phục, hàng dệt, các sản phẩm truyền thống, các gian ẩm thực bày bán đồ ăn hấp dẫn.
 
 Kampong Ayer là nơi còn duy trì được nhiều ngành nghề thủ công truyền thống với những thợ thủ công nổi tiếng về sự khéo léo và tài hoa. Đến đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công độc đáo, tinh xảo như các đồ trang sức làm bằng bạc, bằng đồng; đồ mộc; khăn thêu và đồ đan lát.
 
 Ngoài ra, khách thập phương có thể được thưởng thức những điệu nhảy và bản nhạc truyền thống của những người dân hiền lành và mến khách. Trong mỗi ngôi nhà ở đây luôn bày sẵn bánh và trà để chào đón du khách.
 
 Dọc theo dòng sông Brunei bao quanh Kampong Ayer là cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman tráng lệ. Đây được xem là cung điện lớn nhất thế giới với một mái vòm bằng vàng lộng lẫy, nguy nga với 1.788 phòng, sân bay trực thăng riêng. Cung điện chỉ mở cửa cho người dân và khách tham quan mỗi năm một lần trong suốt lễ hội Hari Raya đánh dấu ngày cuối của tháng ăn chay Ramadan (tháng chín theo lịch của cộng đồng Hồi giáo trên thế giới).
 
 Ngày nay, Kampong Ayer là địa điểm thu hút khách du lịch, một di sản sống động, là biểu tượng của tự do, thống nhất và phát triển của người dân Brunei. Du khách châu Âu đến thăm Brunei thường ví Kampong Ayer như một “Venice của phương Đông.”

Lễ hội

Lễ hội Hari Raya kết thúc tháng ăn chay Ramadan tại Brunei
 
Brunei là một vương quốc Hồi giáo nằm trên đảo Borneo, thuộc Đông Nam Á, được hình thành từ cuối thế kỷ XIV, là quốc gia giàu có bậc nhất thế giới nhờ nguồn tài nguyên dầu mỏ dồi dào và thu hút du khách bằng những cung điện xa hoa tráng lệ, những thánh đường lộng lẫy và những lễ hội đặc sắc, đặc biệt là lễ hội Hari Raya.
 
 Với khoảng 75% dân số theo đạo Hồi nên cũng như các quốc gia Hồi giáo khác, ở Brunei thời điểm tháng Chín hàng năm là tháng chay Ramadan (thường gọi là tháng ăn chay hoặc tháng nhịn ăn).
 
 Những người theo đạo Hồi không ăn, không uống từ khi Mặt Trời mọc đến lúc Mặt Trời lặn - đây là khoảng thời gian chuộc tội để xin tha thứ cho tội lỗi của họ - và kết thúc tháng chay Ramanda bằng lễ hội Hari Raya như sự ăn mừng thành công của tháng ăn chay.
 
 Hari Raya của người Brunei không cố định ngày cụ thể trong các năm mà được quyết định bởi một hội đồng dựa theo lịch Gregory Idul Fitri, thường sẽ chậm đi 11 ngày mỗi năm.
 
 Năm 2009, lễ hội diễn ra ngày 21 và 22/9. Năm nay, lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 10 và 11/9.
 
 Trong 2 ngày này, Hoàng cung mở cửa: ngày thứ nhất đón tiếp các thành viên chính phủ, ngày thứ 2 đón tiếp dân chúng và khách du lịch. Đây là cơ hội duy nhất trong năm để thần dân Brunei và du khách vào thăm Cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman - Hoàng cung lớn nhất thế giới, để được bắt tay, nhận quà của Quốc Vương và các thành viên Hoàng gia.
 
 Món quà Quốc vương thường tặng là thanh chocolate có dấu ấn Hoàng gia. Theo quan niệm của người dân nơi đây, ai được nhận quà và bắt tay Vua, Hoàng hậu sẽ may mắn suốt cả năm. Nam giới sẽ được gặp Vua Hassanal Bolkiah và các Thái tử, Hoàng tử; phụ nữ được gặp gỡ Hoàng hậu cùng các vương phi và công chúa. Ngoài ra, du khách còn được thiết đãi một bữa tiệc buffet linh đình trong hoàng cung.
 
 Cung điện Istana Nurul Iman, nằm trên bờ sông Brunei, được xây dựng vào năm 1984 với chi phí 400 triệu USD, là nơi ở chính thức của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và đồng thời được sử dụng làm chỗ ở và làm việc của chính phủ Brunei và văn phòng Thủ tướng.
 
 Tên của hoàng cung được lấy từ tiếng Arập, có nghĩa là cung điện của ánh sáng đức tin vào cuộc sống. Đây là cung điện có diện tích lớn nhất thế giới, rộng 200.000m2 với kiến trúc theo lối hoàng cung nên mang phong cách xa hoa bậc nhất gồm khu dinh thự có 1.788 phòng lớn nhỏ khác nhau, một phòng ăn với sức chứa khoảng 5.000 khách, một thánh đường đủ cho 1.500 người, 257 phòng tắm, 564 đèn treo nhiều ngọn, 51.000 ngọn đèn, 44 cầu thang bộ, 18 cầu thang máy, 5 hồ bơi cùng rất nhiều cơ sở phục vụ cho cuộc sống, sinh hoạt của Hoàng gia.
 
 Ngoài ra, khu dinh thự còn có phòng trưng bày vật phẩm Hoàng gia Regalia, với vô số vật phẩm được chế tác từ các chất lượng quý, chủ yếu từ vàng 24k. Tại đây còn trưng bày bộ sưu tập tặng phẩm của các nguyên thủ quốc gia trên thế giới, trong đó có quà tặng của nguyên Thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải và phu nhân.