Cộng hòa Áo

Cộng hòa Áo

Quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Áo

Thứ tư 24/11/2010 | 16:50:06

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhiều người dân Áo đã xuống đường tuần hành ủng hộ Việt Nam. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng phát triển, đặc biệt kể từ chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 6/2008.

Áo ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và Việt Nam ủng hộ Áo ứng cử Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2009-2010.

Quan hệ chính trị-ngoại giao

Ngày 1/12/1972, Việt Nam và Áo thiết lập quan hệ Ngoại giao.

Tháng 7/1991 Việt Nam mở Đại sứ quán thường trú tại Áo.

Ngày 21/9/1998 Áo mở Đại sứ quán thường trú tại Việt Nam.

Quan hệ kinh tế-thương mại

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Áo được thiết lập từ những năm 1970. Thương mại song phương giữa hai nước những năm gần đây có phát triển nhưng còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng của hai nước.

Năm 2008, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Áo đạt 201,361 triệu USD (Việt Nam xuất 108,73 triệu USD, nhập 92.631 triệu USD).

Năm 2009, mặc dù tình hình kinh tế khó khăn và khủng hoảng tài chính nhưng kim ngạch hai chiều giữa Áo và Việt Nam vẫn đạt 256,8 triệu USD, tăng 27,6%, (Việt Nam xuất 103,386 triệu USD, nhập 153,438 triệu USD).

Các mặt hàng Việt Nam xuất sang Áo là giầy dép, máy vi tính, hàng dệt may, linh kiện điện tử, túi xách, vali ... và nhập từ Áo chất dẻo nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng, tân dược, gỗ và các sản phẩm gỗ.

Tính đến hết năm 2009 Áo có 13 dự án với tổng số vốn 26 triệu USD, đứng thứ 54 trong tổng số 82 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 10 trong EU.

Năm 1995, hai nước thoả thuận thành lập Tổ công tác hỗn hợp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Cho đến nay hai nước đã tiến hành 7 kỳ họp, lần cuối cùng tại Hà Nội vào tháng 3/2010.

Hợp tác phát triển

- Áo tài trợ cho Việt Nam trên 3 lĩnh vực trọng tâm là đường sắt, y tế và giáo dục đào tạo. Đây là những ngành Áo có thế mạnh cũng như có kinh nghiệm thực hiện các dự án tại các nước đang phát triển.

- Viện trợ phát triển (ODA) của Áo thực chất là một hình thức tín dụng hỗ trợ xuất khẩu, theo đó các nước nhận ODA phải mua thiết bị của Áo thông qua một công ty Áo. Áo chủ yếu cung cấp cho Việt Nam tín dụng có tính ưu đãi tương đối thấp (soft loan, lãi suất từ 1,55 % đến 3 %/ năm, thời hạn trả nợ 15-17 năm, thời gian ân hạn 4-5 năm, tỷ lệ không hoàn lại chỉ khoảng 25-30%).

Đến nay hai nước đã ký 12 hiệp định tín dụng với tổng giá trị tài trợ 137,8 triệu Euro.

- Viện trợ không hoàn lại của Áo mới chỉ tập trung vào hai dự án (Dự án "Phục hồi máy kéo" trị giá 1,06 triệu US$, nhằm mục đích khôi phục 1.500 máy kéo được nhập từ Áo năm 1980 và Dự án "Nghiên cứu phát triển công nghệ sau thu hoạch lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long" trị giá 575.000 EURO).

Quan hệ văn hóa-giáo dục-du lịch

Quan hệ hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Áo có những bước phát triển tích cực. Năm 2006, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Áo tại Hà Nội, Nhạc viện Hà Nội phối hợp với Nhà hát Opera Áo tổ chức dàn dựng và biểu diễn tại Hà Nội vở opera “Cây sáo thần” của Nhà soạn nhạc vĩ đại người Áo Mozart. Vở nhạc kịch đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả Hà Nội.

Ngoài ra, Áo có cử một số nghệ sỹ sang Nhạc viện Hà Nội giảng dạy trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, giữa hai nước cho đến nay chưa ký kết Hiệp định hợp tác văn hóa, nên việc trao đổi các đoàn văn hóa nghệ thuật và tổ chức các sự kiện văn hoá tại mỗi nước chưa thực sự diễn ra sôi động.

- Về giáo dục, thông qua Chương trình hợp tác ASEA-UNINET, hàng năm Áo cung cấp cho Việt Nam khoảng 20 học bổng đào tạo sau đại học. Ngoài ra, Đại sứ quán Áo tại Hà Nội hỗ trợ một số tài liệu, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập cho các trường đại học có đào tạo tiếng Đức tại Hà Nội.

Hiện nay có 7 trường Đại học ở Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với các trường Đại học của Áo.

Năm 2009, Áo đã dành 600.000 euro cung cấp học bổng cho gần 100 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sang học tập tại Áo, trong đó hơn một nửa là nữ.

Các ngành học của sinh viên Việt Nam là Công nghệ sinh học-thực phẩm, quản lý du lịch, khoa học tự nhiên và âm nhạc.

Hợp tác trên các diễn đàn đa phương

- Năm 2009, Áo và Việt Nam cùng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong thời gian đó, Việt Nam và Áo đã phối hợp ủng hộ nhau trên một số vấn đề quan tâm chung, đặc biệt trong việc tổ chức các phiên thảo luận mở "Trẻ em trong xung đột vũ trang," "Phụ nữ, hòa bình và an ninh" nhân dịp Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong các tháng 7/2008 và 10/2009 và "Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang" nhân dịp Áo là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 11/2009./.